Đến dự Hội nghị có đại diện của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài Chính, Quốc phòng, Công thương, Giao thông, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Phát triển đô thị - BXD, Cục Phát triển hạ tầng - BXD, cùng đại diện các Hiệp hội và ban ngành có liên quan khác. Đoàn đại biểu UBND tỉnh Thừa Thiên Huế gồm có: Ông Phan Ngọc Thọ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Sở Xây dựng, Ban quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu A Đới.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe đại diện của đơn vị tư vấn chịu trách nhiệm lập đồ án quy hoạch - Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị và nông thôn – Bộ Xây dựng (VIAP) báo cáo về đồ án Quy hoạch. Quy hoạch chung Khu kinh tế Cửa khẩu A Đớt đến năm 2030 đã được thực hiện trên cơ sở nghiên cứu tài liệu, số liệu thu thập, kết hợp với khảo sát hiện trạng và đánh giá chi tiết những yếu tố liên quan. Khu kinh tế Cửa khẩu A Đớt được thành lập trên cơ sở “Quyết định số 1020/QĐ-TTg ngày 01/08/2006 về việc nâng cấp cửa khẩu A Đớt thành cửa khẩu chính” và “Quyết định 64/2008/QĐ-TTg ngày 22/5/2008 về việc thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Khu kinh tế Cửa khẩu A Đớt”. Khu kinh tế cửa khẩu A Đớt được coi là một trong những khu kinh tế trọng tâm trong mối liên kết giữa tỉnh TT Huế nói riêng, vùng Bắc Trung Bộ Việt Nam nói chung với khu vực Nam Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan. Tổng diện tích đất trong khu vực nghiên cứu quy hoạch là 10.184 ha.
Lý do cần lập quy hoạch là: Khu kinh tế Cửa khẩu A Đớt là điểm đầu của Việt Nam phía TT Huế và khu vực Nam Là cũng như Đông Bắc Thái Lan, khu vực có nhiều tiềm năng hợp tác kinh tế và phát triển thương mại, kinh doanh, sản xuất hàng hóa xuất khẩu; Là trọng tâm của vùng phía Tây tỉnh TT Huế, khu vực có qũy đất rộng, chưa được khai thác theo hướng công nghiệp hóa; Thực trạng phát triển còn kém do chưa được quan tâm đầu tư tương xứng với vị trí và tiềm năng của vùng. Chính vì thế, tầm nhìn và tính chất của khu kinh tế được nghiên cứu đề xuất trong nhiệm vụ quy hoạch là: Phát triển Khu kinh tế Cửa khẩu A Đớt trở thành một cực tăng trưởng của vùng biên giới phía Tây tỉnh TT Huế với các trung tâm thương mại, du lịch dịch vụ, công nghiệp thông qua việc tạo môi trường kinh doanh hấp dẫn và đầu tư phát triển kinh tế xã hội bền vững.
Các báo cáo phản biện đều nhất trí đánh giá: Đồ án được nghiên cứu và chuẩn bị rất công phu, số liệu cập nhật đầy đủ, chính xác sau khi đã tham khảo ý kiến của các Bộ, Ngành liên quan thể hiện nỗ lực lớn của nhóm thực hiện đồ án. Đồ án được lập bám sát văn bản pháp lý liên quan, triển khai đúng theo các quyết định của Thủ tướng Chính Phủ, các thực trạng nghiên cứu và đề xuất quy hoạch, giải pháp đều rõ ràng. Tuy nhiên, trong nội dung đồ án cũng cần làm rõ mối quan hệ và liên kết giữ khu kinh tế cửa khẩu A Đớt với khu kinh tế Chân Mây sao cho hợp lý về giao thông. Bổ sung làm rõ hệ thống cấp thoát nước trong khu kinh tế, đặc biệt là hệ thống thoát nước tự nhiên sông, hồ. Việc đánh giá quỹ đất xây dựng cần lưu ý xem xét về nhu cầu sử dụng đất và tiêu chí sử dụng đất của từng khu vực chức năng. Nhóm thực hiện đồ án cũng cần phân tích rõ hơn mối quan hệ vùng với nước bạn Lào và khả năng hội nhập kinh tế quốc tế.
Phát biểu kết thúc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn đánh giá cao chất lượng của đồ án về quy mô cũng như khối lượng thông tin, thể hiện sự công phu và tinh thần làm việc nghiêm túc của các bên. Thứ trưởng cũng yêu cầu nhóm thực hiện đồ án tiếp thu ý kiến đóng góp của các phản biện và ý kiến của đại diện các Bộ, ngành để hoàn thiện đồ án quy hoạch khu sớm nhất để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa thiên Huế đại diện cho tỉnh đã cảm ơn sự giúp đỡ quý báu của lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng như lãnh đạo các Bộ, ban ngành có liên quan khác, đã giúp tỉnh trong việc lập đồ án quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu A Đớt và hứa sẽ tiếp thu các ý kiến chỉ đạo cũng như đóng góp của Hội đồng thẩm định, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với đơn vị tư vấn để nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ đồ án.
Quỳnh Anh