Nghiệm thu Tiêu chuẩn "Chỉ dẫn đánh giá mức độ nguy hiểm của nhà"

Thứ sáu, 10/03/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 9/3/2006, Hội đồng KHCN chuyên ngành Bộ Xây dựng đã tiến hành nghiệm thu Tiêu chuẩn "Chỉ dẫn đánh giá mức độ nguy hiểm của nhà", mã số TC08-03 do TS. Nguyễn Xuân Chính - Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng chủ trì thực hiện.
Trên cơ sở kết quả của Dự án sự nghiệp kinh tế: "Khảo sát hiện trạng và đề xuất chính sách quản lý chất lượng nhà nhiều tầng ở các thành phố lớn trong cả nước", cho thấy rằng nhà nhiều tầng được xây dựng vào những thập kỷ cuối của thế kỷ XX đã và đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Kết cấu của loại nhà này phổ biến là bê tông cốt thép và kết cấu xây gạch, một số bộ phận là kết cấu thép hoặc gỗ. Ví dụ trên địa bàn Hà Nội, những năm 70 - 80 chúng ta xây dựng nhiều công trình công nghiệp và dân dụng. Do nhiều lý do khách quan và chủ quan, từ ngày xây dựng đến nay chưa có quy định, đầu tư cho công tác duy tu bảo dưỡng, vì vậy tình trạng xuống cấp các công trình xảy ra, nhiều công trình nhà đã không thể sử dụng được. Để có thể sửa chữa hoặc có phương án phá đi quy hoạch lại cần phải đánh giá rà soát lại hệ thống nhà cũ. Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội có 1369 công trình nhà xuống cấp với mức độ nguy hiểm khác nhau. Vấn đề cải tạo hay phá đi để xây mới các khu nhà không sử dụng được nữa phải có một tiêu chuẩn để thực hiện. Vì vậy việc nghiên cứu, biên soạn Tiêu chuẩn "Chỉ dẫn đánh giá mức độ nguy hiểm của nhà" là hết sức thời sự và cần thiết. Nó tạo cơ sở pháp lý cho việc đánh giá, phân loại mức độ hư hỏng của công trình nhà được thống nhất trên toàn quốc.
Mục tiêu của việc xây dựng, biên soạn Tiêu chuẩn "Chỉ dẫn đánh giá mức độ nguy hiểm của nhà" là đưa ra một phương pháp đánh giá hư hỏng công trình hoàn chỉnh cả về phương pháp luận và quy trình thực hiện.
Nội dung của tiêu chuẩn: Gồm 5 phần và 3 phụ lục:
1. Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này áp dụng để đánh giá mức độ nguy hiểm của công trình công nghiệp, công cộng, nhà nhiều tầng trên cơ sở đánh giá cấu kiện nguy hiểm theo tiêu chuẩn hiện hành, khi đánh giá mức độ nguy hiểm của nhà và công trình có yêu cầu đặc biệt cần tuân thủ các quy định của các tiêu chuẩn liên quan.
2. Tiêu chuẩn viện dẫn
3. Ký hiệu
4. Trình tự đánh giá mức độ nguy hiểm của nhà
Trong phần này nêu các bước chủ yếu bao gồm: nội dung và phạm vi đánh giá, khảo sát sơ bộ, khảo sát chi tiết, phân tích đánh giá và lập báo cáo.
5. Phương pháp đánh giá
5.1. Nguyên tắc đánh giá tổng hợp
Quy định những nguyên tắc cơ bản phải tuân theo khi khảo sát đánh giá mức độ nguy hiểm của nhà.
5.2. Đánh giá mức độ nguy hiểm cấu kiện
Phân chia cấu kiện được quy định cho từng bộ phận của nhà như móng, tường, cột, dầm, xà, vì kèo, sàn...
5.2.1. Nguyên tắc chung
5.2.2. Đánh giá nền móng
5.2.3. Đánh giá cấu kiện kết cấu xây gạch
5.2.4. Đánh giá cấu kiện kết cấu gỗ
5.2.5. Đánh giá cấu kiện kết cấu bê tông cốt thép
5.2.6. Đánh giá cấu kiện kết cấu thép
5.3. Đánh giá mức độ nguy hiểm của nhà
5.3.1. Nguyên tắc đánh giá chung
Nhà nguy hiểm là nhà mà kết cấu bị hỏng nghiêm trọng, hoặc cấu kiện chịu lực thuộc loại cấu kiện nguy hiểm, bất kỳ lúc nào cũng có thể mất ổn định và khả năng chịu lực, không bảo đảm an toàn sử dụng. Đánh giá mức độ nguy hiểm của nhà căn cứ vào đặc điểm cấu tạo và loại kết cấu chịu lực của nó.
5.3.2. Phân cấp nguy hiểm của nhà
Đánh giá mức độ nguy hiểm của nhà được đánh giá theo mức độ nguy hiểm của các bộ phận của nhà được phân theo 4 cấp a, b, c, d và đánh giá mức độ nguy hiểm của cả nhà được quy định theo 4 cấp A, B, C, D.
5.3.3. Nguyên tắc đánh giá tổng hợp.
Đánh giá theo 3 bước:
Bước 1: Đánh giá mức độ nguy hiểm của cấu kiện.
Bước 2: Đánh giá mức độ nguy hiểm của các bộ phận nhà.
Bước 3: Đánh giá mức độ nguy hiểm của nhà.
5.3.4. Phương pháp đánh giá tổng hợp
Căn cứ vào sự phân cấp đánh giá nói trên để xác định tổng số cấu kiện nguy hiểm.
Sử dụng lý thuyết toán học tập mờ, tính toán trên các tập mờ là tính toán trên các hàm lệ thuộc để tính toán tỉ lệ phần trăm của cấu kiện hư hỏng, tỉ lệ bộ phận của nhà hư hỏng.
Phụ lục
Phụ lục A nêu trình tự và nội dung khảo sát bao gồm các bước khảo sát sơ bộ, khảo sát chi tiết trong đó hướng dẫn các công việc cần làm đối với từng bước và từng bộ phận công trình nhằm cung cấp cho các đơn vị tư vấn khảo sát điều tra xác định các số liệu thiết thực phục vụ cho việc đánh giá tổng hợp.
Phụ lục B và C trình bày các dạng vết nứt trong kết cấu bê tông cốt thép và trong kết cấu thể xây gạch.
Tiêu chuẩn được xây dựng chi tiết, có cơ sở khoa học rõ ràng. Sau khi hoàn thiện và ban hành thì Tiêu chuẩn "Chỉ dẫn đánh giá mức độ nguy hiểm của nhà" có ưu điểm là dễ áp dụng. Đánh giá mức độ nguy hiểm của toàn nhà dựa vào đánh giá mức độ nguy hiểm của cấu kiện, việc đánh giá cấu kiện được thực hiện theo các tiêu chuẩn hiện hành, vì vậy các chỉ tiêu đánh giá được lượng hoá cụ thể.
Hiệu quả kinh tế đạt được khi áp dụng tiêu chuẩn này cùng với các tiêu chuẩn hiện hành là cơ sở pháp lý giúp các cơ quan quản lý tiến hành đánh giá chất lượng quỹ nhà hiện có, để có chính sách bảo trì, cải tạo hoặc phá bỏ những ngôi nhà nguy hiểm nhằm đảm bảo an toàn và nâng cao điều kiện cho nhân dân.
Đề tài đã được Hội đồng KHCN chuyên ngành Bộ Xây dựng nghiệm thu và xếp loại khá.

Minh Tâm
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)