Ngày 19/7/2022, Bộ Xây dựng tổ chức Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu thử nghiệm nhiệm vụ soát xét QCVN 07:2016 đối với các dự thảo Quy chuẩn thành phần, bao gồm: QCVN 07-3 Công trình hào và tuy nen kỹ thuật; QCVN 07-4 Công trình giao thông; QCVN 07-7 Công trình chiếu sáng. Nhiệm vụ do Hội Môi trường xây dựng Việt Nam chủ trì thực hiện. Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường Vũ Ngọc Anh - Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.
Toàn cảnh cuộc họp
Về kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng QCVN 07-3, PGS.TS Phạm Đức Nguôn chủ trì nhiệm vụ cho biết, dự thảo Quy chuẩn này được xây dựng dựa trên cơ sở soát xét QCVN 07-3:2016, trong đó giữ nguyên phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, cấp công trình; ngoài ra chỉnh sửa, bổ sung tài liệu viện dẫn, giải thích từ ngữ, quy định chung, cấu tạo hào kỹ thuật, đường ống, đường dây trong hào kỹ thuật; hố ga kỹ thuật; cấu tạo tuy nen kỹ thuật; đường ống, đường dây trong tuy nen kỹ thuật; yêu cầu kỹ thuật đối với tuy nen kỹ thuật; kết cấu xây dựng; bảo vệ môi trường; thông gió; tín hiệu cảnh báo; an toàn cháy.
Về nhiệm vụ xây dựng dự thảo QCVN 07-4, TS. Phạm Hữu Đức chủ trì nhiệm vụ cho biết, mục tiêu của nhiệm vụ là rà soát, chỉnh sửa, cập nhật, bổ sung những khoản mục trong QCVN 07-4:2016 nhằm đảm bảo phù hợp tình hình giao thông hiện nay, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng công trình giao thông, bảo vệ môi trường và đảm bảo tính thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Trong dự thảo Quy chuẩn, nhóm nghiên cứu bổ sung và cập nhật các tài liệu viện dẫn; bổ sung các nội dung: công trình phục vụ giao thông công công; trạm giám sát giao thông; chuẩn hóa các thuật ngữ, lược bỏ các thuật ngữ không còn sử dụng và bổ sung các thuật ngữ mới; thống nhất cách ghi đơn vị độ dốc dọc, độ dốc ngang; bổ sung quy định về phạm vi sử dụng của bó vỉa hè vát; chiều cao tối đa của bó vỉa hè đường; bổ sung các yêu cầu kỹ thuật về xe bus, các quy định về vận hành, bảo dưỡng, bảo trì công trình giao thông; bổ sung yêu cầu kỹ thuật về công trình phục vụ giao thông công cộng, trạm giám sát giao thông.
Đối với dự thảo QCVN 07-7, PGS.TS Phạm Đức Nguyên chủ trì nhiệm vụ cho biết, Quy chuẩn này được xây dựng trên cơ sở soát xét QCVN 07-7:2016, quy định tiêu chí cho các hệ thống chiếu sáng đô thị, bao gồm các loại đường giao thông cho xe cơ giới (đường mở và đường hầm), các loại đường cho người đi bộ và xe đạp, các không gian phục vụ hoạt động vui chơi công cộng như quảng trường, công viên (chỉ xét các không gian giao thông).
Trong quá trình xây dựng dự thảo Quy chuẩn, nhóm nghiên cứu đã lược bỏ một số nội dung không còn phù hợp (trị số độ chói trung bình quy định theo lưu lượng xe; cột đèn); đồng thời bổ sung quy định chiếu sáng đường hầm cho xe cơ giới về: độ chói yêu cầu vùng tiếp cận hầm; độ chói vùng cửa vào hầm; độ chói vùng chuyển tiếp; độ chói vùng trong hầm; độ đồng đều của độ chói mặt đường hầm; yêu cầu chiếu sáng tường đường hầm; chiếu sáng đường hầm cho người đi bộ, xe đạp; chiếu sáng ga tàu điện ngầm, ga tàu điện trên cao; chiếu sáng các vùng xung đột tại quảng trường và khu vui chơi công cộng trong đô thị; chiếu sáng công viên, vườn hoa; chiếu sáng sân ga, bến cảng, bến xe, bãi đỗ xe ngoài trời.
Tại cuộc họp, các chuyên gia phản biện và thành viên Hội đồng đánh giá cao nỗ lực của các nhóm nghiên cứu trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ theo đề cương được phê duyệt, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến sử dụng thuật ngữ chuyên ngành, (xem xét thay thế từ “vùng xung đột” trong câu “chiếu sáng các vùng xung đột tại quảng trường và khu vui chơi công cộng trong đô thị” trong dự thảo QCVN 07-7); cập nhật tài liệu viện dẫn, phạm vi áp dụng và tính khả thi của các Quy chuẩn...
Hội đồng Tư vấn Bộ Xây dựng thống nhất bỏ phiếu nghiệm thu các dự thảo Quy chuẩn thành phần của QCVN 07 như đã nêu trên, với kết quả đều đạt loại Khá.