“Sóng” phân khúc nhà ở khu công nghiệp

Thứ sáu, 18/12/2015 11:28
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Đón đầu các hiệp định thương mại quốc tế lớn mà Việt Nam giữ mắt xích quan trọng, nhiều DN nước ngoài nhanh chóng “rủ nhau” đổ vốn vào các khu công nghiệp (KCN) tại vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.

Nhà ở dành cho công nhân Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh. Ảnh: Công Hùng

Động thái này xét về tầm nhìn dài hạn sẽ tạo nên cú hích đáng kể cho bất động sản (BĐS) công nghiệp. Đồng nghĩa với việc nhu cầu về nhà ở cho đội ngũ chuyên gia, người lao động trong và ngoài nước ở phân khúc này sẽ gia tăng.

Nơi thừa, nơi thiếu

Khảo sát các KCN ở phía Bắc cho thấy thị trường nhà ở đang diễn biến với nhiều gam màu khác nhau. Trong khi KCN Bắc Thăng Long vẫn tiếp tục tinh giản biên chế nhân lực thì KCN Sam sung - Thái Nguyên lại chứng kiến sự chuyển dịch lao động ồ ạt. Từ đó dẫn đến nghịch cảnh nhà ở cho người lao động tại các KCN chỗ thì thừa, nơi lại thiếu dù đã cố gắng đầu tư xây dựng.

Tính đến thời điểm hiện tại, ở KCN Bắc Thăng Long kể cả khu nhà ở công nhân Kim Chung hay các dãy nhà trọ tư nhân cho thuê đều chung tình trạng “ế”. Theo ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung khá vắng vẻ với nhiều tấm biển “có phòng cho thuê”. Anh Trần Văn Bảy - chủ 2 dãy trọ tại thôn Hậu, thôn Bầu chia sẻ: “Tôi có tổng số 113 phòng trọ nhưng 2 năm nay chỉ dao động khoảng 40 phòng có khách. Trước đây, giá mỗi phòng trọ là 600.000 đồng nhưng nay chỉ còn 300.000 - 500.000 đồng/tháng mà lượng khách thuê vẫn sụt giảm, khiến gia đình phải bù lỗ nhiều”.

Anh Bùi Tiến Thanh, quê ở Tuyên Quang, công nhân Công ty TNHH Canon trong KCN cho hay: “Vào năm 2011, để thuê được nhà ở gần KCN rất khó vì nguồn lao động nhiều, nhà lưu trú và phòng trọ cho công nhân lại ít. Vài năm gần đây có sự lựa chọn dễ dàng hơn do các dãy trọ mọc lên như nấm mà chẳng mấy ai thuê”.

Tại KCN Samsung - Thái Nguyên diễn biến theo chiều hướng trái ngược. Thị xã Phổ Yên (nơi tập trung các nhà máy sản xuất điện tử của Tập đoàn Samsung) và một vài địa phương lân cận tiếp tục sôi động trong chuyện xây nhà ở cho người lao động. Tuy nhiên, trước nguồn “cầu” lên đến 57.000 người, chỉ tính riêng “cung” ở thị phần nhà trọ nhỏ lẻ cũng chưa theo kịp.

Anh Nguyễn Văn Linh - một lao động làm việc cho Samsung đang trọ tại phường Thịnh Đán, Thái Nguyên tâm sự: “Sau khi tan ca, tôi theo xe buýt của Công ty đi ngược 15km tới điểm trung chuyển gần cầu vượt Đán để về nhà trọ, do khu vực gần Công ty đã hết phòng mà giá đắt, khoảng 1,2 triệu đồng/tháng".

Nắm bắt thời cơ

Theo một báo cáo của VinaCapital về thị trường BĐS, có khoảng 7 tỷ USD dòng vốn FDI chảy vào các KCN trong 10 tháng đầu năm. Tương lai gần, việc “nhắm” đến phân khúc nhà ở cho lao động các KCN không chỉ thiết thực mà còn tạo cơ hội hút vốn nước ngoài. Các chuyên gia BĐS đều nhận định, các DN cần lên kế hoạch để chớp thời cơ đầu tư vào thị trường “béo bở” này.

Chỉ tính riêng với Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) nếu đi vào hiện thực, sẽ có khoảng 2,5 - 3 triệu người từ nông thôn ra TP, khiến nhu cầu nhà ở phân khúc công nghiệp tăng cao. Trong trường hợp này, tại KCN đang thừa ứ nhà ở sẽ quay về thời kỳ “chật kín phòng”, còn các nơi đang thiếu tiếp tục đối mặt với sức ép nguồn cung. Việc lên kế hoạch xây dựng nhà ở đúng chuẩn cho người lao động phân khúc KCN chưa bao giờ là thừa nhằm đón đầu cơ hội hợp tác quốc tế.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: “Khi chuyển hướng vào thị trường này, các DN BĐS có thể đầu tư xây dựng các phân khúc trung bình như nhà cho thuê hoặc nhà ở xã hội phục vụ đối tượng công nhân thu nhập thấp. Đồng thời nhạy bén tham gia cuộc chơi với những dự án cao cấp, biệt thự liền kề… dành cho cán bộ, chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam làm việc. Số lượng này tuy hạn chế nhưng có nhu cầu ở thực với lượng tài chính mạnh sẽ là mảnh đất màu mỡ cho các DN đầu tư trong thời gian tới, từ 2016 - 2018”.

Khi các công ty nước ngoài rục rịch chuyển “đại bản doanh” vào KCN Việt Nam thì nhu cầu nhà ở cho người lao động là cấp bách. Tuy nhiên, cần có sự xác định rõ ràng trong chiến lược đầu tư giữa nhà ở của các chuyên gia và công nhân. Đối tượng cán bộ nước ngoài cần những khu nhà ở cao cấp đúng chuẩn của người nước ngoài với đầy đủ tiện ích nội khu như siêu thị, bệnh viện, trường học quốc tế... cùng khu vực an ninh, yên tĩnh, có dịch vụ đi kèm. Trong khi đó, hầu hết công nhân chỉ cần chốn “an cư” chất lượng, giá rẻ.

Bà Đỗ Thu Hằng - Trưởng phòng Nghiên cứu Savills Việt Nam chia sẻ: “Chưa bao giờ thị trường BĐS KCN lại có tiềm năng như giai đoạn này. Một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Standard Chartered cho thấy, có một sự dịch chuyển vốn đầu tư từ Trung Quốc sang các nước trong khối ASEAN để tận dụng cơ hội từ TPP sắp tới. Trong đó có hơn 44% đơn vị tham gia nghiên cứu chọn Việt Nam. Chính vì thế, nhu cầu nhà ở cho các nhóm đối tượng ở KCN rõ ràng rất tiềm năng”.


Theo Kinh tế đô thị

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)