Nghiệm thu Đề tài Nghiên cứu xây dựng quy trình lấy ý kiến cộng đồng trong các dự án phát triển đô thị

Thứ sáu, 23/06/2017 16:42
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 23/6/2017, Hội đồng KHCN chuyên ngành Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị nghiệm thu Đề tài Nghiên cứu xây dựng quy trình lấy ý kiến cộng đồng trong các dự án phát triển đô thị. Đề tài do Cục Phát triển đô thị thực hiện. Chủ trì Hội nghị bà Trần Thu Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - kiến trúc (Bộ Xây dựng), Chủ tịch Hội đồng. 

Quang cảnh Hội nghị

Tại Hội nghị, thay mặt nhóm tác giả, PGS.TS.Hoàng Vĩnh Hưng - Chủ nhiệm Đề tài trình bày Báo cáo tóm tắt Đề tài Nghiên cứu xây dựng quy trình lấy ý kiến cộng đồng trong các dự án phát triển đô thị. Theo đó, việc thực hiện các dự án phát triển đô thị hiện nay có liên quan đến lợi ích nhiều bên tham gia như: Cộng đồng, Chủ đầu tư và Chính quyền đô thị. Lợi ích giữa các bên tham gia thường không giống nhau thậm chí trong nhiều trường hợp, chỉ riêng lợi ích một bên cũng không thống nhất. Các khác biệt về lợi ích là nguyên nhân chính dẫn đến bất đồng, tranh chấp, khiếu kiện, gây ảnh hưởng đến tiến độ triển khai và hiệu quả của dự án, nhiều khi còn gây bất ổn xã hội. Ngoài ra, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành quy định về lấy ý kiến cộng đồng trong lĩnh vực quy hoạch và phát triển đô thị còn chưa đầy đủ.

Nôi dung của Đề tài là: Đánh giá thực trạng tham gia của cộng đồng trong các dự án phát triển đô thị ở Việt Nam; đưa ra giải pháp tăng cường vai trò, sự quan tâm của cộng đồng trong việc thực hiện các dự án phát triển đô thị; xây dựng các tiêu chí đảm bảo chất lượng của việc xin ý kiến cộng đồng, đề xuất quy trình lấy ý kiến cộng đồng trong các dự án phát triển đô thị.

Đối tượng nghiên cứu của Đề tài là công tác lấy ý kiến cộng đồng trong các dự án phát triển đô thị. Phạm vị nghiên cứu của Đề tài bao gồm các dự án phát triển đô thị tại các thành phố trực thuộc Trung ương. Đề tài được thực hiện bằng các phương pháp: Điều tra khảo sát, phân tích, tổng hợp số liệu, lấy ý kiến của chuyên gia.

Đề tài đưa ra nguyên tắc lấy ý kiến cộng đồng là: Đảm bảo sự tham gia của cộng đồng trong tất cả các giai đoạn của dự án; đảm bảo chất lượng về mặt chuyên môn trên cơ sở xác định giải pháp hiệu quả cho dự án; tạo ra sự hài hòa lợi ích của các bên tham gia dự án; xác định rõ cách thức và nội dung phù hợp để quá trình người dân tham gia góp ý kiến đạt hiệu quả cao nhất. Trong 17 bước của quá trình thực hiện một dự án phát triển đô thị, đề tài đề xuất cần lấy ý kiến cộng đồng ở 12 bước.

Kết quả nghiên cứu, khảo sát và kết luận của Đề tài cho thấy việc thực hiện tốt công tác lấy ý kiến của cộng đồng trong các dự án phát triển đô thị sẽ giúp tăng tính hiệu quả kinh tế - xã hội cao hơn so với phương pháp quy hoạch và phát triển đô thị truyền thống, giúp giảm thiểu và dung hòa các mâu thuẫn về lợi ích giữa các bên tham gia, góp phần lành mạnh hóa công tác đầu tư và phát triển đô thị và giữ ổn định xã hội. Quá trình tham gia của cộng đồng vào các dự án quy hoạch và phát triển đô thị sẽ tạo lập môi trường sống có chất lượng hơn, đáp ứng nhu cầu thực tế cũng như mong muốn của người dân.

Sau đó, các chuyên gia phản biện, các thành viên Hội đồng KHCN chuyên ngành Bộ Xây dựng đưa ra những ý kiến đánh giá, góp ý giúp nhóm tác giả hoàn thiện Báo cáo và đề xuất hướng nghiên cứu tiếp theo. Hầu hết các chuyên gia phản biện và thành viên Hội đồng đều đồng nhất trí lý do, tính cấp thiết phải thực hiện Đề tài, đồng thời đánh giá cao nỗ lực của nhóm tác giả trong quá trình khảo sát, thu thập thông tin, phân tích số liệu cũng như đề xuất các giải pháp tăng cường sự tham gia của cộng đồng và xây dựng quy trình xin ý kiến cộng đồng.

PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Mai - Giảng viên trường Đại học Xây dựng Hà Nội, chuyên gia phản biện nhận xét: Nhóm tác giả đã áp dụng phương pháp nghiên cứu dựa trên khảo sát, điều tra, thu thập nhiều số liệu, đồng thời đúc rút kinh nghiệp quốc tế của nhiều nước về sự tham gia của cộng đồng trong các dự án phát triển đô thị, từ đó phân tích bối cảnh thực tế ở Việt Nam về nhiều mặt: thể chế, văn bản pháp luật liên quan, quy trình thực hiện dự án… sau đó đánh giá một số dự án có sự tham gia của cộng đồng ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng để thấy những thành công và bất cập trong quá trình triển khai. Đây là phương pháp phù hợp, mang tính khoa học cao.

Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Mai, Đề tài đã đạt được những mục tiêu đề ra, khi đề xuất được quy trình tham gia của cộng đồng gồm 12 bước trong quá trình triển khai dự án phát triển đô thị. Bên cạnh đó, Đề tài còn đưa ra những khuyến nghị về khung chính sách cải thiện năng lực cộng đồng và tăng cường sự tham gia và bảo đảm lợi ích của cộng đồng cũng như các bên liên quan trong các dự án phát triển đô thị, là cơ sở để xây dựng các chính sách quản lý nhà nước về triển khai các dự án phát triển đô thị.

PGS.TS. Vũ Thị Vinh, chuyên gia phản biện, đánh giá: trong nhiều đề tài nghiên cứu về sự tham gia của cộng đồng, đây là đề tài đầu tiên đề xuất được quy trình xin ý kiến cộng đồng một cách khoa học và khá phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, cần mở rộng nghiên cứu về xin ý kiến cộng đồng trong các dự án lập quy hoạch xây dựng, quy hoạch chung đô thị.

Kết luận Hội nghị, bà Trần Thu Hằng - Chủ tịch Hội đồng KHCN chuyên ngành Bộ Xây dựng đánh giá: Nhóm tác giả đã thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, sản phẩm của Đề tài là cơ sở quan trọng để Bộ Xây dựng nghiên cứu dưa ra những chính sách phù hợp và bổ sung các văn bản quy phạm trong quản lý đầu tư dự án phát triển đô thị.

Bà Trần Thu Hằng đề nghị nhóm tác giả làm rõ các cộng đồng dân cư cần xin ý kiến trong các dự án phát triển đô thị, đó là những người dân chịu ảnh hưởng của dự án, phân định rõ hơn các loại dự án cần lấy ý kiến, vì mỗi loại dự án khác nhau cần có phương thức khác nhau khi tiến hành lấy ý kiến cộng đồng, sau đó rà soát lại Báo cáo, chỉnh sửa những thuật ngữ cho phù hợp hơn, đồng thời tiếp thu các ý kiến góp ý của các chuyên gia phản biện, các thành viên Hội đồng KHCN chuyên ngành Bộ Xây dựng, sớm hoàn thiện Báo cáo, trình lãnh đạo Bộ Xây dựng xem xét, quyết định.

Hội đồng KHCN chuyên ngành Bộ Xây dựng nhất trí nghiệm Đề tài Nghiên cứu xây dựng quy trình lấy ý kiến cộng đồng trong các dự án phát triển đô thị, với kết quả đạt loại Khá.

Trần Đình Hà
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)