Hà Nội cần sớm có quy hoạch dòng chảy sông Hồng

Thứ hai, 30/11/2015 11:24
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 27/11, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo chủ trì phiên họp tập thể UBND TP để cho ý kiến về các đồ án quy hoạch (QH) chung tỷ lệ 1/5000 đến năm 2030 của các địa bàn liên quan đến sông Đuống, sông Hồng.

Phiên họp tập thể về công tác Quy hoạch sông Đuống, sông Hồng trên địa bàn TP Hà Nội. Ảnh: Anh Quý

Các QH do Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT), Viện Quy hoạch Xây dựng (QHXD) Hà Nội và các tư vấn thực hiện trên cơ sở căn cứ vào Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 7/2011.

Theo đó, liên quan đến QH chung thị trấn Phù Đổng (huyện Gia Lâm), quy mô nghiên cứu 180,77ha, tương ứng dân số 16.500 người (dân số dự trữ phát triển hiện trạng khoảng 3.000 người). Mục tiêu mở rộng khu vực này thành thị trấn đặc trưng phục vụ văn hóa, du lịch, gắn với bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Cụm di tích Đền Gióng (Cụm di tích quốc gia đặc biệt). Đồ án này đã qua bước lập, thẩm định, lấy ý kiến cộng đồng xã Phù Đổng.

Đối với thị trấn Kim Hoa (huyện Mê Linh), quy mô nghiên cứu khoảng 211,4ha, gồm các thôn Bạch Đà, Yên Phú, Ngọc Trì và Bến Già, dự báo dân số đến năm 2020 khoảng 9.800 người và nâng lên trên 12,6 nghìn người vào năm 2030. Quá trình xây dựng QH đã hình thành 2 phương án.

Phương án 1, thiên về chuyển chức năng sử dụng đất công nghiệp sang phát triển các cơ sở đào tạo nghề, tiểu thủ công nghiệp…, đáp ứng nguyện vọng của chính quyền địa phương. Phương án 2, xác định tiếp tục phát triển khu công nghiệp Kim Hoa (với loại hình công nghiệp sách).

Tuy nhiên, mới đây ngày 15/10/2015, UBND huyện Mê Linh đã có công văn cho rằng: Việc QH chung thị trấn Kim Hoa là trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế và văn hóa, xã hội mới của huyện là không phù hợp với sự phát triển sau này… và kiến nghị để lại xem xét tiếp.

Liên quan đến sông Hồng, hội nghị đã xem xét báo cáo nội dung QH phân khu đô thị R sông Hồng tỷ lệ 1/5000 (từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở), liên quan đến các quận, huyện: Đan Phượng, Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai - Thanh Trì, Thường Tín, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên và Gia Lâm. Đồ án QH này có quy mô nghiên cứu với diện tích khoảng 11.513ha, tương ứng dân số từ 130.000 đến 168.000 người. Đặc điểm của khu vực nghiên cứu này, hiện có dân cư đang sinh sống xen kẹt, trong và ngoài đê sông Hồng, với chiều dài hơn 40km đê đi qua.

Ngày 23/10/2012, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định phê duyệt nhiệm vụ QH triển khai lập đồ án QH này. Theo báo cáo của đồ án QH, khi xây dựng lập QH này, liên quan Luật Đê điều và các quy định sẽ phải di dời hàng vạn người dân trong vùng ngoài đê, vùng thoát lũ sông Hồng. Tuy nhiên, sau 5 năm (2010-2015), QH thoát lũ sông Hồng đến thời điểm này vẫn chưa được Bộ, ngành T.Ư thẩm định xong, trình Chính phủ phê duyệt. Đây là khó khăn lớn để hoàn thành đồ án QH này.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đánh giá cao các đồ án QH đã triển khai đúng hướng, bám sát vào QH chung XD Thủ đô, nhiệm vụ chính trị và chỉ đạo của TP, nên đạt tính thực tiễn cao.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nhận định, đây là những đồ án QH rất khó, do đặc điểm phát sinh từ thực tiễn, nhất là đồ án QH phân khu đô thị R, liên quan đến sông Hồng. Theo Chủ tịch UBND TP, nhiều năm nay Hà Nội đã quan tâm khu vực này, đã mời các chuyên gia tham mưu tư vấn, trong và ngoài nước đến từ Hà Lan, Nhật Bản, sự hỗ trợ của chính quyền Seoul (Hàn Quốc) tư vấn hỗ, trợ lập QH. Nhưng các nghiên cứu mang tính phân khúc, chưa đạt tính tổng thể và cũng đặt ra nhiều ý kiến trái ngược… “Trong khi đó, đến nay, QH dòng chảy sông Hồng chưa được phê duyệt, nên việc lập QH khu vực này còn có những khó khăn”, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh.

Đồng thời, Chủ tịch UBND TP Hà Nội lưu ý, các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, đối với Luật Đê điều và QH dòng chảy dòng sông, khi lập QH cần xác định, thực hiện theo đúng các quy định của luật. Theo đó, vẫn phải di dời người dân ở những nơi (ngoài đê) liên quan đến Luật Đê điều và dòng chảy; trong đê thì nghiên cứu, bảo tồn và cho phát triển, phù hợp theo QH chung.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo kỳ vọng, QH dòng chảy sông Hồng sẽ được phê duyệt trước thềm Đại hội toàn quốc của Đảng lần thứ XII vào đầu năm 2016 (như các ngành chức năng cho biết) để tạo điều kiện cho Thủ đô phát triển trong giai đoạn tới.


Theo Kinh tế đô thị

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)