Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời với sạt lở đất ven biển, ven sông.
Nội dung công văn nêu rõ, từ đầu năm đến nay, thiên tai, thời tiết diễn biên bất thường đã gây ảnh ảnh hưởng, thiệt hại hơn 2.300 ha lúa, rau màu, cây ăn trái; ngập, tràn 500 ha nuôi thủy sản và gần 30 km lộ giao thông; 61 vị trí ven sông bị sạt lở; 729 căn nhà bị thiệt hại; chìm 03 tàu cá; mất tích 02 thuyền viên... ước thiệt hại về tài sản trên 03 tỷ đồng. Trước tình hình nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Cà Mau tiếp tục theo dõi chặt chẽ thông tin, bản tin dự báo thời tiết, thiên tai của cơ quan chức năng; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp đến tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh và người dân biết, chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, nhất là mưa lớn kéo dài, bão, siêu bão, áp thấp nhiệt đới, lốc xoáy, triều cường, sạt lở đất ven biển, ven sông và hiện tượng sét đánh. Thường xuyên kiểm tra, giám sát địa bàn, kịp thời tổ chức thăm hỏi, động viên và hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại sau thiên tai.
Đài Khí tượng thủy văn Cà Mau thường xuyên cập nhật tình hình, diễn biến thời tiết, thiên tai; kịp thời thông báo đến các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan và cơ quan truyền thông nắm, để phổ biến rộng rãi đến người dân, chủ động triển khai kế hoạch, phương án ứng phó hiệu quả, sát với tình hình thực tế.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh) khẩn trương hoàn thành phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai để triển khai thực hiện; rà soát, cập nhật nội dung, thời gian, phương pháp kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai vào kế hoạch kiểm tra năm 2021, đảm bảo phù hợp với các văn bản chỉ đạo của Trung ương, sát với tình hình thực tế của địa phương và công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Chỉ đạo cơ quan chuyên môn thường xuyên rà soát, phối hợp với địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân sản xuất phù hợp lịch mùa vụ và diễn biến thời tiết, thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; tích cực đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, tránh phát sinh dịch bệnh.
Thường xuyên kiểm tra, vận động, hướng dẫn nhân dân gia cố bờ bao, khuôn hộ bảo vệ sản xuất, chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây có nguy cơ đỗ ngã ở xung quanh nhà. Hướng dẫn chủ tàu, thuyền trưởng neo đậu tàu thuyền tránh, trú an toàn; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các tàu cá ra, vào cửa biển; kiên quyết không cho ra biển hoạt động đối với các trường hợp tàu cá không đảm bảo thiết bị an toàn, thông tin liên lạc, trễ hạn đăng ký, đăng kiểm, thuyền trưởng, máy trưởng không có chứng chỉ hành nghề,...
Rà soát, trang bị đầy đủ trang thiết bị cần thiết cho lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai, nhất là lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã. Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình phòng, chống thiên tai, đặc biệt là các công trình đê điều, công trình phòng, chống sạt lở, các trạm bơm, cống ngăn triều cường; các khu tái định cư theo kế hoạch, dự án được duyệt,... kiểm tra việc vận hành, bảo trì, khắc phục hư hỏng, đảm bảo phục vụ tốt công tác phòng, chống thiên tai khi có tình huống xảy ra.
Rút kinh nghiệm trong chỉ đạo phòng, chống thiên tai các năm qua, tăng cường tuyên truyền, hướng dân hộ dân thực hiện kê khai sản xuất ban đầu; lưu giữ hóa đơn, chứng từ có liên quan...; chỉ đạo theo dõi, tổng hợp thông tin, số liệu về tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra, nhằm phục vụ tốt công tác chỉ đạo sản xuất và thực hiện chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất kịp thời, đúng quy định.
Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện công tác thu, nộp quỹ phòng, chống thiên; kịp thời tham mưu phân bổ, quản lý, sử dụng hiệu quả, đúng mục đích theo quy định.
Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố Cà Mau tăng cường công tác kiểm tra, quản lý các phương tiện giao thông đường thủy, nhất là phương tiện vận chuyển hành khách và các bến khách, không để phương tiện, bến khách không bảo đảm điều kiện, trang thiết bị an toàn hoạt động. Tập trung chỉ đạo sửa chữa các tuyến đường ngập úng, hư hỏng để đảm bảo an toàn giao thông; khắc phục nhanh các chướng ngại vật trên các tuyến giao thông thủy, bộ sau khi xảy ra thiên tai.
Sở Công Thương phối hợp với Công ty Điện lực Cà Mau và địa phương, đơn vị có liên quan thường xuyên chỉ đạo kiểm tra các điều kiện đảm bảo hành lang an toàn lưới điện; sửa chữa, khắc phục những vị trí có nguy cơ rò rỉ điện; hướng dẫn sử dụng điện an toàn nhằm tránh thiệt hại tính mạng và tài sản của người dân.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Công an tỉnh, theo chức năng, nhiệm vụ được giao có kế hoạch hoặc phương án phối hợp bố trí lực lượng, phương tiện tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo an ninh trật tự và giúp dân khắc phục hậu quả khi có tình huống thiên tai xảy ra.
UBND các huyện, thành phố Cà Mau chủ động phối hợp với sở, ngành, đơn vị chức năng có liên quan theo dõi chặt chẽ thông tin, bản tin dự báo thời tiết, thiên tai của cơ quan chức năng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp; rà soát, kiểm tra, cập nhật kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai phù hợp với diễn biến thời tiết và tình hình thực tế; thường xuyên kiểm tra, giám sát địa bàn, chỉ đạo hướng dẫn người dân kiểm tra, chủ động gia cố bờ bao, chuẩn bị phương tiện bơm tát nước và thực hiện các giải pháp thích hợp khác nhằm phòng tránh thất thoát thủy sản nuôi, ngập úng lúa, hoa màu và di dời các hộ dân tại các địa điểm có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.