Hội nghị đánh giá 5 năm thực hiện Đề án 1961

Thứ hai, 26/10/2015 09:21
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sáng nay, 24/10/2015 tại Hà Nội, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị đánh giá 5 năm thực hiện Đề án 1961 “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp giai đoạn 2010-2015” nhằm đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ và đề ra giải pháp hoàn thành các mục tiêu của Đề án. Đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đến dự và chủ trì Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị

Tham dự Hội nghị có đồng chí Phạm Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bô Xây dựng; ông Trần Hữu Hà – Giám đốc Học viện cán bộ quản lý xây dựng và đô thị; đại diện của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam và các tổ chức quốc tế; đại diện các Bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo các Sở Xây dựng, Sở Nội Vụ các tỉnh và thành phố; đại diện các Hội, Hiệp hội chuyên ngành Xây dựng.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, một trong những nhân tố quyết định tới sự thành công của tiến trình đô thị hóa trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và chuyên môn, nghiệp vụ của các đô thị. Với tầm quan trọng đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn luôn quan tâm chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý đô thị các cấp. Đề án 1961 là đề án đầu tiên thuộc loại này. Sau gần 5 năm triển khai, Đề án đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần nâng cao năng lực quản lý xây dựng và phát triển đô thị cho công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp của nước ta.

Báo cáo tại Hội nghị về kết quả thực hiện Đề án 1961, ông Trần Hữu Hà – Giám đốc Học viện cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (Bộ Xây dựng) – đơn vị được giao chủ trì thực hiện Đề án cho biết: Đề án 1961 có phạm vi điều chỉnh rộng với đối tượng từ Phó chủ tịch UBND Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương đến công chức quản lý địa chính xây dựng đô thị tại phường, xã. Khối lượng kiến thức, nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng đối với các nhóm đối tượng của Đề án theo vị trí việc làm là rất lớn, yêu cầu chi tiết, thiết thực, sát với thực tế và thường xuyên phải cập nhật kiến thức phù hợp với các quy định mới của pháp luật về quản lý xây dựng và phát triển đô thị, đòi hỏi phải có quá trình nghiên cứu công phu với sự tham gia của nhiều Bộ, Ngành, địa phương.

Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (AMC) là đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng được giao chủ trì phối với với các đơn vị có liên quan trong và ngoài Bộ Xây dựng để xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, xây dựng kế hoạch, tổ chức các lớp bồi dưỡng, đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo điều kiện dạy và học có chất lượng; Chủ trì phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ Xây dựng hoàn thiện thể chế, dự toán kinh phí thực hiện Đề án. Đến nay, Học viện đã triển khai thực hiện được 142 khóa đào tạo, bồi dưỡng trên khắp cả nước với sự tham gia của 9316 học viên. Phần lớn các học viên tham dự khóa học đánh giá cao về tính hữu ích, thực tiễn cao của khóa học và đã giúp ích rất nhiều cho học viên trong quá trình công tác ở địa phương.

Tính đến tháng 10/2015 có 8 bộ chương trình, 6 bộ tài liệu đã được ban hành và đưa vào sử dụng; đội ngũ giảng viên của Đề án đã được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về kiến thức và phương pháp giảng dạy các chương trình này; gần 50% công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp được đào tạo, bồi dưỡng theo chương trình của Đề án đã phát huy được năng lực và kiến thức sau khóa học, phục vụ tại địa phương. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2015 – 2020, một số lượng lớn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chuyên môn về quản lý xây dựng và phát triển đô thị các cấp cần thiết phải đào tạo mới, đào tạo lại, bổ sung các kiến thức, kỹ năng cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng quá trình triển khai thực hiện vẫn chưa hoàn đạt được một số mục tiêu Đề án đề ra như: 100% công chức lãnh đạo chuyên môn đô thị các cấp được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý xây dựng và phát triển đô thị…do có nhiều yếu tố phát sinh chưa được tính tới từ ban đầu của quá trình.

Hội nghị đã nghe nhiều ý kiến tham luận của đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố, các tổ chức quốc tế và các hội, hiệp hội nghề nghiệp về vai trò, ý nghĩa và các giải pháp thực hiện Đề án.

Theo đánh giá của đại diện của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Đề án 1961 có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ chuyên môn quản lý đô thị trong bối cảnh Việt Nam đang có tốc độ đô thị hóa nhanh chóng. Trong tương lai, bên cạnh các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam sẽ có thêm nhiều đô thị quy mô vừa và nhỏ, đòi hỏi các biện pháp quản lý khác nhau. Do đó, sự hỗ trợ của Chính phủ trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý đô thị các cấp để tạo ra sự chuyên nghiệp hóa về quản lý đô thị là hết sức cần thiết. Ngân hàng Thế giới vui mừng được hợp tác với Chính phủ Việt Nam trong tiến trình đô thị hóa của Việt Nam và hỗ trợ Học viện cán bộ quản lý xây dựng và đô thị thông qua việc đưa các chuyên gia quốc tế tham gia giảng dạy và trao đổi các kinh nghiệm quản lý đô thị của quốc tế cho các học viên Việt Nam.

Sau khi nghe các báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Đề án 1961 của Bộ Xây dựng và các ý kiến tham luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải biểu dương Bộ Xây dựng, Học viện AMC, các địa phương, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã tham gia hết sức tích cực để Đề án đạt được những kết quả ban đầu.

Đồng tình với báo cáo của Bộ Xây dựng, trong đó đã nêu lên được những kết quả cũng như những hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, việc xây dựng một đội ngũ cán bộ quản lý đô thị dày dạn kinh nghiệm, chuyên nghiệp và cập nhật đối với quốc tế để đảm bảo cho các đô thị của nước ta phát triển bền vững còn là một thách thức rất lớn.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị trong thời gian tới cần phải khắc phục được những hạn chế đã được chỉ ra trong Báo cáo, đặc biệt là vấn đề giáo trình, xây dựng chương trình và đối tượng đào tạo; chương trình nên tập trung đào tạo trong nước, giảm đào tạo ở nước ngoài vì kinh phí hạn chế; tăng cường các giảng viên từ các ngành kinh tế khác - những người có nhiều kinh nghiệm thực tiễn để tham gia giảng dạy./.
 

Minh Tuấn
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)