Thống kê tới cuối năm 2009, cả nước có khoảng 2 triệu CBCNVC, khoảng 2 triệu CNLĐ tại các KCN tập trung, trên 3 triệu HSSV. Trong số này, mới có khoảng 30% CBCNVC, 20% CNLĐ, 20% HSSV có chỗ ở ổn định; số còn lại chưa có chỗ ở hoặc đang sống trong điều kiện chật hẹp, tạm bợ. Tại khu vực đô thị, hiện số hộ có diện tích ở bình quân < 5m2 khoảng 325.000 hộ; số hộ có diện tích ở bình quân từ 6-10m2 khoảng 1.176.000 hộ; chưa tính còn nhiều đối tượng, hộ gia đình cần hỗ trợ để giải quyết về chỗ ở khác… Trước nhu cầu bức thiết này, sau 3 năm thực hiện chương trình phát triển NƠXH cho người có thu nhập thấp, kết quả đạt được còn rất thấp so với nhu cầu thực tế.
Thực trạng trên có lý do cơ bản từ nhiều yếu tố như: các ưu đãi đầu tư xây dựng NƠXH dành cho người có TNT tại đô thị, CBCNVC, LLVT, CNLĐ mới chỉ dừng ở việc cho phép miễn tiền sử dụng đất, việc miễn, giảm thuế chỉ được thực hiện đến hết 2009; việc vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng phát triển Việt Nam còn hạn chế, hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật chưa rõ ràng,.. Đồng thời, Nhà nước cũng chưa dành đủ nguồn lực để phát triển NƠXH đặc biệt là nhà ở dành cho đối tượng TNT tại đô thị, CBCNVC, LLVT và CNLĐ tại KCN…
Với quan điểm “Giải quyết vấn đề nhà ở là trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội và của người dân”, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh tầm quan trọng của nhà ở cho CNLĐ các KCN (tập trung phần lớn tại các vùng nông thôn, ngoại ô). Theo đó, cần tạo một bước đột phá về mô hình, cách thức thu hút đầu tư vào dạng thức nhà ở này bằng cách phát triển, nhân rộng mô hình “Dân đầu tư – Nhà nước hỗ trợ”. Cụ thể, Bộ trưởng nêu rõ trách nhiệm của người dân và Nhà nước trong mô hình này. Nhà nước có trách nhiệm lập quy hoạch, hỗ trợ chuyển đổi mục đích sử dụng đất, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng công trình; xác nhận quyền sở hữu nhà ở (khi người dân – chủ đầu tư cho thuê bán) đồng thời công bố khung giá cho thuê và bán để người dân áp dụng. Ngoài ra, việc Nhà nước hỗ trợ người dân về vay vốn, hỗ trợ thuế đất.. cũng rất quan trọng và cần thiết phải đưa vào Nghị định Nhà ở xã hội sắp được ban hành tới đây. Về phía người dân, trách nhiệm bao gồm: lập dự án, quy hoạch, thiết kế công trình, dự kiến chi phí, nhu cầu vốn, đề nghị ưu đãi, giá cho thuê, giá bán dự kiến và cam kết về tính độc lập, quyền sử dụng của người thuê. Bộ trưởng cũng lưu ý về vấn đề đất ruộng. Đối với loại hình đất ruộng, Nhà nước sẽ hỗ trợ bằng cách không thu tiền sử dụng đất. Có thể coi mô hình này gần giống với chung cư mi ni hiện nay với quy mô khoảng 8 tầng, 10 phòng.
Sau khi thảo luận và thống nhất chỉ đạo với các Cục, Vụ, Viện tại buổi làm việc, Bộ trưởng yêu cầu mô hình này cần được đưa vào Nghị định về NƠXH đang soạn thảo. Nếu làm tốt với diện rộng tại nhiều địa phương trên cả nước (sẽ làm điểm vài địa phương trước), mô hình này sẽ huy động được tối đa nguồn lực từ dân – một yếu tố của nền kinh tế - từ đó tăng đáng kể quỹ NƠXH trong thời gian tới nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược Nhà ở quốc gia.
Theo : Báo Xây dựng điện tử