Ngày 20/1/2016, tại cơ quan Bộ Xây dựng, Hội nghị thẩm định đề án đề nghị công nhận thành phố Tam Kỳ là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Quảng Nam đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh - Chủ tịch Hội đồng thẩm định. Đại diện Chính quyền địa phương tham dự Hội nghị có ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam; lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh; lãnh đạo Thành ủy, UBND và HĐND thành phố Tam Kỳ.
Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh chủ trì Hội nghị thẩm định
Báo cáo với Hội đồng nội dung Đề án, Chủ tịch UBND thành phố Tam Kỳ Văn Anh Tuấn cho biết: thị xã Tam Kỳ đã được công nhận là đô thị loại III tại Quyết định số 1993/QĐ-BXD ngày 26/10/2005 của Bộ Xây dựng, và công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam tại Nghị định số 113/2006/NĐ-CP ngày 29/6/2006 của Chính phủ. Hiện tại, với vai trò trung tâm chính trị - hành chính - kinh tế - văn hóa - giáo dục của tỉnh, có quan hệ mật thiết với Khu kinh tế mở Chu Lai, thành phố đang trở thành hạt nhân phát triển kinh tế xã hội của toàn tỉnh. Thành phố có lợi thế lớn về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên: nằm trong tuyến hành lang kinh tế ven biển Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi; là đầu mối giao thông quan trọng kết nối với các đô thị lớn thông qua Quốc lộ 1, đường sắt Bắc Nam; gần sân bay Chu Lai và cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng – đó là những điều kiện thuận lợi để phát triển giao thương trên địa bàn thành phố và tỉnh với các vùng kinh tế lớn trong cả nước và vùng Nam Lào, Đông bắc Thái Lan, tiểu vùng sông Mê Kông. Bên cạnh đó, Tam Kỳ còn có tiềm năng lớn để phát triển du lịch biển, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái…
Qua 10 năm phát triển, được sự quan tâm của Trung ương và Chính quyền địa phương, và với nỗ lực xây dựng một đô thị xanh-sạch-đẹp của người dân thành phố, Tam Kỳ đã có những thay đổi căn bản về diện mạo và chất lượng đô thị. Không gian đô thị được mở rộng; tốc độ đô thị hóa nhanh; kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội được đầu tư nâng cấp đáng kể. Kinh tế địa bàn đạt tốc độ tăng trưởng khá. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Đến năm 2015, tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ là 72,8%; công nghiệp – xây dựng 24,5%; nông nghiệp 2,7%. Hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp như Thuận Yên, Trường Xuân được quan tâm đầu tư. Các công trình hạ tầng xã hội, giáo dục, y tế được nâng cấp và xây mới đồng bộ.Về cơ bản, Tam Kỳ đã đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại II, căn cứ theo Nghị định số 42/2009/NĐ-CP ngày 7/5/2009 của Chính phủ về việc Phân loại đô thị và Thông tư số 34/2009/TT-BXD ngày 30/9/2009 của Bộ Xây dựng về việc Quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định 42/2009/NĐ-CP.
Các báo cáo phản biện của Bộ Nội vụ và Cục Hạ tầng kỹ thuật - Bộ Xây dựng, báo cáo thẩm định của Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng, các chuyên gia trong Hội đồng đều đánh giá cao những kết quả Tam Kỳ đạt được trên chặng đường phấn đấu trở thành đô thị loại II, với 29/49 chỉ tiêu đạt tối đa, trong đó có nhóm chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật. Hội đồng cũng chỉ ra: bên cạnh những thành tích vô cùng ấn tượng, Tam Kỳ còn 5/49 chỉ tiêu chưa đạt chuẩn đô thị loại II cần khắc phục trong thời gian tới đây, trong đó có một số chỉ tiêu về kinh tế xã hội như mức thu nhập bình quân, quy mô dân số…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh hoàn toàn nhất trí với các thành viên Hội đồng, công nhận thành phố Tam Kỳ là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Quảng Nam với số điểm trung bình 87,46. Thứ trưởng lưu ý UBND tỉnh và thành phố nhanh chóng xây dựng chương trình phát triển đô thị phù hợp; xác định rõ nguồn lực thực hiện; phát triển theo định hướng đô thị tăng trưởng xanh phù hợp với Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Tam Kỳ đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt.
Lệ Minh