Bên cạnh đó, Hội thảo còn nhằm đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trở thành việc làm thường xuyên trong các tổ chức Đảng.
TS Trần Hồng Hà, Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương cho biết, thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” thời gian qua đã giúp nâng cao nhận thức sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức và phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh; tạo chuyển biến sâu rộng hơn nữa về ý thức tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và tham nhũng.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã thảo luận và làm sáng tỏ một số vấn đề như: tiếp tục làm rõ nội hàm của các khái niệm “đạo đức nghề nghiệp” và “chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp”; trách nhiệm chính trị và sự quyết tâm của các cấp ủy đảng, đoàn thể, cơ quan đơn vị ở Trung ương cũng như tại Đảng bộ Khối trong việc xây dựng và thực hành đạo đức nghề nghiệp theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp là yêu cầu đặt ra cho bất cứ ngành nghề nào trong xã hội. Nếu không có chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp thì cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không có cơ sở để soi rọi, đánh giá bản thân, tu dưỡng, rèn luyện và dễ đi đến tha hoá trong thực thi công vụ.
Theo TS Trần Hồng Hà, thực hiện tốt những chuẩn mực đạo đức chính là góp phần khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, nhằm xây dựng đạo đức, nhân cách cho cán bộ, đảng viên, xây dựng môi trường làm việc thân thiện, hoạt động công sở thực sự có văn hoá.
Theo GS. TS Hoàng Chí Bảo, Hội đồng Lý luận Trung ương, vận dụng những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể xác định những chuẩn mực chung về đạo đức nghề nghiệp, cụ thể hoá vào từng nghề, từ lao động giản đơn tới lao động phức tạp, tới công việc lãnh đạo quản lý.
Theo : chinhphu.vn