Ngày 27/9/2024, tại Thành phố Huế, Bộ Xây dựng tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý Bộ tiêu chí đô thị thông minh bền vững thuộc Dự án Thành lập “Trung tâm Hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng”. Tham dự hội thảo có đại diện Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng, các địa phương, chuyên gia, nhà khoa học thuộc các hội, hiệp hội nghề nghiệp chuyên ngành.
Ông Trần Hữu Hà - Giám đốc AMC phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Hữu Hà - Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (AMC), Bộ Xây dựng cho biết, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã chủ động trong việc xây dựng những định hướng phát triển đô thị thông minh bền vững, xây dựng đô thị xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm hiện đại hóa đất nước, cải cách hành chính hướng đến xây dựng Chính phủ số, tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Phát triển đô thị thông minh bền vững là một trong những động lực quan trọng để thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập cao vào năm 2045. Chính vì thế, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án “Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030” (Đề án 950) nhằm thúc đẩy phát triển các đô thị thông minh ở Việt Nam. Đến năm 2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nhấn mạnh mục tiêu phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy.
Ngày 12/5/2022, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ký quyết định số 38/QĐ-BXD Phê duyệt văn kiện hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc thực hiện Dự án “Thành lập Trung tâm hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng” (Dự án VKC), nhằm mục đích thành lập một trung tâm chuyên nghiệp thúc đẩy nghiên cứu và đào tạo về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng tiên tiến, đóng góp cho sự phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam, từng bước cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển đô thị thông minh bền vững đến năm 2030, góp phần tăng cường mối quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc nói chung, Bộ Xây dựng Việt Nam và Bộ Đất đai, hạ tầng, Giao thông Hàn Quốc nói riêng. Dự án VKC được triển khai sẽ góp phần đẩy nhanh công tác thực hiện Đề án 950 thông qua việc xây dựng Hướng dẫn về đô thị thông minh tại Việt Nam và các hoạt động tăng cường năng lực đào tạo, trao đổi công nghệ về đô thị thông minh.
Phó Cục trưởng Lê Hoàng Trung phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Hoàng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng nhấn mạnh sự cần thiết lấy ý kiến các đơn vị, địa phương để hoàn thiện Bộ tiêu chí đô thị thông minh bền vững, đồng thời cho biết, với các ý kiến đóng góp thiết thực, sau hội thảo, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thiện và ban hành “Bộ tiêu chí đô thị thông minh bền vững, phiên bản 1.0” làm tài liệu để các địa phương nghiên cứu, tham khảo áp dụng nhằm xây dựng chương trình, kế hoạch, theo dõi, đánh giá mức độ phát triển và công nhận kết quả thực hiện phát triển đô thị thông minh.
Quang cảnh hội thảo
Hội thảo là một trong những nội dung thuộc hợp phần 1: Xây dựng Hướng dẫn về đô thị thông minh tại Việt Nam của Dự án VKC. Mục đích của việc xây dựng các tiêu chí đô thị thông minh nhằm để đặt ra các chuẩn mực để giám sát, đo lường và đánh giá hiệu quả quá trình xây dựng và phát triển đô thị thông minh, qua đó có thể đưa ra các định hướng cụ thể, các mục tiêu cần hướng đến. Bộ tiêu chí đô thị thông minh bền vững, phiên bản 1.0 được xây dựng dựa trên 3 trụ cột phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam tại Quyết định số 950/QĐ-TTg (quy hoạch đô thị thông minh; xây dựng và quản lý đô thị thông minh; tiện ích đô thị thông minh trên nền tảng là hệ thống cơ sở dữ liệu không gian đô thị), gồm 66 tiêu chí được phân theo 17 nhóm tiêu chí đánh giá/4 cấp độ trưởng thành.
Bộ tiêu chí đô thị thông minh bền vững, phiên bản 1.0 dự kiến được áp dụng thử nghiệm trong giai đoạn đến hết ngày 31/12/2026 nhằm kiểm tra độ hoàn thiện, bổ sung, điều chỉnh các chỉ tiêu trước khi ban hành chính thức. Các địa phương dự kiến thử nghiệm áp dụng Bộ tiêu chí đô thị thông minh bền vững, phiên bản 1.0, sẽ đăng ký với Bộ Xây dựng tổng hợp đưa vào danh mục theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo
Tham dự hội thảo, các chuyên gia, đại biểu đã tích cực thảo luận, đóng góp các ý kiến và chia sẻ kinh nghiệm trong nước, quốc tế có liên quan nhằm giúp Bộ Xây dựng có thêm cơ sở hoàn thiện Bộ tiêu chí đô thị thông minh bền vững. Ông Nguyễn Công Tâm - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hậu Giang kiến nghị Bộ Xây dựng tập trung nghiên cứu, sớm ban hành Bộ tiêu chí này để các địa phương làm căn cứ pháp lý triển khai, tập trung thực hiện các giải pháp phát triển đô thị thông minh bền vững một cách thống nhất và phù hợp.