Trong điều kiện thị trường hiện tại và xu hướng của người mua nhà, nhiều chuyên gia bất động sản (BĐS) cho rằng, trong 5 năm tới nên tập trung vào phân khúc căn hộ nhỏ, đáp ứng đối tượng mua nhà độc thân hoặc gia đình. Gần đây nhất, nhiều ngân hàng liên tục tung ra gói ưu đãi lãi suất dành cho các hợp đồng tín dụng mua nhà ở, đặc biệt là các dự án BĐS có hợp tác với ngân hàng để hỗ trợ khách hàng về vốn.
Sản phẩm phù hợp đắt khách
TP Hồ Chí Minh hiện tồn động hơn 100.000 căn hộ chung cư, trong đó đa phần có diện tích lớn, từ 70 - 140m2/căn. Tương tự, Hà Nội, dù chưa có thống kê chính thức nhưng với hàng trăm dự án nhà ở, khu đô thị mới có quy mô lớn đã và đang triển khai như đô thị Việt Hưng, Đặng Xá, Văn Khê, Nam An Khánh, Bắc An Khánh... số lượng căn hộ chung cư tồn cũng lên đến hàng trăm nghìn.
Tuy nhiên, chỉ căn hộ có giá dưới 1 tỷ đồng mới thu hút được rất nhiều người mua. Đối tượng mua chung cư hiện nay là người có nhu cầu thật về nhà ở và tập trung vào căn hộ diện tích nhỏ.
Điều đó cho thấy, khai thác được nhu cầu của người dân là nút gỡ quan trọng cho thị trường bất động sản hiện nay. Trong thời điểm khó khăn như hiện nay, đưa ra sản phẩm có mức giá phù hợp để người dân “mở hầu bao” là lối thoát hiểm cho thị trường cũng như doanh nghiệp BĐS.
Diễn biến trên thị trường BĐS Hà Nội gần đây cũng cho thấy, thị trường không đóng băng hoàn toàn, những sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách hàng vẫn có đất sống. Minh chứng là 3 tòa nhà với 1.800 căn hộ tại dự án Đại Thanh đã bán hết trong vòng chưa đầy 6 tháng.
Bên cạnh đó, để kích cầu thị trường, nhiều doanh nghiệp BĐS ở TP Hồ Chí Minh đã điều chỉnh thiết kế để chia nhỏ căn hộ diện tích lớn thành những căn hộ có diện tích vừa phải. Phân khúc bất động sản cao cấp đã qua thời hoàng kim, vì vậy, một số dự án đã xin phép “xẻ nhỏ”, ngay cả những căn hộ penthouse sang trọng cũng được biến thành những căn hộ tiêu chuẩn.
Đổi mới chiến lược đầu tư
Theo dự báo, thị trường BĐS trong 3 năm tới chưa thể khởi sắc. Vì vậy, các doanh nghiệp cần thay đổi chiến lược đầu tư, đưa ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người dân để thoát khỏi khó khăn, thay vì trông chờ đòn bảy tín dụng hoặc chính sách nhà nước.
Tại đối thoại với các doanh nghiệp ngành xây dựng, BĐS khu vực Hà Nội cuối tháng 10 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đề nghị điều chỉnh dự án đã đầu tư hạ tầng để tăng cơ cấu nhà ở xã hội lên 50% hoặc 100% thay vì chỉ 20% như quy định.
Đây là giải pháp tháo gỡ khó khăn cho BĐS hiện nay, bởi nhà ở xã hội phù hợp với túi tiền và nhu cầu thật sự của người dân. Việc chuyển nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội có tác dụng kích cầu đối với doanh nghiệp, do được miễn tiền sử dụng đất.
Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, điều cần thiết hiện nay là giảm nguồn cung bất động sản và tăng số căn hộ có diện tích nhỏ, giá rẻ, nếu cần thiết sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có chỉ thị cho phép thực hiện.
Theo : Chinhphu.vn