Đầu tư xây dựng công trình ngầm: Làm đẹp cảnh quan đô thị

Thứ sáu, 17/06/2016 14:10
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trong khuôn khổ hội nghị "Hợp tác và đầu tư" do UBND TP Hà Nội tổ chức đầu tháng 6 vừa qua, thành phố đã ký biên bản ghi nhớ với ba nhà mạng là VNPT, Viettel, MobiFone và Tổng công ty Điện lực Hà Nội để triển khai hạ ngầm hệ thống đường dây viễn thông và đường dây điện lực trung, hạ áp trên địa bàn giai đoạn 2016-2020. Bốn doanh nghiệp cam kết đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng để làm đẹp cảnh quan, góp phần bảo đảm an toàn cho người dân.

Thi công hạ ngầm tuyến cáp trên đường Lê Văn Lương (Hà Nội). Ảnh: Hồng Kỳ

Theo Sở Xây dựng, bốn đơn vị là Tập đoàn VNPT, Tập đoàn Viettel, Tổng công ty MobiFone và EVN Hà Nội sẽ triển khai hạ ngầm đồng bộ hệ thống đường dây viễn thông và đường dây điện lực trung, hạ áp tại các tuyến phố phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Trong đó, ưu tiên việc sử dụng chung hạ tầng và chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông, kết hợp với việc ngầm hóa, chỉnh trang đô thị, xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại; đồng thời, tổ chức quản lý, khai thác công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị sử dụng chung theo quy định. TP Hà Nội có trách nhiệm công bố quy hoạch, kế hoạch hạ ngầm dây viễn thông, cáp điện lực trung, hạ áp đi nổi trên các tuyến phố, làm cơ sở để các đơn vị đăng ký đầu tư, xây dựng công trình ngầm theo phương thức xã hội hóa. Theo kế hoạch, từ nay đến hết năm 2018, tập trung hạ ngầm đồng bộ tại các tuyến phố chính của bốn quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng. Thành phố giao các sở, ngành liên quan làm việc với các nhà mạng để xác định nhu cầu hạ ngầm, từ đó xác định quy mô đầu tư. Thành phố cũng điều chỉnh, bổ sung các cơ chế về quản lý, xây dựng công trình ngầm; tạo điều kiện hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính có liên quan cho các đơn vị tham gia đầu tư, xây dựng công trình ngầm; thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với các dự án này.

Về phía các doanh nghiệp, riêng với EVN Hà Nội, do phải hạ ngầm lưới điện trung và hạ áp, nên đơn vị này đã cam kết đầu tư với số tiền lớn (khoảng 2.000 tỷ đồng); ba đơn vị: VNPT, Viettel, MobiFone mỗi đơn vị chi 500 tỷ đồng để hạ ngầm. Cả bốn đơn vị phải xây dựng kế hoạch đầu tư đồng bộ trên nguyên tắc một đơn vị đầu tư, xây dựng thiết kế và thành phố sẽ cấp phép thi công một lần. Trong quá trình thi công xây dựng, các đơn vị phải tạo điều kiện cho người lao động phổ thông của các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn tham gia các công việc liên quan.

Trước mắt, UBND thành phố giao Sở Xây dựng, Sở Thông tin và Truyền thông, các đơn vị liên quan để Viettel, EVN Hà Nội thí điểm hạ ngầm dây cáp viễn thông, điện lực tại hai tuyến phố: Thái Hà (quận Đống Đa), Giang Văn Minh (quận Ba Đình) và khởi công sớm nhất (dự kiến cuối tháng 6-2016). Được biết, hai đơn vị đang gấp rút làm các thủ tục về đầu tư để bảo đảm tiến độ khởi công như thành phố yêu cầu.

Với những thông tin kể trên có thể thấy, thành phố đã ra "đề bài" để các doanh nghiệp cùng hợp tác đầu tư xây dựng công trình ngầm theo quy định. Trong số ba nhà mạng, VNPT và Viettel đã từng tham gia vào việc xây dựng các công trình ngầm trên địa bàn thành phố. Riêng VNPT đã từng tự đầu tư và tham gia đầu tư thực hiện các công trình hạ ngầm dây, cáp viễn thông nhân dịp 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đến nay, VNPT được coi là doanh nghiệp viễn thông thực hiện hạ ngầm dây, cáp nhiều nhất trên địa bàn khi có tới 1.800km công trình ngầm (chưa tính các tuyến nhánh). Trong đó phải kể đến các tuyến phố đã ngầm hóa, như Hàng Bài, Phố Huế, Bà Triệu, Ngô Quyền, Hùng Vương, Kim Mã... và tại một số khu đô thị mới. Viettel cũng đã tham gia ngầm hóa một số tuyến nhân dịp 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Với MobiFone do thời điểm trước tháng 7-2014 trực thuộc Tập đoàn VNPT và sau khi hoạt động độc lập theo mô hình tổng công ty, MobiFone cũng sẽ có nhu cầu đầu tư phát triển mạng lưới, trong đó có mạng băng rộng, do vậy việc xây dựng công trình ngầm là cần thiết với nhà mạng này. Ông Lê Nam Trà, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Viễn thông MobiFone cho biết, MobiFone vinh dự được góp phần vào dự án hạ ngầm đồng bộ hệ thống viễn thông và điện lực của thành phố. Đây là một dự án lớn và có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và góp phần xây dựng Thủ đô ngày một văn minh, hiện đại hơn...

VNPT, Viettel cũng đã từng tự đầu tư xây dựng công trình ngầm, hoặc tham gia với thành phố theo hướng xã hội hóa. Vậy sắp tới triển khai xây dựng, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành cũng nên có các cuộc họp với các đơn vị này để cùng bàn hình thức hợp tác dùng chung, tránh chồng chéo, lãng phí. Thêm nữa, với những đơn vị đã có công trình ngầm cũng nên kiểm tra xem liệu công trình đã đáp ứng được các tiêu chí như quy định, nếu chưa có thể sửa chữa, nâng cấp để bảo đảm việc dùng chung công trình ngầm.


Theo Hà Nội mới

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)