Sau đây là một số công việc cụ thể Bộ Xây dựng đã triển khai thực hiện trong tháng 8 và 8 tháng năm 2016:
1.1. Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế:
Tính đến hết tháng 8/2016 đã trình và được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành 08 văn bản[], gồm: 04 Nghị định, 03 Quyết định, 01 Chỉ thị trong đó có 02 Nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, theo tinh thần Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Chủ trì soạn thảo, trình và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về phân loại đô thị (Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016).
Tiếp tục hoàn thiện 08 văn bản, đề án đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (gồm 01 Nghị định, 06 Quyết định).
Đã ban hành 23 Thông tư theo thẩm quyền.
Đang tiếp tục nghiên cứu soạn thảo các văn bản QPPL theo đúng tiến độ Chương trình xây dựng văn bản QPPL năm 2016.
1.2. Công tác quản lý hoạt động đầu tư xây dựng
Tiếp tục kiểm tra, kiểm soát chất lượng công trình xây dựng trên cả nước, đặc biệt là đối với các công trình, dự án sử dụng vốn nhà nước; trong tháng 8/2016, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng đã tổ chức kiểm tra tại 06 công trình trong kế hoạch, kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng tại 22 công trình của một số Bộ, ngành và địa phương.
Kịp thời xử lý và tham gia chỉ đạo xử lý một số sự cố công trình: hoàn thành báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả giám định nguyên nhân sự cố trượt mái đào taluy thuộc dự án san nền, đường giao thông, thoát nước khu tái định cư Chi Luông, Mường Lay, Điện Biên,...; tham gia giải quyết sự cố: sập đổ công trình Nhà ở 03 tầng tại số 43 Cửa Bắc, Hà Nội; kiểm tra sự cố sụt nền công trình Khu tái định cư Đồng Tầu.
Triển khai thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 15/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra, rà soát đánh giá an toàn chịu lực nhà ở và công trình công cộng cũ, nguy hiểm tại đô thị, Bộ Xây dựng đã ban hành Quy trình đánh giá an toàn nhà nguy hiểm và công trình công cộng (Quyết định số 681/QĐ-BXD ngày 12/7/2016).
Tăng cường quản lý điều kiện năng lực hoạt động xây dựng và cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng đang tiến hành soạn thảo bộ câu hỏi phục vụ sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng. Trong tháng 8, Bộ đã thụ lý và cấp 10 giấy phép cho nhà thầu nước ngoài, tính trong 8 tháng năm 2016, đã cấp 84 giấy phép cho các nhà thầu nước ngoài.- Triển khai công tác thẩm định dự án, thẩm định thiết kế, dự toán công trình xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng 2014; trong tháng 8/2016, đã xử lý: 37/37 dự án trình thẩm định thiết kế cơ sở, 04/16 dự án trình thẩm định dự án, 04/07 dự án trình thẩm định thiết kế xây dựng sau thiết kế cơ sở, 31/40 dự án trình thẩm định Báo cáo kinh tế - kỹ thuật; 15/12 dự án trình thẩm định thiết kế và dự toán;...
Đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị trong Ngành tiếp tục kiểm soát, thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn vệ sinh lao động trong thi công xây dựng; kiện toàn tiểu ban Chương trình quốc gia về ATVSLĐ; triển khai xây dựng các Quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn đối với các máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng;...
Hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư và nhà thầu xử lý, tháo gỡ các vướng mắc trong quản lý các dự án, quản lý hợp đồng xây dựng, điều chỉnh tổng mức đầu tư; hướng dẫn, xử lý các vướng mắc do biến động giá.
Tiếp tục rà soát, sửa đổi hệ thống các chỉ tiêu định mức kinh tế - kỹ thuật như: Chỉ số bất động sản Quốc gia, giá xây dựng Quốc gia, suất vốn đầu tư, định mức dự toán xây dựng, định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng công trình, định mức chi phí quy hoạch xây dựng và đô thị đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí; đang rà soát, sửa đổi, chuẩn bị công bố tập định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng công trình.
Nghiên cứu, đánh giá, dự báo về tình hình thị trường xây dựng theo từng quý, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp nhằm bình ổn thị trường, điều tiết và thúc đẩy sự phát triển bền vững các loại thị trường và hoàn thiện chiến lược phát triển và các cơ chế chính sách về kinh tế và thị trường ngành xây dựng.
1.3. Công tác quản lý phát triển đô thị và nông thôn
a) Công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc
Đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các đồ án, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2016: điều chỉnh QHXD Vùng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh QHXD Vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; QHC xây dựng Khu du lịch Thác Bản Giốc; QHXD Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.
Tiếp tục nghiên cứu, cho ý kiến về các Đồ án quy hoạch, Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc, Quy hoạch xây dựng đô thị tại các đô thị trên cả nước, các công trình kiến trúc trọng điểm, các dự án đầu tư xây dựng quy mô lớn và có yêu cầu đặc biệt tại các địa phương: QHC thị trấn An Lão và phần mở rộng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Góp ý QHPK xây dựng KCN Đồng Văn IV, tỉnh Hà Nam; Điều chỉnh QHC thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai đến năm 2030, tầm nhìn 2050; Đồ án Quy hoạch chung thị trấn Tiên Lãng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050;...
Tổ chức công bố 02 đồ án quy hoạch: Quy hoạch xây dựng vùng chiến khu cách mạng ATK liên tỉnh Thái Nguyên - Tuyên Quang - Bắc Cạn; Điều chỉnh quy hoạch xây dựng Vùng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”.
Chỉ đạo hoàn thành nghiên cứu, lập các đồ án thiết kế đô thị mẫu tại 08 địa phương ; thẩm tra thiết kế đô thị tại 04 địa phương (Thái Nguyên, Hạ Long, Nha Trang, Cần Thơ).
Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch năm 2016; hoàn thành Đề án xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hoàn thiện để ban hành quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng nông thôn; rà soát, nâng cao chất lượng quy hoạch xây dựng nông thôn mới; tham gia thẩm định đạt chuẩn huyện nông thôn mới.
b) Công tác quản lý phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật:
Tham gia ý kiến về chủ trương đầu tư, chuyển quyền sử dụng đất đối với khu vực đã đầu tư hạ tầng tại các dự án về phát triển đô thị trên cả nước theo quy định tại Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013; tính đến 22/8/2016, có 57 dự án (20-100ha) xin chấp thuận đầu tư (đã trả lời 53 dự án), 06 dự án trên 100 ha xin chấp thuận đầu tư (đã trả lời 04 dự án), 264 dự án xin ý kiến chuyển quyền sử dụng đất (đã trả lời 256 dự án); 04 dự án xin điều chỉnh lấy ý kiến Bộ Xây dựng (đã trả lời 04 dự án).
Tiếp tục chỉ đạo các địa phương điều chỉnh, lập Chương trình phát triển đô thị; đã có 07 tỉnh phê duyệt Chương trình phát triển đô thị; 33 tỉnh đang tiến hành điều chỉnh/lập mới Chương trình phát triển đô thị.
Tổ chức thẩm định công nhận loại đô thị theo Nghị định số 42/2009/NĐ-CP ngày 07/5/2009 của Chính phủ về Phân loại đô thị; trong 8 tháng năm 2016, 15 đô thị đã được cấp có thẩm quyền Quyết định công nhận loại đô thị từ loại I đến loại IV, trong đó có 02 đô thị loại I, 02 đô thị loại II, 01 đô thị loại III và 10 đô thị loại IV. Đến nay, toàn quốc có khoảng 795 đô thị.
Các nhiệm vụ trọng tâm, các chương trình nâng cấp đô thị quốc gia giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2020, các đề án, dự án liên quan đến lĩnh vực phát triển đô thị cũng đang được tập trung triển khai thực hiện như: Dự án Nâng cấp đô thị 06 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Dự án Nâng cấp đô thị 07 tỉnh miền núi phía Bắc; theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 07/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012-2020, cập nhật các yêu cầu mới của địa phương, chuẩn bị báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình phát triển đô thị toàn quốc; tiếp tục triển khai Quyết định số 2623/QĐ-TTg ngày 31/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2013-2015; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 (Quyết định số 403/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ); các dự án ODA và các dự án hợp tác khác...
Đã hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ các Đồ án quy hoạch quan trọng: Quy hoạch cấp nước vùng đồng bằng sông Cửu Long, Quy hoạch chất thải rắn vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Đang nghiên cứu, hoàn thiện: điều chỉnh Định hướng phát triển cấp nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam, điều chỉnh Chiến lược quốc gia về tổng hợp chất thải rắn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2025.
Tiếp tục triển khai các chương trình về hạ tầng kỹ thuật: Chương trình chống thất thoát, thất thu nước sạch, Chương trình đầu tư xử lý chất thải rắn và các Chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật ODA (về cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, chống ngập úng đô thị, cải thiện môi trường cho các tỉnh vùng duyên hải và Tây Nguyên, các tỉnh miền núi phía Bắc), dự án chuẩn bị cấp nước an toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng đang được triển khai theo kế hoạch.
1.4. Công tác quản lý nhà ở và thị trường bất động sản
a) Công tác quản lý nhà ở
Công tác phát triển nhà ở theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia tiếp tục được đẩy mạnh, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhà ở người dân, đặc biệt các đối tượng người có công, người nghèo ở khu vực thường xuyên bị bão, lũ, ngập lụt, hộ nghèo ở nông thôn, người thu nhập thấp đô thị có khó khăn về nhà ở.
Các chương trình phát triển nhà ở trọng điểm tiếp tục được triển khai có hiệu quả và đạt được nhiều kết quả tích cực, cụ thể:
Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công (Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ): đến nay đã hoàn thành hỗ trợ 81.505 hộ (với 45.837 hộ xây mới và 35.668 hộ sửa chữa, cải tạo), đang triển khai hỗ trợ 10.543 hộ (với 5.482 hộ xây mới và 5.061 hộ sửa chữa, cải tạo).
Chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 (Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ): ngay sau khi chính sách được ban hành, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai việc hướng dẫn và đôn đốc các địa phương bình xét đối tượng, lập và phê duyệt đề án hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở. Qua rà soát đề án của các địa phương có 264.895 hộ nghèo thuộc đối tượng đăng ký vay vốn. Đến nay, các địa phương chuẩn bị hoàn tất các điều kiện để triển khai hỗ trợ hộ nghèo theo đúng tinh thần Quyết định 33/2015/QĐ-TTg.
Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (Quyết định số 48/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ): Sau khi Quyết định được ban hành, các địa phương lập đề án với tổng số hộ thuộc diện đối tượng được hỗ trợ là 25.817 hộ. Ngày 19/6/2015, tại Hội nghị triển khai thực hiện Chương trình, các địa phương đã rà soát lại, nâng tổng số đối tượng thuộc Chương trình lên 27.196 hộ. Đến nay, số vốn ngân sách nhà nước tạm cấp cho việc thực hiện Chương trình là 233 tỷ đồng, các địa phương đã hỗ trợ được 12.081 hộ, đạt tỉ lệ 47% so với kế hoạch.
Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2 (Quyết định số 1151/QĐ-TTg ngày 26/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ): Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc kéo dài thời gian thực hiện chương trình đến năm 2020, Bộ đã dự thảo và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung các dự án đầu tư thuộc Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2 kéo dài (Tờ trình số 29/TTr-BXD ngày 07/4/2016).
Chương trình nhà ở sinh viên: Đến nay, đã có 88 dự án nhà ở sinh viên hoàn thành đưa vào sử dụng, bố trí cho khoảng 200.000 sinh viên, 07 dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện. Số lượng sinh viên, học sinh đã được bố trí vào ở đạt tỷ lệ bình quân chung khoảng 82%.
Chương trình phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp: Đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 87 dự án nhà ở xã hội cho công nhân, với quy mô xây dựng khoảng 28.800 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 6.800 tỷ đồng. Đang tiếp tục triển khai 64 dự án nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp với quy mô xây dựng khoảng 69.300 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 18.800 tỷ đồng.
Chương trình nhà ở cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị:Đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 58 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, quy mô xây dựng khoảng 29.700 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 10.240 tỷ đồng. Đang tiếp tục triển khai 110 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, quy mô xây dựng khoảng 70.000 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 38.000 tỷ đồng.
Nhìn chung đến nay, các chương trình phát triển nhà ở xã hội đã đạt được những kết quả quan trọng; tuy nhiên trong thời gian gần đây tiến độ thực hiện của một số chương trình hỗ trợ nhà ở không đảm bảo theo kế hoạch đề ra ban đầu do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do việc bố trí, cân đối nguồn vốn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, theo quy định tại Nghị quyết số 59/NQ-CP về Phiên họp thường kỳ tháng 6/2016 của Chính phủ, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan xem xét, cân đối nguồn vốn ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 để thực hiện phát triển nhà ở xã hội theo quy định của Luật nhà ở và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
b) Về thị trường bất động sản:
Thị trường bất động sản trong tháng 8 khá ổn định, giá cả không có biến động, tuy nhiên lượng giao dịch có giảm so với tháng trước, cụ thể như sau:
Lượng giao dịch tháng 8/2016 có dấu hiệu chững lại: Do tâm lý kiêng mua nhà trong tháng 7 âm lịch nên lượng giao dịch có dấu hiệu chững lại; trong tháng này thị trường BĐS du lịch, nghỉ dưỡng được nhà đầu tư nhỏ quan tâm (dự án Furama dự án du lịch nghỉ dưỡng Cocobay (Đà Nẵng); tại Hà Nội trong tháng 8 có khoảng 1.200 giao dịch (tương đương tháng 7), chủ yếu tập trung tại những dự án nhà ở trung và cao cấp; tại Tp.Hồ Chí Minh lượng giao dịch thành công chững lại, tập trung tại phân khúc căn hộ cao với mật độ xây dựng thấp.
Giá bất động sản tháng 8/2016 không có nhiều biến động so với tháng trước, giá căn hộ chung cư, nhà liền kề và biệt thự vẫn khá ổn định.
Tồn kho bất động sản tiếp tục giảm nhưng tốc độ đã chậm lại, lượng tồn kho chủ yếu là đất nền tại các dự án xa trung tâm chưa có hạ tầng đầy đủ: Tính đến 20/8/2016, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 34.724 tỷ đồng, so với tháng 12/2015 giảm 16.165 tỷ đồng (giảm 31,77%); so với thời điểm 20/7/2016 giảm 1.234 tỷ đồng.
Cơ cấu hàng hóa bất động sản được điều chỉnh hợp lý: Trên địa bàn cả nước đã có 63 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 42.370 căn hộ; có 96 dự án đăng ký điều chỉnh cơ cấu căn hộ, với số lượng căn hộ ban đầu là 44.700 căn hộ xin điều chỉnh thành 60.000 căn hộ (tăng 15.300 căn hộ).
Kết quả giải ngân gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng tính đến tháng 8/2016: Tổng số tiền đã cam kết là 35.025 tỷ đồng, đã giải ngân 28.3563 tỷ đồng. Trong đó, đối với hộ gia đình, cá nhân: ký hợp đồng cam kết cho vay 56.491 hộ với số tiền là 27.705 tỷ đồng, đã giải ngân 55.654 hộ với số tiền là 22.989 tỷ đồng; đối với tổ chức, doanh nghiệp: cam kết cho vay 60 dự án với số tiền là 7.320 tỷ đồng, đã giải ngân 60 dự án với dư nợ là 5.367 tỷ đồng.
Dư nợ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến 30/6/2016 đạt 425.025 tỷ đồng, tăng 8,2% so với thời điểm 31/12/2015 và giảm 0,61% so với thời điểm 31/5/2016.
1.5. Công tác quản lý vật liệu xây dựng:
Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 về quản lý vật liệu xây dựng; Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 1488/QĐ-TTg ngày 29/8/2011.
Tích cực triển khai Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 theo Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung ở các địa phương. Đến nay đã có 52 tỉnh xây dựng và ban hành lộ trình, kế hoạch xóa bỏ lò gạch thủ công, thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch, 25 tỉnh ban hành chỉ thị tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung.
Tiếp tục kiểm tra các dự án xi măng dự kiến vận hành trong năm 2016 và các dự án xi măng dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2016-2020; rà soát hợp nhất Quyết định số 152/2008/QĐ-TTg ngày 28/11/2008 và Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng.
Hướng dẫn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, lập và phê duyệt Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng, quy hoạch thăm dò khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của các địa phương đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030.
Thực hiện kiểm tra tình hình quản lý vật liệu xây dựng; quản lý sản xuất tấm lợp amiang trên địa bàn một số tỉnh, thành phố; xây dựng chương trình khoa học trọng điểm cấp quốc gia về xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao từ sản xuất nhiệt điện, phân bón hóa chất.
Tổ chức lập các Quy hoạch về phát triển vật liệu xây dựng: Công nghiệp kính phẳng xây dựng; vật liệu nung và không nung; thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng chủ yếu.
Các nhiệm vụ khác trong Chương trình hành động được ban hành tại Quyết định số 89/QĐ-BXD ngày 28/01/2016 của Bộ Xây dựng tiếp tục triển khai theo kế hoạch, tiến độ đã đề ra.
2. Tình hình hoạt động của các doanh nghiệp ngành Xây dựng trong tháng 8 và 8 tháng năm 2016
Giá trị sản xuất kinh doanh tháng 8 ước đạt 13.049 tỷ đồng, 8 tháng đầu năm 2016 ước đạt 100.982 tỷ đồng, bằng 62,4% so với kế hoạch năm 2016, bằng 100,6% so với cùng kỳ năm 2015. Cụ thể như sau:
+ Giá trị xây lắp: ước thực hiện tháng 8 đạt 4.891 tỷ đồng, 8 tháng đầu năm 2016 đạt 37.215 tỷ đồng, bằng 62,8% so với kế hoạch năm 2016, bằng 96,5% so với cùng kỳ năm 2015.
+ Giá trị sản xuất công nghiệp và vật liệu xây dựng (kể cả TCT CN Xi măng Việt Nam): ước thực hiện tháng 8 đạt 5.572 tỷ đồng, 8 tháng đầu năm 2016 đạt 42.095 tỷ đồng, bằng 64,6% so với kế hoạch năm 2016, bằng 109,6% so với cùng kỳ năm 2015.
Căn cứ dự báo kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2016 và các chính sách đầu tư phát triển, Bộ Xây dựng đã tính toán nhu cầu xi măng năm 2016 khoảng 75- 77 triệu tấn, tăng 3,2-6% so với năm 2015; trong đó tiêu thụ xi măng nội địa khoảng 59-60 triệu tấn, tăng 4,5% - 6,3% ; xuất khẩu 16-17 triệu tấn, tương đương năm 2015.
Ước thực hiện tháng 8/2016, tổng sản lượng xi măng tiêu thụ nội địa đạt 5,11 triệu tấn, xuất khẩu clinker và xi măng ước đạt 1,10 triệu tấn. Ước thực hiện 8 tháng đầu năm 2016, tổng sản lượng xi măng tiêu thụ nội địa ước đạt 39,58 triệu tấn bằng 110% so với cùng kỳ năm 2015, xuất khẩu clinke và xi măng ước đạt 10,20 triệu tấn bằng bằng 94,9% so với cùng kỳ năm 2015.
Tháng 8/2016 sản lượng xi măng tiêu thụ nội tăng mạnh với tháng 7 do thời tiết do nhiều công trình xây dựng được triển khai (cuối tháng 7 âm lịch) và thời tiết thuận lợi cho xây dựng; Giá bán xi măng tháng 8/2016 nhìn chung vẫn ổn định.
+ Giá trị tư vấn: ước thực hiện tháng 8 đạt 155 tỷ đồng, 8 tháng đầu năm 2016 đạt 1.259 tỷ đồng, bằng 64,0% so kế hoạch năm 2016 và bằng 163,2% so cùng kỳ năm 2015.
+ Giá trị SXKD khác: ước thực hiện tháng 8 đạt 2.431 tỷ đồng, 8 tháng đầu năm 2016 đạt 20.413 tỷ đồng, bằng 57,4% so kế hoạch năm 2016 và bằng 90,2% so cùng kỳ năm 2015.
- Nhập khẩu: ước thực hiện tháng 8 đạt 7,032 triệu USD, 8 tháng đầu năm 2016 đạt 110,810 triệu USD, bằng 79,9% so với kế hoạch năm 2016.
- Xuất khẩu: ước thực hiện tháng 8 đạt 8,289 triệu USD, 8 tháng đầu năm 2016 đạt 118,581 triệu USD, bằng 48,0% so với kế hoạch năm 2016.
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Báo cáo 67/BC-BXD.