Đại sứ quán Na Uy và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) sẽ phối hợp để hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mô hình quản lý rác thải nhằm tăng sinh kế cho người lao động và nhân rộng các mô hình, giải pháp nhằm quản lý rác thải bền vững và toàn diện, thông qua việc tăng cường hỗ trợ, nâng cao năng lực và chia sẻ kiến thức.
Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, bà Grete Lochen (trái) và Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen kí kết thoả thuận hợp tác dự án. Ảnh: VGP
Chiều 17/6, Đại sứ quán Na Uy và UNDP kí kết thoả thuận hợp tác dự án “Nhân rộng các mô hình quản lý rác thải tổng hợp và toàn diện thông qua việc trao quyền cho người lao động khu vực phi chính thức và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn”.
Dự án này sẽ kéo dài trong 3 năm, nhằm triển khai và thử nghiệm các giải pháp, bao gồm hỗ trợ trực tiếp cho những người lao động khu vực phi chính thức tham gia xử lý rác thải, một mô hình quản lý trong lĩnh vực thủy sản, và cách tiếp cận hệ sinh thái của chuỗi giá trị thông qua việc thành lập cơ sở tái chế vật liệu, thí điểm tại TP. Quy Nhơn (Bình Định).
Với 1,3 triệu USD do Chính phủ Na Uy tài trợ, dự án này thể hiện cam kết mạnh mẽ và sự hợp tác sâu rộng giữa Na Uy và UNDP nhằm giải quyết vấn đề nóng về quản lý chất thải ở Việt Nam và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn toàn diện.
Đây là sự tiếp nối thành công của một dự án cũng do Na Uy tài trợ mang tên “Nhân rộng mô hình cộng đồng quản lý chất thải sinh hoạt và nhựa tại 5 thành phố”, nhằm xây dựng các mô hình tích hợp, mô hình xanh để xử lý rác thải sinh hoạt và rác thải nhựa tại 5 địa phương ở Việt Nam (Quảng Ninh, Bình Dương, Bình Thuận, Bình Định, Đà Nẵng).
Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, bà Grete Lochen cho biết: "Chúng tôi rất vui vì giai đoạn 1 của dự án đã thành công và dự án được tiếp tục mở rộng. Cộng đồng địa phương mới, đặc biệt là phụ nữ được tham gia vào các nỗ lực chung nhằm giải quyết vấn đề rác thải nhựa và xây dựng nền kinh tế tuần hoàn. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh phục hồi xanh sau đại dịch COVID-19. Na Uy tự hào vì mối quan hệ đối tác với UNDP Việt Nam và với Chính phủ Việt Nam nhằm giảm thiểu rác thải nhựa, phục hồi xanh hơn và không để ai bị bỏ lại phía sau".
Dự án sẽ giúp tạo một môi trường thuận lợi, giúp các chính quyền địa phương và doanh nghiệp áp dụng nguyên tắc kinh tế tuần hoàn, qua đó nâng cao năng lực quản lý rác thải cho cộng đồng.
Theo bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, UNDP rất tự hào về mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam và Na Uy trong việc thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. Giai đoạn mới của dự án sẽ tăng cường chuỗi giá trị rác thải và nhựa ở Quy Nhơn, thông qua việc xây dựng cơ sở tái chế vật liệu, mô hình quản lý rác thải trong ngành thuỷ sản, và thí điểm một số giải pháp để thúc đẩy sinh kế và tăng cường sự tham gia của người lao động làm về rác thải, đặc biệt là lao động nữ. Trên cơ sở thành lập nền tảng kết nối các bên trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, giai đoạn 2 của dự án sẽ tiếp tục gắn kết các bên liên quan, tổng hợp kiến thức về kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy trao đổi và tăng cường quan hệ đối tác, theo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020 và Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương.
“Chúng tôi tin rằng, bằng cách tập hợp các mô hình quản lý chất thải bền vững và toàn diện, các sáng kiến và tư vấn chính sách, giai đoạn 2 của dự án sẽ đẩy nhanh hơn nữa việc đạt được mục tiêu phát triển tuần hoàn và phát thải carbon thấp cho Việt Nam trong tương lai”, bà Caitlin Wiesen khẳng định.
Dự án này đặt ra hai mục tiêu chính, đó là thực hiện các mô hình quản lý rác thải nhằm tăng sinh kế cho người lao động làm về rác thải (tập trung vào lao động nữ trong khu vực phi chính thức) và dự định nhân rộng các mô hình, các giải pháp nhằm quản lý rác thải một cách bền vững, toàn diện, thông qua việc tăng cường hỗ trợ, nâng cao năng lực, chia sẻ kiến thức.
Dự án sẽ đóng góp vào các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), như ngăn ngừa ô nhiễm rác thải nhựa trên biển bằng việc tăng cường sự tham gia của ngành thuỷ sản, đóng góp vào các mục tiêu xóa nghèo bằng việc tăng thu nhập và cơ hội phát triển sinh kế của lao động nữ làm về rác thải; thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ, thông qua tập huấn và tiếp cận các quỹ sinh kế; đóng góp cho lĩnh vực bảo vệ môi trường bằng việc áp dụng các chuỗi giá trị bền vững để giảm lượng chất thải bị đốt hoặc chôn lấp, thúc đẩy thu gom và tái sử dụng các vật liệu có thể tái chế.