Cơ sở giáo dục thuộc Bộ Xây dựng: Nhiều khó khăn trong tuyển sinh, tuyển dụng và tự chủ tài chính

Thứ năm, 15/09/2022 14:55
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Ngày 14/9, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã chủ trì cuộc họp về công tác đào tạo, quản lý tài sản và tình hình triển khai nhiệm vụ năm 2022 của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trực thuộc Bộ.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã chủ trì cuộc họp về công tác đào tạo, quản lý tài sản và tình hình triển khai nhiệm vụ năm 2022 của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trực thuộc Bộ.

Theo Báo cáo của Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Xây dựng, các trường Cao đẳng trực thuộc Bộ đã kiện toàn Hội đồng trường. Các trường Trung cấp chưa kiện toàn Hội đồng trường với lý do thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, tiến tới sáp nhập các trường Trung cấp vào trường Cao đẳng.

Về công tác tuyển sinh trong giai đoạn 2021 – 2022, tại khối các trường Cao đẳng, công tác tuyển sinh hệ Cao đẳng có cải thiện so với các năm trước, nhưng tỷ lệ sinh viên hệ Cao đẳng vẫn còn hạn chế. Phần lớn các trường đã đạt chỉ tiêu tuyển sinh hệ Trung cấp.

Trong khi đó, hầu hết các trường Trung cấp đều có tỷ lệ tuyển sinh đạt yêu cầu, kết quả tuyển sinh đạt chỉ tiêu đề ra. Hiện nay, việc tuyển sinh của các trường Trung cấp cũng được thực hiện với hình thức liên kết đào tạo với trung tâm giáo dục thường xuyên.

Về công tác tuyển dụng, các đơn vị đều đang gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển dụng giảng viên theo yêu cầu về vị trí việc làm và kế hoạch tuyển dụng đã được Bộ Xây dựng phê duyệt. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là thu nhập của giảng viên hiện nay vẫn còn thấp.

Về công tác quản lý tài chính, tài sản, Báo cáo của Vụ Kế hoạch - Tài chính Bộ Xây dựng cho biết, các trường vẫn tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ tài chính theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/04/2006 của Chính phủ.

Mặc dù vậy, các trường Cao đẳng và Trung cấp thuộc Bộ Xây dựng vẫn có mức tự chủ chưa cao, chủ yếu do số lượng học sinh thấp và học sinh tuyển được thuộc đối tượng hưởng chế độ chính sách miễn, giảm học phí theo quy định. Do đó, các đơn vị thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc nói chung và của Bộ Xây dựng nói riêng đều chưa bảo đảm nguồn thu để trang trải chi phí hoạt động. Trong thời gian tới, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ Xây dựng sẽ thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/06/2021 của Chính phủ để có tối thiểu 20% đơn vị tiến đến tự chủ kinh phí chi thường xuyên vào năm 2025.

Về tình hình quản lý, sử dụng tài sản công, 100% các đơn vị đã xây dựng quy chế quản lý, sử dụng tài sản công và thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy chế, quy định liên quan đến công tác quản lý, sử dụng tài sản công thuộc thẩm quyền của đơn vị. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng được Bộ ban hành định mức xe phục vụ công tác chung.

Các trường đào tạo nghề trực thuộc Bộ Xây dựng đang gặp nhiều khó khăn về công tác tổ chức, tuyển sinh, tuyển dụng và quản lý tài chính, tài sản.

Tại cuộc họp, đại diện của 11 trường Cao đẳng và 4 trường Trung cấp trực thuộc Bộ Xây dựng đã chia sẻ những khó khăn trong công tác tổ chức, tuyển sinh, tuyển dụng, quản lý tài chính, tài sản và đầu tư công. Hầu hết các đơn vị đều đang gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh, tuyển dụng giáo viên, giảng viên, hệ thống cơ sở vật chất xuống cấp, không có đủ nguồn thu để tự chủ tài chính. Trên cơ sở đó, các đơn vị có đề xuất lãnh đạo Bộ sớm xem xét phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công và đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất cho các trường trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh đã chia sẻ với cơ sở giáo dục nghề nghiệp trực thuộc Bộ Xây dựng đang gặp khó khăn do cơ chế chính sách, cơ sở vật chất cho đến nguồn lực tài chính. Để giúp các đơn vị hoạt động tốt hơn trong thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị các trường tập trung làm tốt 2 nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất là rà soát chức năng nhiệm vụ của nhà trường, mã ngành, mã nghề; mạnh dạn loại bỏ các ngành nghề không phù hợp, khó tuyển sinh và mở thêm các mã ngành nghề mới đáp ứng nhu cầu của xã hội. Khuyến khích các ngành nghề phù hợp với ngành Xây dựng. Thứ hai là tăng cường liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp; hợp tác với Công ty xuất khẩu lao động, các đơn vị quốc tế, trường Đại học, các trung tâm giáo dục thường xuyên.

Thứ trưởng đề nghị các trường tự đào tạo đội ngũ giảng viên, chuyển đổi ngành nghề cho phù hợp. Đội ngũ giảng viên có tốt thì việc hợp tác, liên kết với doanh nghiệp, quốc tế… mới tốt lên. Về quản lý tài chính, tài sản, các đơn vị phải hạch toán mạch lạc các nguồn tiền, chi tiêu đúng quy định và cố gắng tạo ra các nguồn thu khác để hỗ trợ tăng thu thập, tái đầu tư… Từ đó, các trường sẽ xây dựng lộ trình cụ thể hướng đến tự chủ một phần và sau đó là tự chủ toàn phần.

Về quản lý tài sản công, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị nghiêm túc quản lý theo đúng quy định, có thể cho thuê hoặc hợp tác để tăng nguồn thu. Ngoài ra, các trường cũng phải sớm hoàn thành công tác kiện toàn Hội đồng trường và Ban giám hiệu càng sớm càng tốt. Đối với công tác tuyển sinh, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị không chỉ chú trọng vào số lượng mà còn phải quan tâm cải thiện cả chất lượng tuyển sinh.

Nguồn: Báo Xây dựng

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)