Tăng cường phân cấp, phân quyền trong lập phê duyệt quy hoạch đô thị và nông thôn

Thứ sáu, 12/04/2024 14:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Ngày 11/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Kinh tế Quốc hội phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức Tọa đàm “Tham vấn ý kiến về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn”. Theo các đại biểu, đây là Luật rất cần thiết cho đời sống hiện nay, bởi vì quá trình đô thị hóa đang diễn ra hàng ngày, nhanh và mạnh khắp nơi trên cả nước.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu tại Tọa đàm “Tham vấn ý kiến về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn”.

Theo Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn được bố cục 5 chương với 61 điều. Mục đích là tạo cơ sở pháp lý, công cụ quản lý đồng bộ, toàn diện, thống nhất, để điều chỉnh hoạt động quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Đồng thời khắc phục những tồn tại hạn chế vướng mắc trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới của đất nước.

Theo đó, dự thảo Luật được xây dựng để xác định, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở (tổ chức không gian vật thể) nhằm tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân tại thành phố, thị xã, thị trấn, huyện, xã và khu chức năng; bảo đảm kết nối hài hòa lợi ích quốc gia với lợi ích cộng đồng, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Quy hoạch là một trong những công cụ hữu hiệu để thực hiện công tác quản lý Nhà nước, điều chỉnh các hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ; quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng là một trong những cơ sở để xây dựng các chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển và các dự án đầu tư, phát triển tại khu vực đô thị, nông thôn, khu chức năng. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa diễn ra càng nhanh thì công tác quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng càng đóng vai trò quan trọng, công tác quy hoạch luôn phải đi trước một bước để hoạch định phát triển đô thị và nông thôn của mỗi địa phương, đảm bảo sự phát triển thống nhất, hợp lý, hiệu quả.

Dự thảo Luật lần này có nhiều điểm mới như: Quy định rõ hệ thống quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn về loại, cấp độ quy hoạch (Điều 5 dự thảo Luật) và mối quan hệ với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, bảo đảm thống nhất, đồng bộ về quy hoạch;

Tăng cường phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn: Dự thảo Luật đề xuất tăng cường phân cấp cho UBND cấp tỉnh trong lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chung đô thị mới; điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, khu chức năng thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ... Việc phân cấp đảm bảo kế thừa, ổn định hệ thống pháp luật. Một số nội dung cụ thể như: Điều chỉnh trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch chung đô thị mới (hiện nay quy định Bộ Xây dựng tổ chức lập quy hoạch chung đô thị mới có quy mô dân số dự báo tương đương đô thị loại III) theo hướng phân cấp cho UBND cấp tỉnh tổ chức lập tất cả các quy hoạch chung đô thị…

Đơn giản hóa trình tự, thủ tục trong lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh: Dự thảo Luật đề xuất rút gọn trình tự lập quy hoạch như không yêu cầu lấy ý kiến cộng đồng dân cư đối với nhiệm vụ quy hoạch chung của thành phố, thị xã, huyện và khu chức năng (trừ đô thị mới, thị trấn và xã); Không yêu cầu lập riêng cấp độ quy hoạch phân khu đối với các đô thị vừa và nhỏ (tích hợp nội dung quy hoạch phân khu vào quy hoạch chung các đô thị loại III, IV, V để giảm việc lập cấp độ quy hoạch phân khu đối với các loại đô thị này, góp phần giảm thời gian, chi phí cho công tác quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng).

Bổ sung, quy định rõ về nội dung quy hoạch không gian ngầm (đối với các đô thị trực thuộc tỉnh) và quy hoạch không gian ngầm (được lập riêng đối với các thành phố trực thuộc Trung ương và đô thị mới được quy hoạch trở thành thành phố trực thuộc Trung ương), nhằm khai thác tối đa hiệu quả sử dụng không gian, gắn kết đồng bộ không gian xây dựng trên và dưới mặt đất, mặt nước; Bổ sung quy định chặt chẽ về điều kiện, bổ sung quy định rõ về nguồn kinh phí cho công tác quy hoạch…

Ông Trương Trung Kiên – Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, góp ý dự thảo Luật cần làm rõ khu chức năng, bởi tùy từng khu vực hay đô thị mà có các khu chức chuyên biệt hay khu chức năng hỗn hợp. Nên gom lại thành khu chức năng vì trong đó khu công nghiệp hay khu nhà ở, để tránh vướng sau này. “Có cần thiết lập quy hoạch chung khu chức năng hay không vì ở Thành phố Hồ Chí Minh không có khu chức năng ngoài khu đô thị”, ông Kiên nêu ý kiến.

Cùng ý kiến đó, ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết: Tốc độ đô thị hóa của Việt Nam ngày càng rất lớn và phát triển hệ thống đô thị Việt Nam theo đúng quá trình đô thị hóa, làng trong phố và phố trong làng. “Cái gì cũng xin ý kiến Trung ương thì ảnh hưởng tính chủ động của địa phương nên giao cho địa phương điều chỉnh quy hoạch chung sẽ phù hợp hơn. Điều chỉnh quy hoạch chung nhưng cần phân loại và loại nào Bộ Xây dựng cần có ý kiến. Còn điều chỉnh quy hoạch cục bộ thì diễn ra hàng ngày nên cần điều chỉnh sao cho phù hợp phát triển, vì vậy giao cho địa phương điều tiết cho phù hợp”, ông Chính nói.

Toàn cảnh Tọa đàm “Tham vấn ý kiến về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn”.

Theo ông Chính, nên bỏ quy hoạch phân khu ở những đô thị loại III, IV, V. Nhưng muốn bỏ thì phải tích hợp quy hoạch phân khu vào quy hoạch chung. Điều đó vừa tiết kiệm thời gian chi phí và dễ đi vào cuộc sống. Ông Chính đề xuất nên phục hội kiến trúc sư trưởng và thành lập hội đồng tư vấn kiến trúc đô thị cho Thủ tướng Chính phủ và cho địa phương để tăng thêm chất lượng quy hoạch đô thị.

Ông Nguyễn Đăng Tuấn – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng lại băn khoăn ở điểm b khoản 2 điều 5 rằng: Sau khi sát nhập đô thị sẽ có xã nằm trong đô thị loại II, vậy có phải lập quy hoạch phân khu hay không. Đối với đô thị loại II trong tương lai cũng lập quy hoạch phân khu thì cần làm rõ hơn. Đô thị loại III hiện hữu hay tương lai thì ứng xử như thế nào cũng cần cụ thể rõ ràng hơn.

Kết luận buổi Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đánh giá cao các ý kiến góp ý của đại biểu. Theo Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn, về quan điểm, Chính phủ đã chỉ đạo cụ thể hóa các đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, trong đó có Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng thời, cụ thể hóa các chính sách lớn gồm hoàn thiện các quy định về hệ thống quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; hoàn thiện quy định về lập, thẩm định, phê duyệt, rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn; hoàn thiện quy định về lựa chọn tổ chức tư vấn, nguồn lực, kinh phí vá các quy định khác có liên quan nhằm đảm bảo chất lượng và tính khả thi. Bên cạnh đó, quan điểm về đẩy mạnh phân cấp phân quyền đã được Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chỉ đạo xuyên suốt trong các dự thảo Luật. Từ đó, đưa ra các điều khoản để kiểm soát, giám sát việc thực hiện để tạo sự thống nhất trong triển khai từ Trung ương đến địa phương.

Nguồn: Báo Xây dựng

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)