Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Thứ tư, 15/06/2016 17:02
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thông cáo báo chí của VPCP về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 14/6/2016.

Lập Hội đồng quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Hội đồng quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động. Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội làm Chủ tịch Hội đồng.

3 Phó Chủ tịch Hội đồng gồm: Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; Thứ trưởng Bộ Y tế; Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Các Ủy viên Hội đồng gồm: Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Thứ trưởng Bộ Công an; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thứ trưởng Bộ Nội vụ; Thứ trưởng Bộ Công Thương; Thứ trưởng Bộ Xây dựng; Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Hội đồng có trách nhiệm tư vấn cho Chính phủ trong việc xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động theo quy định tại Khoản 2 Điều 41 Nghị định 39/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Luật An toàn, vệ sinh lao động; tổ chức đối thoại theo quy định tại Khoản 3 Điều 88 Luật An toàn, vệ sinh lao động.

Các cơ quan, tổ chức có thành viên nêu trên có trách nhiệm cử thành viên tham gia Hội đồng; tạo điều kiện cho thành viên tham gia Hội đồng làm việc và tuân thủ quy chế làm việc của Hội đồng; thông báo bằng văn bản cho Hội đồng khi có thay đổi nhân sự tham gia Hội đồng.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực của Hội đồng, có trách nhiệm làm đầu mối cho Hội đồng trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng; chủ trì xây dựng, trình Chủ tịch Hội đồng ban hành các chương trình, kế hoạch hoạt động hằng năm của Hội đồng, kết luận và các văn bản khác của Hội đồng; theo dõi, tổng hợp tình hình triển khai các văn bản này; chuẩn bị nội dung và điều kiện cần thiết phục vụ các phiên họp của Hội đồng...

Nâng cao năng lực đội ngũ công chức, viên chức về pháp luật quốc tế

Đề án nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức các bộ, ngành, địa phương về pháp luật quốc tế và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế giai đoạn 2016-2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đề án nhằm đưa ra những định hướng, nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng xử lý các vấn đề pháp lý quốc tế cho công chức làm công tác quản lý Nhà nước về đầu tư nước ngoài và công chức, viên chức làm công tác pháp luật, pháp chế của các bộ, ngành, địa phương; từng bước hình thành đội ngũ chuyên gia pháp luật trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế và tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật cho công tác này.

Bồi dưỡng kỹ năng phòng ngừa tranh chấp đầu tư quốc tế

Nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu của Đề án là tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phòng ngừa tranh chấp đầu tư quốc tế cho công chức làm công tác quản lý Nhà nước về đầu tư nước ngoài; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng pháp luật quốc tế và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế cho công chức, viên chức làm công tác pháp luật, pháp chế.

Trên cơ sở tài liệu tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phòng ngừa tranh chấp đầu tư quốc tế được xây dựng, mỗi năm tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ phòng ngừa tranh chấp đầu tư quốc tế cho khoảng 150-200 công chức làm công tác quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài được lựa chọn từ các bộ, ngành, địa phương.

Bên cạnh đó, tổ chức bồi dưỡng bổ sung kiến thức phòng ngừa tranh chấp đầu tư quốc tế cho công chức làm công tác quản lý Nhà nước về đầu tư nước ngoài của các bộ, ngành, địa phương.

Sau năm 2020, các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm tiếp tục tập huấn, bồi dưỡng theo các nội dung và cách thức phù hợp với tình hình.

Xây dựng các nhóm chuyên gia giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế

Nhiệm vụ và giải pháp tiếp theo là xây dựng các nhóm chuyên gia giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế tại một số bộ, ngành, địa phương.

Cụ thể, mỗi bộ, ngành chủ chốt trong công tác giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế giao cho đơn vị pháp chế (pháp luật) của mình xây dựng nhóm chuyên gia về giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế và thông báo tên, địa chỉ đơn vị được giao việc này cho Bộ Tư pháp.

Tùy theo tình hình thực tế của địa phương, UBND thành phố trực thuộc Trung ương và UBND tỉnh có nhiều dự án đầu tư nước ngoài có thể giao cho Sở Tư pháp hoặc tổ chức pháp chế thích hợp của một trong các cơ quan chuyên môn của mình xây dựng nhóm chuyên gia về giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế và thông báo tên, địa chỉ cơ quan, đơn vị được giao việc này cho Bộ Tư pháp. Biên chế dành cho nhóm chuyên gia về giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế được bố trí trong tổng số biên chế đã được phân bổ của địa phương.

Danh sách các tỉnh có nhiều dự án đầu tư nước ngoài do Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập, gửi Bộ Tư pháp và thông báo cho các UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tên trong danh sách biết để cân nhắc việc xây dựng nhóm chuyên gia giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.

Đào tạo nghiệp vụ sở hữu trí tuệ cho khoảng 1.000 người

Đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ về sở hữu trí tuệ cho khoảng 1.000 cá nhân, tập trung vào các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp.

Đây là một trong những mục tiêu của Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chương trình cũng hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về tài sản trí tuệ trong hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam; hỗ trợ khai thác, áp dụng vào thực tiễn cho ít nhất 50 sáng chế/giải pháp hữu ích của Việt Nam; hỗ trợ bảo hộ, quản lý và phát triển quyền sở hữu trí tuệ cho ít nhất 70 sản phẩm đặc thù của địa phương, sản phẩm làng nghề mang địa danh; hỗ trợ ít nhất 100 doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ trong việc xây dựng và triển khai mô hình quản lý và phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở trong và ngoài nước đối với các sản phẩm quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Để đạt được mục tiêu trên, Chương trình sẽ hỗ trợ thiết kế, xây dựng bộ công cụ tra cứu, các gói thông tin sở hữu trí tuệ chuyên ngành và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tiếp cận, khai thác thông tin sở hữu trí tuệ; hỗ trợ xây dựng và triển khai mô hình quản lý và phát triển tài sản trí tuệ trong các doanh nghiệp và tổ chức khoa học và công nghệ: Tổ chức bộ phận chuyên môn về tài sản trí tuệ; xây dựng và triển khai quy trình phát hiện, thống kê, đánh giá, quản lý tài sản trí tuệ.

Chương trình cũng hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và bảo vệ tài sản trí tuệ. Theo đó, đăng ký bảo hộ trong và ngoài nước đối với các sản phẩm, dịch vụ, ưu tiên các đối tượng là kết quả nghiên cứu khoa học, sản phẩm chủ lực, sản phẩm quốc gia, kiểu dáng sản phẩm và giống cây trồng mới; quản lý và phát triển tài sản trí tuệ đối với các sản phẩm đặc thù của địa phương mang địa danh đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể; tổ chức triển khai các biện pháp bảo vệ và nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Đồng thời, Chương trình sẽ giới thiệu, quảng bá và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại khác cho các tài sản trí tuệ của Việt Nam ở trong và ngoài nước; hỗ trợ khai thác, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm, dịch vụ được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; hỗ trợ thành lập và vận hành các doanh nghiệp, tổ chức khai thác, thương mại hóa tài sản trí tuệ...

Tiếp tục xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình giai đoạn II

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Thanh Bình, tỉnh Bắc Kạn - giai đoạn II.

Mục tiêu của Dự án nhằm hình thành một khu công nghiệp mới với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, tạo ra quỹ đất với các điều kiện hạ tầng kỹ thuật phù hợp để xây dựng các nhà máy, xí nghiệp; tạo môi trường thuận lợi và có bước đột phá trong thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp, phát huy lợi thế và nguồn lực của tỉnh, nâng cao tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, tạo việc làm cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Dự án đầu tư xây hệ thống hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Thanh Bình - giai đoạn II, tỉnh Bắc Kạn có diện tích 80,3 ha với tổng mức vốn thực hiện là 390.174 triệu đồng. Công ty Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp tỉnh Bắc Kạn làm Chủ Dự án.

Được biết, Khu Công nghiệp Thanh Bình nằm trong quy hoạch phát triển các khu công nghiệp của đất nước, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với quy mô diện tích 153 ha.

Dự án đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật Khu Công nghiệp Thanh Bình giai đoạn I đã hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng từ năm 2012.

Bàn giao công trình đường dây trung áp, hạ áp tại Hà Tĩnh cho EVN

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng ý về chủ trương cho phép bàn giao tài sản là các công trình đường dây trung áp, hạ áp và trạm biến áp được đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước trên đại bàn tỉnh Hà Tĩnh sang cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý.

Phó Thủ tướng yêu cầu việc bàn giao tài sản thực hiện theo nguyên tắc tăng, giảm vốn Nhà nước (không hoàn trả vốn).

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục, hồ sơ, phương pháp xác định giá trị còn lại của tài sản bàn giao để thống nhất thực hiện.

Đối với việc bàn giao các công trình lưới điện đã được đầu tư bằng nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân, vốn vay của các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước sang cho EVN quản lý, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, hướng dẫn thực hiện./.


Theo Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)