Theo đà này, thời điểm cuối năm dự báo BĐS sẽ còn sôi động hơn nữa khi nguồn kiều hối dồn về Việt Nam. Hàng loạt các dự án lớn đã và đang thu hút nguồn tiền này như: Tổ hợp thương mại dịch vụ và căn hộ cao cấp The Pride (Hà Đông, Hà Nội); Vincom Shophouse Hải Phòng; hay Dự án nhà liền kề nghỉ dưỡng Lotus Residences tại TP. Hạ Long (Quảng Ninh)...
Theo báo cáo của Trung tâm nghiên cứu BIDV thì năm 2015, Việt Nam tiếp tục là một trong những quốc gia thu hút kiều hối tốt nhất thế giới. Uớc tính lượng kiều hối sẽ đạt khoảng 13 -14 tỷ USD trong năm 2015 và có xu hướng tập trung vào tiền gửi ngân hàng, đầu tư sản xuất kinh doanh và mua BĐS.
Năm 2014, lượng kiều hối đổ về Việt Nam khoảng 12,5 tỷ USD. BĐS chính là lĩnh vực thu hút kiều hối nhiều nhất, với 4,7 tỷ USD. Số liệu mới nhất của NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho thấy, tính đến cuối tháng 9/2015, lượng kiều hối đổ về khu vực này ước đạt 3,25 tỷ USD, cả năm 2015 dự kiến là 5,5 tỷ USD. Trong đó, tỷ lệ kiều hối chảy vào BĐS khoảng 20,7%.
Kiều hối về Việt Nam hầu hết đều tăng qua mỗi năm. Nhưng năm nay nhiều khả năng sẽ sôi động hơn, đặc biệt ở thị trường BĐS. Sự ấm lên của thị trường địa ốc là cơ sở để thu hút kiều hối chảy về lĩnh vực này tăng cao. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong cải cách cơ chế, chính sách, thúc đẩy tự do hoá tài chính, hội nhập.
“Người nhận kiều hối không phải nộp thuế thu nhập, và việc Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS 2014 có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 với những quy định thông thoáng, mở rộng hơn cho người nước ngoài, Việt kiều mua nhà tại Việt Nam là một trong những cơ sở để tin rằng ngoại hối sẽ tập trung “nở rộ” vào lĩnh vực này” - một vị chuyên gia cho biết.
Cuối năm là những tháng “nước rút” doanh nghiệp phải chạy hết tốc lực trong cuộc đua lợi nhuận, hoàn thành mục tiêu kinh doanh đề ra, tạo tiền đề cho vốn dư trong năm kế tiếp nên họ thường tung ra hàng loạt chương trình khuyến mại hấp dẫn để thu hút khách hàng.
Lãnh đạo của Sacomreal - một trong những đơn vị có tiếng trong lĩnh vực kinh doanh địa ốc cho biết: tất cả các doanh nghiệp BĐS đều đang nỗ lực hết sức để hoàn thành các hạng mục, cũng như giới thiệu nhiều dự án đáp ứng nhu cầu của từng đối tượng khách hàng. “Thị trường sôi động, khách hàng sẽ có nhiều lựa chọn tốt hơn cho bản thân mình”, vị này nhấn mạnh.
Thực tế cùng với các kênh đầu tư khác như gửi tiết kiệm ngân hàng, mua vàng, đầu tư chứng khoán… thì đầu tư vào BĐS vẫn chiếm một tỷ lệ nhất định. Đặc biệt với những người Việt Nam ở nước ngoài muốn về nước làm ăn, sinh sống hay những người đi lao động xuất khẩu thì nhu cầu gửi tiền về nhờ người thân đầu tư vào BĐS khá lớn.
Bởi quan niệm của người Việt Nam xưa nay vẫn là có an cư thì mới lạc nghiệp. Thêm vào đó, lãi suất tiền gửi USD giảm, tuy cũng được xem là có tác động tới việc khách hàng quan tâm hơn tới các kênh đầu tư khác, trong đó nổi lên là BĐS.
Nói như vậy không có nghĩa là kiều hối đổ về Việt Nam chỉ chảy “trũng” vào BĐS. Thị trường nhà đất cũng không thể chỉ cứ trông chờ vào kiều hối. Một lãnh đạo Vietcombank - đơn vị nhận giải thưởng là “NH tốt nhất Việt Nam về dịch vụ BĐS” do tạp chí Euromoney trao tặng cho rằng: để thu hút nhiều hơn nữa lượng kiều hối vào BĐS, cần quan tâm hơn tới các chính sách, cơ chế.
Đồng thời, các DN kinh doanh BĐS cũng như phía NH cũng phải chú trọng hơn tới nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, mở rộng thị trường để đáp ứng tốt nhu cầu của kiều bào… Có như vậy lượng kiều hối mới đảm bảo tăng trưởng ổn định và bền vững.
Theo Thời báo ngân hàng