Chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Với thành phố Đà Nẵng, Nghị quyết số 43/NQ-TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong toàn bộ hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội. Đà Nẵng đã có nền tảng và lợi thế như thế nào để đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số?
Trong mấy đợt bùng phát dịch Covid-19, thành phố Đà Nẵng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các trường học, đặc biệt trong dạy và học trực tuyến. Hiện, 100% bệnh viện, trung tâm y tế quận, huyện đều sử dụng phần mềm quản lý bệnh viện điện tử và 100% trạm y tế phường, xã sử dụng phần mềm dùng chung hỗ trợ cho công tác quản lý khám, chữa bệnh, quản lý bệnh nhân, quản lý điều trị nội trú, ngoại trú, quản lý xét nghiệm, quản lý dược, thanh toán viện phí, bảo hiểm y tế.
Với mức độ sẵn sàng cao về ứng dụng công nghệ thông tin, Đà Nẵng là địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ cài đặt ứng dụng Bluezone với hơn 43%, triển khai kịp thời các ứng dụng góp phần thành công trong việc đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 như Bản đồ Covid-19, biểu đồ số liệu Covid-19, thẻ vé đi chợ bằng QR-Code, quản lý khách du lịch trực tuyến...
Thành phố Đà Nẵng có hạ tầng và nền tảng vững chắc để thúc đẩy chuyển đổi số.
Chị Nguyễn Thị Minh Trang, ở quận Hải Châu nhận xét: “Tôi thấy việc triển khai thẻ đi chợ QR-Code rất thuận tiện cho người dân trong việc đi chợ. Trước đây là dùng phiếu đi chợ đôi khi tôi quên, nay đi chợ bằng QR-Code thì thuận tiện và tiết kiệm, tôi có thể dùng QR-Code chụp trong điện thoại”.
Thành phố Đà Nẵng có tỷ lệ người sử dụng điện thoại di động đứng đầu cả nước, với tỷ lệ 276 máy/100 dân, 99,8% hộ gia đình có kết nối Internet và 99,4% người dân tiếp cận, sử dụng Internet. 100% trường học các cấp đã kết nối Internet băng rộng và sử dụng phần mềm quản lý trường học.
Đà Nẵng cũng là địa phương có hạ tầng kỹ thuật số hiện đại, có trạm cáp quang cập bờ là trạm truyền dẫn quốc tế quan trọng của mạng viễn thông quốc gia, bao gồm 2 tuyến cáp SMW3 và APG với tổng dung lượng rất lớn. Hạ tầng viễn thông công cộng có kết nối nội mạng tốc độ cao.
Đà Nẵng cũng đã hoàn thành phủ sóng mạng 3G, 4G, Internet băng rộng cố định. Thành phố đã đầu tư xây dựng mạng viễn thông dùng riêng (mạng MAN) với tổng chiều dài 350 km cáp quang ngầm, kết nối 145 cơ quan, đơn vị, băng thông kết nối mạng trục lên đến 40Gbps. Hệ thống wifi công cộng có 430 trạm thu phát sóng (AP) chuyên dụng của thành phố và khoảng 1.000 trạm của doanh nghiệp phủ sóng tại tất cả các sở, ban, ngành, quận, huyện, xã, phường, các khu vực trung tâm của thành phố, các địa điểm du lịch và khu vực công cộng để tạo điều kiện cho tổ chức, công dân, du khách có thể kết nối, sử dụng dịch vụ của các cơ quan nhà nước và kết nối ra mạng Internet.
Trung tâm dữ liệu thành phố có dung lượng bảo đảm năng lực tính toán và dung lượng lưu trữ phục vụ xây dựng chính quyền đô thị và đang được nâng cấp, mở rộng để triển khai các ứng dụng thành phố thông minh. Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến bao gồm 1 thiết bị quản lý đa điểm cho phép kết nối 75 điểm cầu; đã triển khai các hội nghị, cuộc họp trực tuyến từ Trung ương đến thành phố; từ thành phố đến quận, huyện.
Đà Nẵng còn sở hữu lợi thế lớn về nguồn nhân lực. Trên địa bàn thành phố có 25 trường đại học và cao đẳng có khoa ngành đào tạo về công nghệ thông tin, mỗi năm bổ sung thêm 5.000 nhân lực có trình độ từ bậc đại học, cao đẳng trở lên.
Ông Nguyễn Quang Thanh (trái) GĐ Sở TT&TT TP Đà Nẵng ký kết bản ghi nhớ Hợp tác với Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025.
Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng cho biết, bên cạnh sự chủ động trong sự phát triển và hoàn thiện về hạ tầng chính quyền điện tử, Đà Nẵng hiện là địa phương có lực lượng doanh nghiệp công nghệ lớn với tỷ lệ 2,5 doanh nghiệp công nghệ số trên 1.000 người dân. Đây là những yếu tố thuận lợi giúp Đà Nẵng thực hiện mạnh việc chuyển đổi số.
Tính đến cuối năm 2020, số lượng doanh nghiệp đăng ký ngành nghề hoạt động chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố khoảng 2.000 doanh nghiệp, nếu tính cả ngành nghề phụ là 7.000 doanh nghiệp. Năm 2020, tuy bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngành công nghiệp ICT ở Đà Nẵng vẫn đạt tăng trưởng hơn 5%%, đóng góp vào 7,5% GRDP thành phố.
"Ngành công nghiệp ICT đặc biệt chú trọng đến các sản phẩm Made in Đà Nẵng. Chúng tôi cho rằng, có như vậy mới tạo được giá trị gia tăng đặt ra là đến 2025, đóng góp kinh tế số của Đà Nẵng phải đạt tỷ lệ 25%. Chỉ số trung bình của cả nước là 20% để Đà Nẵng xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số" - ông Nguyễn Quang Thanh nói.
Với hạ tầng viễn thông rộng khắp, đảm bảo khả năng tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, đã góp phần giảm khoảng cách số, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục và y tế.
Ông Ngô Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Softech Đà Nẵng cho rằng, chủ doanh nghiệp phải đặt ra bài toán cho các đơn vị thi công phần mềm thể hiện ý tưởng của mình.
Để chuyển đổi số thành công, từng đơn vị cần chú trọng 4 yếu tố chính. Thứ nhất, là doanh nghiệp chuyển đổi số phải biết mình đang có gì, cần gì và kỳ vọng gì trong tương lai. Thứ hai là quy trình nghiệp vụ phải chuẩn hóa, cấu trúc thông tin rõ ràng, logic. Thứ ba là doanh nghiệp chuyển đổi số cần tận dụng đội ngũ nhân lực hiện có. Điểm cuối cùng là phải vận dụng công nghệ mới, hạ tầng điện toán đám mây.
"Các doanh nghiệp chuyển đổi số đang rất thuận lợi. Chúng ta đang có nhiều công nghệ hay, hạ tầng tốt, nhân lực tốt. Chúng ta không nên cố chấp với công nghệ cũ mà phải mạnh dạn thay đổi để đảm bảo công nghệ của chúng ta mới nhất. Tuy nhiên, hạ tầng hay công cụ cũng chỉ là các giải pháp, vấn đề cốt lõi để thành công, chính là quy trình nghiệp vụ phải chuẩn, phải rõ ràng, liền mạch, có tính kế thừa, có tính mở rộng cao" - ông Ngô Thanh Tùng nói.
Ngày 17/6 vừa qua, Thành ủy Đà Nẵng ban hành Nghị quyết “Về chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trước đó, Đà Nẵng đã ban hành Kiến trúc tổng thể thành phố thông minh với 6 trụ cột và 16 lĩnh vực thông minh; Đề án xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030. Đề án đặt ra mục tiêu, đến năm 2020, sẵn sàng hạ tầng, nền tảng và dữ liệu thông minh; Đến năm 2025, thông minh hóa các ứng dụng; Đến năm 2030, thông minh hóa ứng dụng cộng đồng và hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN.
Ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, thành phố xác định, chuyển đổi số là “chìa khóa” chính để chủ động tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
“Chuyển đổi số là bước chuyển tất yếu, mang tính bắt buộc, nhằm chuyển đổi căn bản, toàn diện hoạt động lãnh đạo của các cấp ủy và tổ chức Đảng; hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và phương thức lối sống làm việc của người dân phát triển môi trường số văn minh, an toàn, rộng khắp và minh tính bao trùm… Đây cũng là cơ hội giải quyết các điểm nghẽn cũng như đột phá trong phát triển thành phố, hướng đến thành phố Đà Nẵng là đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh, đáng sống" - ông Lê Quang Nam nói.
Đà Nẵng xem việc xây dựng nguồn nhân lực công nghệ thông tin mang yếu tố quyết định trong việc xây dựng thành công chính quyền điện tử, thành phố thông minh. Những công nghệ số thai nghén trong nhiều chục năm đã phát triển đột phá và trở nên phổ biến, sẵn sàng, làm động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhanh hơn.
Thành phố xác định, chuyển đổi số không cần nhiều cơ sở vật chất mà chính là thay đổi tư duy. Với tiềm năng, kinh nghiệm và lợi thế sẵn có, thành phố Đà Nẵng có nhiều thuận lợi thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong toàn bộ hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội./.