Chính phủ đề xuất hoàn thiện 7 nhóm vấn đề của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp

Thứ bẩy, 18/05/2013 08:05
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Ngày 17/5, Cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Chính phủ về tổng kết, thi hành Hiến pháp là Bộ Tư pháp đã thông tin về công tác lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương.

Theo người phát ngôn của Ban chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, báo cáo 104 trang của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp được chắt lọc từ khoảng 5.000 trang báo cáo tổng kết lấy ý kiến nhân dân của 63 tỉnh thành và 30 bộ, ngành thể hiện 7 nhóm vấn đề của dự thảo được quan tâm đề xuất hoàn thiện..

Hiến định rõ vị trí của Chính phủ

Chính phủ kiến nghị Dự thảo sửa đổi Hiến pháp xác định rõ vị trí, địa vị pháp lý của Chính phủ với tư cách là cơ quan thực hiện quyền hành pháp trong tổ chức quyền lực nhà nước.

Đồng thời, Dự thảo Hiến pháp phải quy định rõ thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và các thành viên Chính phủ, nhằm tạo điều kiện cho các thành viên Chính phủ nhanh nhạy ứng phó với các diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội.

Bên cạnh đó, khi quy định Chính phủ là cơ quan hành pháp thì cũng cần phải quy định rõ cơ chế để cơ quan này có thẩm quyền đề xuất chính sách, nhanh chóng đưa chính sách vào cuộc sống, đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của xã hội.

Một kiến nghị nữa của Chính phủ liên quan đến hoạt động của bộ máy hành pháp là quy định Thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ có trách nhiệm báo cáo công tác hoạt động trước nhân dân. Người phát ngôn của Ban chỉ đạo cho rằng đây là quy định cần thiết nhằm tăng cường trách nhiệm thực thi đối với cơ quan hành pháp mà trực tiếp là những người đứng đầu.

Tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho địa phương

Về các quy định liên quan đến chính quyền địa phương, Chính phủ đề nghị đổi mới toàn diện tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong phạm vi được phân cấp, bảo đảm tổ chức của từng cấp chính quyền phù hợp với đặc điểm, trình độ phát triển kinh tế- xã hội và có tính đến đặc thù đô thị, nông thôn.

7 nhóm vấn đề của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp được các bộ, ngành, địa phương quan tâm đề xuất hoàn thiện về: Chương VII- Chính phủ; Chương IX- Chính quyền địa phương; sửa đổi, bổ sung một số quy định về Quốc hội, Chủ tịch nước, Tòa án nhân dân tối cao, Hội đồng Hiến pháp có liên quan đến Chính phủ; về lời nói đầu; về Chương I – Chế độ chính trị; về các quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; về Chương III – Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường.

Đồng thời, Dự thảo Hiến pháp phải xác định rõ hơn vị trí, tính chất pháp lý của HĐND là cơ quan đại diện của nhân dân ở địa phương và trách nhiệm trước nhân dân địa phương. Cùng với đó cần đổi mới tổ chức và hoạt động của cơ quan hành chính ở địa phương, cũng như cần Hiến định rõ hơn về thẩm quyền, tiêu chí, điều kiện, thủ tục thành lập mới, sáp nhập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính- lãnh thổ…

Không thu hồi đất vì các dự án kinh tế

Về các nội dung góp ý khác, Bộ Tư pháp cho biết Chương II quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân nhận được nhiều ý kiến góp ý nhất với hơn 5,6 triệu lượt. Sau khi tổng hợp, Chính phủ kiến nghị ghi nhận nguyên tắc các quyền này “được đảm bảo thực hiện bằng Hiến pháp và luật và cũng chỉ có thể bị hạn chế bằng luật”.

Ngoài ra, Chính phủ đề xuất không quy định thành nguyên tắc chung quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân, vì không phải mọi quyền đều đồng thời là nghĩa vụ, việc quy định phải được đặt trong từng quyền, từng nghĩa vụ cụ thể.

Về Chương III-kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, đa số ý kiến tập trung vào kiến nghị hoàn thiện quy định về các trường hợp thu hồi đất và bồi thường trong trường hợp thu hồi đất theo hướng trong mọi trường hợp Nhà nước thu hồi đất, người sử dụng đất hợp pháp, đúng mục đích bị thu hồi đất đều phải được đền bù theo giá thị trường. Việc thu hồi đất chỉ được thực hiện trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh, hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng mà không quy định trường hợp Nhà nước thu hồi đất của các tổ chức, cá nhân vì lý do “các dự án phát triển kinh tế xã hội”.

Đóng góp cho Chương I về chế độ chính trị, Chính phủ tán thành với việc ghi nhận tại Điều 4 về vị trí, vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng. Đồng thời kiến nghị tập trung vào quy định về nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và việc cụ thể hóa nguyên tắc này trong dự thảo.

Chính phủ cũng đề nghị không quy định yếu tố nền tảng của quyền lực nhân dân là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức mà kế thừa các quy định của Hiến pháp 1946. Cần ghi nhận và đảm bảo thực thi quyền lập hiến của nhân dân, hoàn thiện các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ gián tiếp.

Dự thảo Hiến pháp mới đã có

Thứ trưởng Hoàng Thế Liên cho biết thêm, hiện Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã tiếp nhận, tổng hợp các báo cáo lấy ý kiến góp ý để soạn thảo nên dự thảo Hiến pháp sửa đổi mới, trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 5, khai mạc vào tháng 5/2013.

Trong thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức hơn 28.000 hội thảo, hội nghị lấy ý kiến và tiếp nhận, tổng hợp 18 triệu lượt ý kiến góp ý của tập thể, cá nhân trong 5.000 trang tài liệu để gửi Ban chỉ đạo của Chính phủ. Trên cơ sở đó, Ban chỉ đạo tiếp tục tổng hợp thành một Báo cáo chung của Chính phủ dày 104 trang gửi Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Hiện Ban chỉ đạo của Chính phủ tiếp tục yêu cầu các bộ, ngành địa phương tiếp tục tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo cho tới hết tháng 9/2013.

Theo : chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)