Với quan điểm xuyên suốt: Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ, tỉnh ta đang quyết liệt thực hiện chiến lược đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Đây là tiền đề quan trọng để xây dựng chính quyền đổi mới, quản trị hành chính hiện đại. Đồng thời, nâng cao chất lượng phục vụ, góp phần hình thành công dân số, doanh nghiệp số trong tiến trình chuyển đổi số của tỉnh.
Cán bộ bộ phận một cửa huyện Bắc Quang hướng dẫn người dân tạo tài khoản dịch vụ công trực tuyến.
Quản trị hành chính hiện đại
Đẩy mạnh thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC trên môi trường điện tử được tỉnh ta xác định là một trong những nội dung quan trọng, giúp cơ quan hành chính Nhà nước (HCNN) thay đổi phương thức quản trị từ truyền thống sang hiện đại. Trên cơ sở đó, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu cải cách hành chính (CCHC), nhất là việc cắt giảm, đơn giản hóa TTHC thông qua ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT).
Đi đôi với quá trình cải cách TTHC trên các lĩnh vực, giảm mạnh, bãi bỏ những TTHC gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, thực hiện TTHC trên môi trường điện tử bằng phương tiện điện tử thông qua các dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở; trở thành giải pháp trong đổi mới phương thức làm việc của các cơ quan HCNN. Không những vậy, tỉnh ta còn quan tâm gắn kết chặt chẽ giữa CCHC, nhất là cải cách TTHC với xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số theo phương châm: CCHC, cải cách TTHC đi trước, dẫn dắt, ứng dụng CNTT là phương tiện thực hiện. Qua đó, số hóa các TTHC, tự động hóa tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, chuyển đổi các mối quan hệ từ môi trường truyền thống sang môi trường số nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, điều hành và cung cấp DVCTT cho người dân, doanh nghiệp.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1.949 TTHC còn hiệu lực đang áp dụng. Trong đó, 427 TTHC được rút ngắn 30% thời gian giải quyết so với quy định; 1.816 TTHC được giải quyết theo cơ chế một cửa; 706 TTHC giải quyết theo cơ chế liên thông; 1.560 TTHC cung cấp DVCTT mức độ 4, đạt 80,04% so với tổng số TTHC; 153 TTHC cung cấp DVCTT mức độ 3, đạt 7,85%. Đặc biệt, tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hiện có 8 sở, ngành thực quy trình “5 tại chỗ” (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả) trong giải quyết TTHC theo hai hình thức: Trực tiếp tại Trung tâm hoặc số hóa hồ sơ giấy để tạo hồ sơ điện tử, gửi qua hệ thống thông tin một cửa điện tử về cơ quan có thẩm quyền giải quyết hoặc ký số của cơ quan có thẩm quyền để gửi đến cơ quan liên thông phối hợp giải quyết. Mô hình đột phá này không chỉ tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC mà còn góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã góp phần đẩy mạnh CCHC, nhất là cải cách TTHC nhằm nâng cao sự hài lòng của người dân đối với cơ quan HCNN. Minh chứng điển hình cho thấy: Năm 2021, trong các tiêu chí đánh giá chỉ số PCI thì tỉnh ta xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố về chất lượng đội ngũ cán bộ trực tại bộ phận một cửa (nhiệt tình, thân thiện, am hiểu chuyên môn). Riêng chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan HCNN (SIPAS), xếp thứ 25/63 tỉnh, thành phố.
Nhận diện “nút thắt”, quyết liệt hành động
Thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, hiện nay, tỉnh ta có 205 bộ phận một cửa (BPMC) tập trung, 9 riêng lẻ tại từng cơ quan, đơn vị. Để duy trì hoạt động, các cơ quan, đơn vị bố trí gần 700 công chức, viên chức làm việc tại BPMC. Theo nhận định của cơ quan chuyên môn: Thực tế này dẫn đến tình trạng bất hợp lý khi nhân sự và số lượng BPMC tương đối lớn. Hơn nữa, việc BPMC chỉ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thuộc thẩm quyền dẫn đến tình trạng cắt khúc, gây khó khăn trong thực hiện và giải quyết TTHC. Trong khi đó, công chức BPMC các cấp có đủ khả năng tiếp nhận hồ sơ của địa bàn khác hoặc cấp khác, như: Công chức Tư pháp – Hộ tịch cấp xã có thể tiếp nhận hồ sơ của tất cả các xã trên phạm vi toàn tỉnh...
Qua phân tích của cơ quan chuyên môn cho thấy: Năm 2021, số lượng hồ sơ được tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả qua Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh chỉ chiếm 31,95%, còn lại 68,05% là qua hệ thống khác hoặc tiếp nhận, giải quyết ngoài. Điều này gây khó khăn cho cơ quan kiểm soát, quản lý quy trình giải quyết hồ sơ TTHC. Bên cạnh đó, do chưa có cách thức theo dõi, đánh giá năng suất, chất lượng việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ tại BPMC một cách khách quan, toàn diện, hiệu quả nên thực tế khâu hướng dẫn, kiểm tra, xem xét trước khi nhận hồ sơ thường là khâu dễ phát sinh nhũng nhiễu, phiền hà cho cá nhân, tổ chức thực hiện TTHC nhất...
Nhận diện “nút thắt” gây lãng phí nguồn lực, cản trở việc đơn giản hóa TTHC, làm chậm tiến trình xây dựng chính quyền số; ngày 21.7.2022, UBND tỉnh phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, giai đoạn 2022 – 2025. Điều này khẳng định quyết tâm chính trị của tỉnh trong việc khắc phục hạn chế, đẩy mạnh CCHC, nâng cao chất lượng công vụ. Qua đó, kiến tạo những giá trị cốt lõi hướng đến xây dựng chính quyền đổi mới, liêm chính, kỷ cương, hành động, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ. Hiện nay, các cấp, ngành đang nỗ lực triển khai những nội dung quan trọng mang tính đổi mới, đột phá theo Đề án.
Nhằm giảm chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và năng suất lao động, tỉnh ta áp dụng nguyên tắc mỗi địa bàn hành chính cấp xã chỉ có một BPMC. Ví như BPMC thành phố Hà Giang có trụ sở trên địa bàn phường Trần Phú, bố trí đưa cán bộ BPMC của phường vào làm việc tại BPMC thành phố. Như vậy, toàn tỉnh giảm tối thiểu 12 BPMC cấp xã, giúp tiết kiệm nhiều tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước. Đồng thời, sử dụng Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử, kể từ tháng 8.2022.
Đề án đi vào cuộc sống được kỳ vọng tạo đột phá nâng cao chất lượng phục vụ, tăng năng suất lao động tại BPMC. Đồng thời, cải thiện, nâng cao các chỉ số liên quan đến CCHC, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chuyển đổi số (DTI). Qua đó, tiếp tục tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy phát triển KT-XH nhanh và bền vững trên dải đất biên cương cực Bắc Tổ quốc.