Hướng dẫn Sở Xây dựng Hậu Giang xử lý vi phạm về trật tự xây dựng

Thứ tư, 26/09/2018 15:25
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
 Mới đây, Bộ Xây dựng đã có công văn 16/BXD-TTr hướng dẫn Sở Xây dựng Hậu Giang xử lý vi phạm về trật tự xây dựng

Theo đó, về xác định chỉ giới xây dựng: Theo quy định tại Khoản 6 Điều 3 Luật Xây dựng giải thích từ ngữ: “Chỉ giới xây dựng là đường giới hạn cho phép xây dựng công trình chính trên thửa đất”

Tại Điểm 16 Điều 1.4 Mục I QCVN 01:2018/BXD về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy hoạch xây dựng có giải thích từ ngữ về chỉ giới xây dựng: “Chỉ giới xây dựng là đường giới hạn cho phép xây dựng nhà, công trình trên lô đất”.

Chỉ giới xây dựng của công trình cụ thể được xác định bởi quy hoạch chi tiết hoặc thiết kế đô thị của khu vực công trình được xây dựng, do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Quy hoạch chi tiết hoặc thiết kế đô thị được lập trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật và các văn bản có liên quan. Đối với khu vực chưa có Quy hoạch chi tiết hoặc thiết kế đô thị, cơ quan có thẩm quyền sẽ căn cứ các quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCXDVN 01:2008 về Quy hoạch xây dựng, xác định các chỉ tiêu kiến trúc quy hoạch (mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất (nếu cần), khoảng lùi công trình, khoảng cách với các công trình xung quanh (nếu có – đối với các công trình lớn) để xác định giới hạn cho phép xây dựng công trình chính trên thửa đất.

Về xác định mức phạt tiền theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP: Theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính về nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính: “Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân”

Tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền tối đa quy định như sau: “3. Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với tổ chức (trừ mức phạt quy định tại điểm a khoản 1, điểm a và điểm b khoản 2, điểm a và điểm b khoản 3, điểm a và điểm b khoản 4, điểm a và điểm b khoản 5, khoản 7, điểm a và điểm b khoản 8, điểm a và điểm b khoản 9 Điều 15; khoản 1 Điều 23; điểm a khoản 1, điểm a và điểm b khoản 2, điểm a và điểm b khoản 3 Điều 30; khoản 1 Điều 58; điểm a khoản 3 Điều 63; Điều 64; khoản 1 (trừ điểm e) Điều 66 Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với cá nhân). Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức”.

Như vậy, trường hợp hành vi vi phạm do tổ chức thực hiện mà mức phạt tiền quy định áp dụng cho cá nhân thì xác định mức phạt tiền đối với tổ chức đó bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Về việc áp dụng điểm a khoản 7 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP:Tại khoản 4 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP quy định “Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp (trừ trường hợp quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 7 Điều này”.

Khoản 5 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng.

Tại điểm a khoản 7 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP “Xây dựng công trình không phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt”.

Trường hợp chủ đầu tư tổ chức thi công xây dựng không phù hợp với quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 7 Điều 15 áp dụng đối với tất cả các công trình xây dựng nằm trong phạm vi điều chỉnh của quy hoạch được duyệt.

Về áp dụng khoản 12 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP: Tại khoản 12 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP quy định như sau:

“ Đối với hành vi quy định tại khoản 2, khoản 4 và khoản 5 Điều này mà đang thi công xây dựng thì xử lý như sau:...”

Việc áp dụng quy định tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hoặc cấp giấy phép xây dựng sau khi lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng (khoản 5 Điều 15). Trường hợp hành vi xây dựng không có giấy phép xây dựng nhưng không đủ điều kiện được cấp giấy phép xây dựng thì không áp dụng quy định nêu trên.

Việc xử lý xây dựng nhà ở riêng lẻ ở khu vực nông thôn không có Giấy phép xây dựng: Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ không quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xây dựng không phép đối với trường hợp xây dựng là nhà ở riêng lẻ tại nông thôn (trừ nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo tồn, khu di tích lịch sử-văn hóa) vì nhà ở riêng lẻ thuộc đối tượng được miễn giấy phép xây dựng theo quy định tại điểm k khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng.

Đối với công trình được miễn giấy phép xây dựng thì việc quản lý trật tự xây dựng được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 2, Thông tư số 15/2016/TT-BXD, pháp luật về đất đai và các quy định khác có liên quan.


Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 16/BXD-TTr. 

Tài liệu đính kèm bài viết
BXD_16-BXD-TTr_26092018.docxTải về
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)