Đáp ứng đủ nước ngọt, ổn định cuộc sống trên các đảo có đông dân cư

Thứ hai, 06/04/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án nâng cấp, xây dựng mới các hồ chứa nước ngọt và xây dựng hệ thống thủy lợi trên các đảo có đông dân cư với mục tiêu đến năm 2015 đáp ứng đủ nước ngọt cho nhu cầu thiết yếu cho dân cư ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế - xã hội trên một số đảo lớn.
Đề án được phê duyệt trên quan điểm việc nâng cấp, xây dựng mới các hồ chứa nước ngọt và hệ thống thủy lợi trên các đảo có đông dân cư là nhiệm vụ cấp bách và lâu dài của chính quyền các địa phương. Trên cơ sở hỗ trợ của Nhà nước, huy động mọi nguồn lực và sự đóng góp của nhân dân, các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng các công trình nhằm giải quyết nước ngọt cho nhu cầu thiết yếu, góp phần khuyến khích dân ra định cư và phát triển kinh tế - xã hội trên các hải đảo.

Đề án sẽ được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu từ năm 2009-2012 tập trung điều tra thu thập về tình hình kinh tế - xã hội, điều kiện tự nhiên các đảo...trên cơ sở đó lập các dự án đầu tư xây dựng các công trình cấp nước và triển khai thực hiện xây dựng các công trình theo thứ tự ưu tiên bao gồm: xây dựng, cải tạo, nâng cấp hồ chứa nước, bể chứa nước, kè bảo vệ tại một số vị trí quan trọng, cấp thiết của đảo.

Giai đoạn 2 từ năm 2013-2015 sẽ tiếp tục triển khai các dự án đầu tư xây dựng và tổng kết, rút kinh nghiệm thực hiện đề án.

Để thực hiện Đề án, Chính phủ khuyến khích nghiên cứu ứng dụng, kể cả trao đổi, mua công nghệ tiên tiến của nước ngoài về các giải pháp: cung cấp nguồn nước ngọt, xây dựng công trình hồ chứa, bể chứa bằng vật liệu mới, bền, rẻ phù hợp với điều kiện trên đảo...

Dự kiến số vốn đầu tư cho Đề án là hơn 3.000 tỷ đồng từ các nguồn: ngân sách nhà nước hỗ trợ, huy động các thành phần kinh tế tham gia, đóng góp của nhân dân và lồng ghép từ các chương trình, dự án trên địa bàn.

Các đảo lớn, đông dân cư sinh sống và có vị trí quan trọng được nâng cấp, xây dựng mới các hồ chứa nước ngọt và hệ thống thủy lợi bao gồm: Cô Tô, Vĩnh Thực, Vân Đồn, Cái Chiên (Quảng Ninh), Cát Hải, Cát Bà, Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Hòn Mê (Thanh Hóa), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Nhơn Châu (Bình Định), Phú Quý (Bình Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Kiên Hải, Phú Quốc (Kiên Giang) và Hòn Khoai, Hòn Chuối (Cà Mau).

Trong Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, góp phần giữ vững ổn định và phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường; có chính sách hấp dẫn nhằm thu hút mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế biển; xây dựng các trung tâm kinh tế lớn vùng duyên hải gắn với các hoạt động kinh tế biển làm động lực quan trọng đối với sự phát triển của cả nước. Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển đóng góp khoảng 53 – 55% GDP, 55 – 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống của nhân dân vùng biển và ven biển. (Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 - Thông Báo Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X)

 
 
Theo : www.chinhphu.vn
 
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)