Thu hút FDI vào lĩnh vực bất động sản

Thứ tư, 27/01/2016 13:46
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến cuối năm 2014, Việt Nam đã thu hút được 453 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký hơn 48,27 tỷ USD vào hoạt động kinh doanh bất động sản (BĐS) và 1.166 dự án FDI có tổng vốn đăng ký 11,4 tỷ USD vào lĩnh vực xây dựng. Như vậy, vốn FDI đăng ký vào kinh doanh BĐS chiếm vị trí thứ hai chỉ sau FDI vào công nghiệp chế biến chế tạo (với 141,4 tỷ USD) còn FDI vào xây dựng chiếm vị trí số ba với 11,4 tỷ USD. Chỉ riêng giai đoạn 2010-2015, vốn FDI đăng ký vào kinh doanh BĐS đã lên tới gần 16 tỷ USD, chiếm 13,34% tổng vốn FDI đăng ký trong giai đoạn này. Năm 2015 vừa qua, trong tổng vốn đăng ký 22,76 tỷ USD của các dự án FDI cấp mới và tăng vốn thì kinh doanh BĐS chiếm 10,5% với hơn 2,39 tỷ USD.

Dòng vốn FDI cùng với dòng kiều hối của người Việt Nam ở nước ngoài đổ vào thị trường BĐS Việt Nam đã, đang và sẽ tăng lên cùng với sự thông thoáng của môi trường đầu tư và sức hấp dẫn của thị trường BĐS trong bối cảnh phục hồi tăng trưởng kinh tế và hội nhập quốc tế mạnh mẽ. Bên cạnh đó, năm 2015, Việt Nam tiếp tục là một trong những quốc gia thu hút kiều hối tốt nhất thế giới với khoảng 13 - 14 tỷ USD và hơn một phần năm trong số đó được đầu tư vào BĐS. Năm 2014, lượng kiều hối đổ về Việt Nam khoảng 12,5 tỷ USD thì BĐS là lĩnh vực thu hút kiều hối nhiều nhất với 4,7 tỷ USD.

Dòng vốn FDI phục hồi cùng với sự ấm lại của thị trường BĐS trong bối cảnh nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi vững chắc đã tăng sức hấp dẫn cho lĩnh vực BĐS hút vốn FDI. Dự báo trong vòng năm năm tới, kinh doanh BĐS sẽ tiếp tục thu hút khoảng 3-4 tỷ USD vốn FDI mỗi năm, góp phần tích cực phát triển thị trường BĐS trong điều kiện hội nhập. Chính sách tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia kinh doanh BĐS đi đôi với mở rộng quyền sở hữu BĐS cho người nước ngoài và người Việt ở nước ngoài theo Luật Kinh doanh BĐS 2014 và Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực từ giữa năm 2015 là tiền đề tốt để tăng sức hấp dẫn nguồn vốn FDI vào kinh doanh BĐS hơn nữa trong giai đoạn 2016-2020. Đặc điểm nổi bật hay ưu thế vượt trội của nhà đầu tư nước ngoài vào kinh doanh BĐS là tính chuyên nghiệp và theo chuẩn mực quốc tế ngay từ khâu thiết kế, lựa chọn vị trí, huy động vốn, triển khai xây dựng đến khai thác và quản lý mỗi dự án BĐS. Nhờ vậy, tính chuyên nghiệp của các nhà đầu tư kinh doanh BĐS của Việt Nam cũng sẽ được nâng lên trong quá trình cạnh tranh với các nhà đầu tư kinh doanh BĐS nước ngoài không chỉ ngay trên thị trường BĐS Việt Nam mà còn trên thị trường BĐS khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, việc thu hút FDI vào lĩnh vực BĐS cũng cần thận trọng, chủ động lựa chọn dự án bởi trước đây đã từng xảy ra tình trạng dồn dập các dự án FDI đổ vào xây dựng các khu du lịch ven biển, trong đó có khá nhiều dự án “treo” chỉ để giữ đất, chờ lên giá hoặc bán lại kiếm lời. Thậm chí nhiều dự án FDI quy mô lớn trong lĩnh vực BĐS tuy vốn đăng ký hàng tỷ USD nhưng thực tế vốn nước ngoài đưa vào Việt Nam rất ít, còn lại là huy động vốn trong nước…


Theo Nhân dân điện tử


 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)