Những ngày tháng 8 trên công trường Thủy điện Sơn La

Thứ sáu, 26/08/2011 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Những ngày cuối tháng Tám, tiết trời đầu thu mát mẻ chưathể làm dịu được sự hực nóng của khí thế lao động khẩn trương của ngườilao động trên công trình Thuỷ điện Sơn La.

Lắp đặt tổ máy số 4 - Ảnh Chinhphu.vn

Trong gian máy, cả 3 tổ máy với 1.200 MW đang chạy hết công suất. Các thiết bị lớn của tổ máy số 4 đã được tập kết để phục vụ công tác lắp đặt.

Ông Nguyễn Thế Chinh, Phó Tổng giám đốc LiLaMa (Tổng Công ty lắp máy Việt Nam) cho biết, hiện trên công trình chỉ còn đội quân tinh nhuệ khoảng 1.000 người để lắp nốt 3 tổ máy.

Trưởng Ban Ban Quản lý Nhà máy Thủy điện Sơn La Nguyễn Hồng Hà cho rằng, đến nay, công trình đã đi được một chặng đường dài, đạt được kết quả như mong đợi. Với 3 tổ máy đi vào vận hành chúng ta có thể tin tưởng mục tiêu hoàn thành toàn bộ Dự án vào cuối năm 2012 là hiện thực.

Các hạng mục của tuyến áp lực như cửa nhận nước, đập không tràn, công trình xả lũ đã được hoàn thành, nghiệm thu, đưa vào vận hành, đã tham gia chống lũ theo quy trình vận hành liên hồ chứa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;.

Hạng mục nhà máy thuỷ điện đã hoàn thành công tác xây dựng, lắp đặt các thiết bị công nghệ làm tiền đề cho việc phát điện các tổ máy tiếp theo đúng tiến độ.

Chủ đầu tư đã cố gắng nghiệm thu thanh toán kịp thời, đáp ứng vốn cho nhà thầu thi công theo tiến độ trên công trường. Tính từ đầu năm 2011 đến nay đã giải ngân được 2.442 tỷ đồng.

Để đạt được điều này là nhờ có sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, của Ban chỉ đạo Nhà nước Dự án thủy điện Sơn La, của các bộ, ngành và sự ủng hộ đồng thuận của nhân dân 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu đã tạo mọi điều kiện để Chủ đầu tư cùng các đơn vị thi công trên công trường đạt được kết quả hôm nay.

Để các tổ máy lắp đặt đúng tiến độ, không thể không nhắc đến Công ty vận tải đa phương thức (Vietranstimex) làm nhiệm vụ vận chuyển thiết bị cơ điện của các tổ máy từ cảng Hải Phòng về công trường.

Đây là một trong những công việc gian nan, vất vả nhất. Các thiết bị được vận chuyển từ Hải Phòng ngược theo sông Hồng lên đập Hòa Bình. Sau đó bốc xếp vận chuyển bằng đường bộ lên khu vực thượng lưu hồ Hòa Bình rồi vận chuyển tiếp bằng sà lan đến bến nghiêng gần công trường để trung chuyển vào nhà máy.

Những bánh xe công tác của các turbin cao hơn 3m, đường kính khoảng hơn 7m và nặng hơn 300 tấn. Mùa nước đã vất vả, mùa khô càng gian nan gấp bội vì nước cạn nên không thể chở thiết bị đến tận công trường. Các thiết bị “khủng” đã được vận chuyển “tăng bo” qua cảng Tà Hợp (cách Thủy điện Sơn La 70 km).

Một đội quân hùng hậu cùng 15 đầu xe, 100 trục rơ-mooc thay nhau ráp nối để vận chuyển thiết bị. Với sự nỗ lực đáng kinh ngạc của đội quân vận chuyển, 5 tháng đầu năm 2011, công trường đã tiếp nhận được 4.165 tấn thiết bị, trong đó thiết bị nhập ngoại nặng 4.101 tấn, đưa tổng khối lượng thiết bị đã vận chuyển tới công trình Thủy điện Sơn La lên 65.160 tấn trên tổng số 68.184 tấn, đạt 95,6%.

Công việc còn lại cho đến khi kết thúc công trình tuy khối lượng không lớn nhưng vẫn còn nhiều khó khăn và phức tạp, đòi hỏi các đơn vị tham gia xây dựng trên công trường tiếp tục nỗ lực thực hiện, tránh tư tưởng chủ quan, lơi là.

Bên cạnh đẩy nhanh công tác xây dựng lắp đặt, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, cũng sẽ chú trọng đến công tác vận hành các tổ máy an toàn, ổn định, xây dựng lưới điện đồng bộ để phát huy cao nhất hiệu quả của Dự án như mục tiêu Quốc hội đề ra.

Bên cửa nhận nước, anh Hoàng Trọng Nam, Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La cho biết, năm nay nước về chỉ nhiều hơn năm ngoái một chút.

Anh chỉ tay về cửa nhận nước, “Các anh chị thấy đấy, mực nước của hồ chỉ đạt 200m. Tôi nhẩm tính vị chi còn thiếu 15m mới đạt đỉnh”. Rồi anh cũng động viên mình và đồng nghiệp, chia sẻ hy vọng : “Chưa hết mùa lũ đâu, giờ mới lập thu”.
 
Theo : www.chinhphu.vn
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)