Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn phát biểu tại tọa đàm
Tham dự tọa đàm có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn; Phó Chú tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn; đại diện các Bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước cấp Trung ương và địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội, đơn vị tư vấn trong lĩnh vực liên quan đến công trình xanh và tiết kiệm năng lượng.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn cho biết, thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính trong các hoạt động kinh tế xã hội, trong đó có lĩnh vực xây dựng; đáng chú ý là Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW; Nghị quyết 29/NQ-TW ngày 17/11/2022 tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành TW khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đưa ra định hướng chuyển đổi xanh nền kinh tế.
Việc khuyến khích phát triển công trình hiệu quả năng lượng, công trình xanh cũng đã được quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020 và Nghị định số 15/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả COP26. Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Xây dựng ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn, công trình xanh được phát triển trên thế giới từ những năm 1990 và dần trở thành xu hướng đầu tư xây dựng và quản lý vận hành công trình ở hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ. Ở Việt Nam, những công trình xanh đầu tiên xuất hiện vào khoảng 2005-2010. Qua hơn 15 năm phát triển, số lượng công trình xanh của Việt Nam hiện mới đạt khoảng 300 công trình, với tổng diện tích khoảng trên dưới 7,2 triệu m2 sàn xây dựng.
Bên cạnh những thuận lợi và cơ hội, việc phát triển công trình xanh trong thời gian qua ở Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Ngoài những tác động của đại dịch COVID-19, sự phát triển chậm lại của thị trường bất động sản, các chủ đầu tư dự án công trình xanh còn gặp những khó khăn về tiếp cận và đảm bảo nguồn vốn đầu tư tăng thêm cho dự án, công trình để đáp ứng tiêu chuẩn xanh; khó khăn do thiếu nguồn nhân lực kỹ thuật có đủ trình độ trong lập dự án, thiết kế, thi công xây dựng, quản lý vận hành công trình xanh; chưa có quy định bắt buộc dán nhãn, đánh giá chứng nhận các sản phẩm vật liệu xây dựng xanh, tiết kiệm năng lượng để đưa vào sử dụng trong công trình…
Do đó, buổi tọa đàm “Chính sách và giải pháp thúc đẩy phát triển công trình xanh” là dịp để các bên liên quan cùng trao đổi, thảo luận về những cơ hội, thách thức; đề xuất các nội dung, giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm thúc đẩy phát triển mạnh mẽ công trình xanh, chuyển đổi xanh ngành Xây dựng trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu tại tọa đàm
Phát biểu tại tọa đàm, nhấn mạnh sự quan tâm của Hà Nội đối với công tác quản lý và phát triển công trình xanh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho rằng giải pháp về công trình xanh, tiết kiệm năng lượng cần được nhìn nhận và áp dụng tổng thể trên các khía cạnh môi trường, xã hội, văn hóa và kinh tế; triển khai bao trùm cả đô thị, nông thôn, ở tất cả các giai đoạn của xây dựng công trình. Phát triển công trình xanh, tiết kiệm năng lượng phải gắn kết với đô thị xanh, không gian xanh và lấy trọng tâm là con người và bản sắc địa phương, hướng tới sự phát triển hài hòa của môi trường sinh thái tự nhiên.
Ông Dương Đức Tuấn kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành nghiên cứu hàng lang pháp lý đối với công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng nhằm khuyến khích và bắt buộc đối với các công trình, dự án đầu tư theo trường hợp cụ thể (liên quan đến tài chính, đất đai, đầu tư xây dựng, quy hoạch, kiến trúc...). Trong quá trình xây dựng chính sách cần tham vấn rộng rãi các tổ chức liên quan đến sự phát triển công trình xanh, tiết kiệm năng lượng như Bộ Xây dựng, Hội Kiến trúc sư, Hội đồng Công trình xanh... và các chuyên gia nước ngoài. Bộ Xây dựng sớm ban hành hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn, bộ tiêu chí hướng dẫn thiết kế công trình xanh nhằm hỗ trợ thực hiện thiết kế, thi công và vận hành công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng; đưa ra các khung tiêu chí, tiêu chuẩn công trình xanh dựa trên các tiêu chí, tiêu chuẩn chung của thế giới và phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Quang cảnh tọa đàm
Tại cuộc tọa đàm, các đại biểu cùng chia sẻ những nhận định về vai trò và tiềm năng của công trình xanh; tiềm năng phát triển và đầu tư vào công trình xanh ở Việt Nam, dự đoán xu hướng phát triển của lĩnh vực này trên thế giới và Việt Nam; thông tin về các dự án, biện pháp hỗ trợ, chính sách ưu đãi cụ thể dành cho công trình xanh tại Việt Nam. Các doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế cũng có nhiều ý kiến thiết thực nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn, phát triển công trình xanh tương ứng với vai trò quan trọng trong tiết kiệm năng lượng, thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.
Kết luận tọa đàm, được sự ủy quyền của lãnh đạo Bộ Xây dựng, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường Vũ Ngọc Anh ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế đã tích cực đồng hành trong việc phát triển công trình xanh những năm qua.
Vụ trưởng Vũ Ngọc Anh hy vọng trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ và thực thi có hiệu quả các hoạt động thúc đẩy phát triển công trình xanh và các loại hình công trình phát thải thấp, phát thải bằng không, qua đó đóng góp thiết thực cùng cả nước thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của quốc gia vào năm 2050 mà Chính phủ đã cam kết.
Các đại biểu tham quan Văn phòng SAINT GOBAIN
Trong khuôn khổ tọa đàm, các đại biểu đã được tham quan thực tế Tòa nhà CAPITAL PALACE (công trình đạt Tiêu chuẩn LEED Gold về công trình xanh) và thăm Văn phòng SAINT GOBAIN (công trình đạt Chứng nhận LOTUS).