Thay mặt lãnh đạo Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Phó Cục trưởng Phạm Tiến Văn đã báo cáo với Đoàn công tác về tình hình triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” của Bộ Xây dựng.
Theo báo cáo, trên cơ sở Luật Giám định tư pháp có hiệu lực thi hành từ ngày -1/01/2013, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 04/TT-BXD ngày 22/4/2014 hướng dẫn một số nội dung về giám định tư pháp trong hoạt động đầu tư xây dựng, trong đó quy định về điều kiện năng lực, công bố thông tin cá nhân, tổ chức giám định tư pháp, áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên môn về giám định tư pháp, hướng dẫn trình tự, thủ tục thực hiện giám định tư pháp và chi phí giám định tư pháp trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Để nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng, Bộ Xây dựng đã tích cực xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của ngành Xây dựng; triển khai các chương trình, dự án nâng cao năng lực kiểm định chất lượng công trình xây dựng, trong đó chú trọng công tác đào tạo nhân lực, xây dựng giáo trình, tài liệu đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ liên quan đến công tác thí nghiệm, quan trắc, kiểm định, giám định; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các Trung tâm kiểm định xây dựng thuộc các Sở Xây dựng trên cả nước.
Theo Phó Cục trưởng Phạm Tiến Văn, mặc dù công tác giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng liên quan đến nhiều kỹ thuật chuyên sâu, chi phí thực hiện lớn, số lượng các tổ chức giám định tư pháp xây dựng chưa nhiều, năng lực của một số tổ chức giám định tư pháp còn hạn chế, công tác thẩm định phê duyệt dự toán và thanh toán chi phí giám định tư pháp thường chậm và còn nhiều vướng mắc, nhưng nhìn chung, hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng do Bộ Xây dựng chỉ đạo đã đáp ứng được yêu cầu của các cơ quan tố tụng, đặc biệt là trong những vụ việc sự cố chất lượng công trình nghiêm trọng xảy ra trong những năm gần đây như sự cố Cầu Cần Thơ, sự cố vỡ đường ống nước Sông Đà, sự cố vỡ đập thủy điện IaKrel 2, sự cố hầm thủy điện Đạ Dâng, sự cố sập giàn thép cốp pha trượt tại Dự án Formosa…
Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị có liên quan của Bộ Xây dựng đã giải đáp và trao đổi thông tin với các thành viên của Đoàn công tác gồm Ban Nội chính Trung ương, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công An, Tòa án nhân dân tối cao, nhằm làm rõ thêm các nội dung của báo cáo triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả giám định tư pháp” của Bộ Xây dựng, đồng thời cũng đề xuất một số kiến nghị để Đoàn công tác tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo Đề án để nghiên cứu, giải quyết.
Phát biểu tại buổi làm việc, thay mặt Đoàn công tác, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Phạm Anh Tuấn hoan nghênh và đánh giá cao công tác chuẩn bị báo cáo, chuẩn bị nội dung và tổ chức buổi làm việc của Bộ Xây dựng đối với đoàn kiểm tra, nội dung báo cáo của Bộ Xây dựng cơ bản đáp ứng yêu cầu của đoàn kiểm tra.
Theo Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Phạm Anh Tuấn, công tác giám định tư pháp trước đây và công tác giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng những năm qua trong thực tế có những vướng mắc, trong đó có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan: một số quy định pháp luật về giám định tư pháp còn bất cập; nhiều tổ chức, cá nhân giám định tư pháp ngại va chạm, tránh né nên không tích cực tham gia; đôi khi cơ quan tố tụng yêu cầu tổ chức giám định, cá nhân giám định không đủ năng lực; việc thanh toán chi phí giám định chậm, giải ngân gặp vướng mắc…
Về việc triển khai thực hiện Đề án, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Phạm Anh Tuấn ghi nhận những kết quả tích cực mà Bộ Xây dựng đã làm được, trong đó có việc hoàn thiện thể chế, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đáp ứng đầy đủ cho công tác giám định. Trong thực tế việc triển khai giám định tư pháp đối với các vụ việc điển hình đã đáp ứng được yêu cầu của cơ quan tố tụng cả về tiến độ thực hiện và chất lượng công việc giám định.
Thống nhất với các kiến nghị đề xuất của Bộ Xây dựng, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Phạm Anh Tuấn đề nghị trong thời gian tới, Bộ Xây dựng cần chú trọng quan tâm một số nội dung như: thu hút các tổ chức, cá nhân có năng lực tham gia hoạt động giám định tư pháp; rà soát, củng cố và bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác giám định tư pháp; bổ sung, sửa đổi các tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên môn, đảm bảo đủ cơ sở pháp lý cho hoạt động giám định tư pháp; khảo sát, thống kê và đánh giá toàn diện tình trạng nợ đọng chi phí giám định của các cơ quan tố tụng, tăng cường trao đổi thông tin và phối hợp với các cơ quan tố tụng để giải quyết vấn đề này; tăng cường công tác kiểm tra tình hình tổ chức giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền, hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết./.
Minh Tuấn