Tại buổi làm việc, ông Wieger D. Otter cho biết, qua nghiên cứu thực tiễn, hiện nay không chỉ Hà Nội mà nhiều thành phố lớn khác của Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức về xử lý chất thải rắn, tuy nhiên Hà Nội là một thành phố đặc thù, có lượng phát sinh rác thải rất lớn. Chính vì vậy, Tập đoàn Synova đã đề xuất với Hà Nội một dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải theo hình thức BOT và hiện nhóm dự án đang triển khai lập dự án tiền khả thi. Thông qua buổi tiếp xúc và làm việc với Bộ Xây dựng, Tập đoàn Synova mong muốn được Bộ Xây dựng ủng hộ và có những tư vấn để dự án trở nên khả thi nhất, phù hợp nhất với điều kiện Việt Nam.
Theo ông Wieger D. Otter, công nghệ xử lý rác thải của Synova không đòi hỏi phân loại rác thải tại nguồn. Tại nhà máy xử lý, rác thải được phân thành hai loại hữu cơ và vô cơ. Đối với rác thải hữu cơ sẽ được ủ để sản xuất khí biogas và phân vi sinh, rác thải vô cơ sẽ được chế biến thành viên đốt hoặc các dạng nhiên liệu khác phục vụ các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng và sản xuất xi măng. Với công nghệ này, rác thải được xử lý đạt đến 90%, phần còn lại 10% gồm các phế thải gạch, đá, cát sau khi được nghiền có thể dùng làm vật liệu san lấp hoặc làm nền đường. Việc xử lý rác thải được tiến hành trong các bể chứa nên không làm ảnh hưởng đến môi trường do nước rỉ rác.
Phát biểu tại buổi làm việc với ông Wieger D. Otter, Thứ trưởng Cao Lại Quang hoan nghênh Tập đoàn Synova về đề xuất đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại Việt Nam - lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng Việt Nam. Những năm gần đây, công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn ở các đô thị của Việt Nam đã có tiến bộ nhưng cũng còn nhiều bất cập: nguồn lực đầu tư hạn chế, lúng túng trong lựa chọn công nghệ phù hợp. Do đó, Bộ Xây dựng hoan nghênh và hết sức ủng hộ các nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài quan tâm và tham gia vào lĩnh vực này.
Đối với dự án cụ thể của Synova ở Hà Nội, Thứ trưởng Cao Lại Quang cho biết, theo phân công, phân cấp, thẩm quyền quyết định về dự án này thuộc về UBND thành phố Hà Nội. Bộ Xây dựng là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực xử lý chất thải rắn sẽ tạo điều kiện về cơ chế, chính sách giúp nhà đầu tư triển khai dự án phù hợp với chủ trương của Chính phủ Việt Nam là thu hút các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài trong lĩnh vực này. Thứ trưởng Cao Lại Quang cũng giao Cục Hạ tầng kỹ thuật là đơn vị đầu mối, theo dõi, tư vấn và giúp đỡ Tập đoàn Synova trong quá trình triển khai dự án./.
Minh Tuấn