Thành phố thông minh
Ý tưởng quy hoạch đảo Cát Hải được Tư vấn OMA (Hà Lan)- đơn vị có kinh nghiệm trong quy hoạch (QH) cảng nghiên cứu. Quy mô khu vực nghiên cứu khoảng 5.000ha, trong đó gồm 2 khu chính: khu đảo Cát Hải có diện tích khoảng 2.650ha (gồm phần diện tích tự nhiên và phần lấn biển); khu cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng và khu phi thuế quan khoảng 2.350ha.
Trên cơ sở đánh giá lại toàn bộ hiện trạng khu vực và dựa trên các nghiên cứu QH của Tập đoàn Nikken Nikken (Nhật Bản), đơn vị tư vấn hướng đến mục tiêu QH đảo Cát Hải thành trung tâm của khu vực Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh, một đô thị cảng, đem đến những lợi thế khác biệt cho Hải Phòng nói riêng và Việt Nam nói chung. Đặc biệt, phát huy các thế mạnh gần đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, sân bay quốc tế Cát Bi, nằm trong Khu Kinh tế Đình Vũ – Cát Hải, nhất là khu phi thuế quan; cùng với sự phát triển về du lịch.
Đơn vị thi công cầu Tân Vũ nối liền nội thành với thị trấn Cát Hải
Nghiên cứu của OMA đề xuất: phía Bắc đảo trở thành thành phố thông minh (phát triển các khu giải trí, văn hóa, nghỉ dưỡng, du lịch, giữ lại toàn bộ hệ thống cảng và sau cảng; tiếp đó là các khu ở, resort, công viên, trung tâm thương mại, khu ở cao cấp, cảng du lịch); phía Nam là khu vực phát triển công nghiệp. Theo đó, chỉ dành 45% tổng diện tích cho công nghiệp cảng; 20% cho quỹ nhà ở, 10% cho thương mại dịch vụ, 10% diện tích cho du lịch và du lịch hội nghị...Đơn vị tư vấn hướng tới mục tiêu xây dựng Cát Hải thành đảo thông minh trên cơ sở mô hình phát triển hợp nhất và cân bằng 3 yếu tố: xã hội, kinh tế, môi trường. Trước hết, đảo thông minh Cát Hải phải dựa trên nền tảng phát triển khoa học - công nghệ, khai thác hiệu quả khu phi thuế quan (trung tâm lớn về kho vận, chế biến, sản xuất); cửa ngõ kho vận quốc tế và đầu mối du lịch (cảng du lịch) và khu đô thị mở hiện đại. Trên cơ sở nền tảng quy hoạch mạng lưới giao thông của Niken Sekkei (Nhật Bản), OMA chủ trương đề xuất khu công viên vui chơi giải trí, khu tái định cư và khu nhà ở công nhân, khu đô thị mới, khu nhà ở; trung tâm thương mại dịch vụ; khu ở của công nhân… quy tụ hai bên tuyến đường sắt đô thị trên cao. Đồng thời tạo vùng đệm xanh giữa khu đô thị với tuyến đường sắt, khu cảng biển quốc tế, khu phi thuế quan…Tư vấn OMA đề xuất tối ưu hóa toàn bộ dự án thông qua mạng lưới phát triển kinh tế của khu vực; kết hợp hành lang phát triển kinh tế và phát triển du lịch thông qua tâm điểm của dự án để phát triển quy hoạch, gồm 2 khu vực giải trí, văn hoá, nghỉ dưỡng, thương mại, du lịch (phía Bắc) và khu vực công nghiệp (phía Nam); kết hợp và kết nối mở để tối ưu hoá hạ tầng đầu tư trên nguyên tắc giữ lại hệ thống cảng, sau cảng, khu đô thị cảng và vùng đệm, phát huy hiệu quả đầu tư hạ tầng kỹ thuật thông qua việc cung cấp dịch vụ cho người dân địa phương và khách du lịch, tạo việc làm và phát huy tối đa lợi thế của khu vực phi thuế quan. Đặc biệt, sử dụng phương tiện, thiết bị tiết kiệm năng lượng, giao thông phát thải ít cacbon, cùng hệ thống tuần hoàn vật chất, bảo tồn hệ sinh thái đa dạng để thu hút nguồn vốn nước ngoài, từ khu công nghiệp, khu phi thuế quan.
Quy hoạch đảo vì sự phát triển bền vững
Về phân kỳ đầu tư, OMA chia làm 4 giai đoạn: Giai đoạn 1 (đến năm 2017), tập trung phát triển nhà ở, các khu tái định cư và phát triển hạ tầng; giai đoạn 2 (đến năm 2025), tập trung cho thương mại - dịch vụ, xây dựng trung tâm đô thị và mở rộng nhà ở; giai đoạn 3 (đến năm 2030), chú trọng phát triển du lịch, lập cầu nối với đảo Cát Bà, xây dựng ga chính, bến tàu du lịch, trung tâm hội nghị; giai đoạn 4 (đến năm 2050), mở mang công viên văn hóa và vui chơi giải trí, khu ở cao cấp, đảo nghỉ dưỡng…
Trong cuộc làm việc với Tập đoàn Bitexco, ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Lê Văn Thành nêu rõ: Trong tương lai, đảo Cát Hải sẽ là khu kinh tế tổng hợp phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Hải Phòng và vùng duyên hải Bắc Bộ; trung tâm kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực của vùng Duyên hải Bắc bộ và của cả nước, bao gồm: Kinh tế hàng hải (trọng tâm là phát triển dịch vụ cảng), trung tâm công nghiệp, dịch vụ tài chính, ngân hàng, du lịch, thương mại…Theo đó, việc đầu tư xây dựng khu đô thị Cát Hải phải có tầm nhìn hàng trăm năm, giảm mật độ phát triển công nghiệp, kể cả công nghiệp sạch. Chủ tịch UBND thành phố đánh giá cao Tập đoàn Bitexco, Tư vấn OMA nghiêm túc, khảo sát, đánh giá kỹ hiện trạng của thành phố và khu vực đảo Cát Hải, có so sánh, đối chiếu với các cảng lớn trên thế giới để nghiên cứu QH một cách khoa học. Chủ tịch thành phố đồng tình với ý tưởng QH-đó là xây dựng đảo Cát Hải thành một thành một đô thị hiện đại, thông minh, thành phố quốc tế. Đồng thời nhấn mạnh, quan điểm của thành phố trong QH đảo Cát Hải đó là vì sự phát triển bền vững. Theo đó, QH đảo Cát Hải trở thành trung tâm cảng biển khu vực phía Bắc; trung tâm dịch vụ cảng; trung tâm về du lịch, dịch vụ, thương mại; trung tâm hội nghị, tài chính, ngân hàng. Đồng chí đánh giá cao ý tưởng QH tiếp tục bố trí các khu dân cư, một số cơ sở sản xuất thủy sản, làm muối để phục vụ du lịch; tăng quỹ đất cây xanh... giảm quỹ đất công nghiệp và có quỹ đất dự trữ. Chủ tịch UBND yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục hoàn thiện nội dung để có thể triển khai giai đoạn đầu vào năm 2017-2018.
Theo baohaiphong.com.vn