Hướng dẫn Chi nhánh Công ty Cổ phần Lắp máy Điện nước và Xây dựng tại Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện quy định của pháp luật về nhà ở

Thứ ba, 18/06/2019 16:44
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 18/6/2019, Bộ Xây dựng đã có công văn 134/BXD-QLN gửi Chi nhánh Công ty Cổ phần Lắp máy Điện nước và Xây dựng tại Thành phố Hồ Chí Minh (gọi tắt là Chi nhánh Công ty Lắp máy) hướng dẫn về việc thực hiện một số quy định của pháp luật về nhà ở.

Theo báo cáo của Chi nhánh Công ty Lắp máy, hiện nay dự án đã hoàn tất công tác thi công, Chi nhánh Công ty Lắp máy đã tiếp nhận các đăng ký mua nhà ở của các khách hàng có nhu cầu qua hình thức ký kết hợp đồng đặt cọc và nhận một khoản tiền đặt cọc từ phía khách hàng để cam kết thực hiện nghĩa vụ mua bán nhà ở hình thành trong tương lai giữa các bên. Mục đích của hợp đồng đặt cọc được ký kết giữa Chi nhánh Công ty Lắp máy và khách hàng là để cam kết Chi nhánh Công ty Lắp máy sẽ bán căn hộ cho khách hàng đã đặt cọc mà không bán cho người khác (đặt cọc giữ chỗ). Khoản tiền đặt cọc khách hàng chuyển cho Chi nhánh Công ty Lắp máy có mục đích là để đảm bảo thực hiện cam kết mua căn hộ của khách hàng theo hợp đồng đặt cọc đã ký kết giữa các bên.

Theo quy định tại Khoản 5 Điều 8 của Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 thì “Huy động, chiếm dụng vốn trái phép; sử dụng vốn huy động của tổ chức, cá nhân và tiền ứng trước của bên mua, bên thuê, bên thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai không đúng mục đích theo cam kết” là hành vi bị cấm.

Tại Khoản 1 Điều 358 của Bộ luật dân sự 2005 quy định: “Đặt cọc là việc một bên giao cho bên kia một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng dân sự”. Khoản 1 Điều 328 của Bộ Luật dân sự 2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017) cũng quy định: “1. Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng”.

Đối chiếu với các quy định nêu trên, nếu mục đích của thỏa thuận đặt cọc chỉ là để đảm bảo giao kết hoặc thực hiện hợp đồng mua bán căn hộ sẽ được ký kết, chủ đầu tư không sử dụng tiền thỏa thuận đặt cọc sai mục đích thì không bị cấm theo quy định của pháp luật.

Việc bán nhà ở hình thành trong tương lai phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về nhà ở và pháp luật về kinh doanh bất động sản (chỉ được thực hiện sau khi có văn bản thông báo đủ điều kiện được bán của Sở Xây dựng).


Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 134/BXD-QLN.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)