Nghiệm thu cấp Bộ các đề tài khoa học của Hội Bê tông Việt Nam

Thứ tư, 21/06/2017 15:08
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 20/6/2017, Hội đồng KHKT chuyên ngành Bộ Xây dựng đã tổ chức nghiệm thu cấp Bộ 02 đề tài khoa học do Hội Bê tông Việt Nam thực hiện: biên soạn các tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN): "Độ bền và tuổi thọ của kết cấu bê tông, bê tông cốt thép trong môi trường xâm thực - Yêu cầu chung về thiết kế" và "Mương bê tông cốt sợi thành mỏng đúc sẵn". TS. Hoàng Quang Nhu, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN và Môi trường (Bộ Xây dựng), Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp của Hội đồng.

Toàn cảnh cuộc họp của Hội đồng

Thay mặt nhóm biên soạn TCVN "Độ bền và tuổi thọ của kết cấu bê tông, bê tông cốt thép trong môi trường xâm thực - Yêu cầu chung về thiết kế", ông Trần Quốc Tế - Chủ nhiệm dự án cho biết, từ thập niên 1970, Việt Nam đã bắt đầu triển khai nghiên cứu về độ bền của bê tông và bê tông cốt thép. Trên cơ sở tham khảo quy phạm kỹ thuật và các tiêu chuẩn về thiết kế bảo vệ chống ăn mòn cho kết cấu bê tông và bê tông cốt thép, giữa thập niên 1980, Việt Nam đã xây dựng và công bố 02 tiêu chuẩn quốc gia, gồm TCVN 3993-85: Chống ăn mòn trong xây dựng kết cấu bê tông và bê tông cốt thép - Nguyên tắc cơ bản để thiết kế; TCVN 3994-85: Chống ăn mòn trong xây dựng kết cấu bê tông và bê tông cốt thép - Phân loại môi trường xâm thực. Bên cạnh đó, trong thời gian này, Bộ Xây dựng cũng ban hành Tiêu chuẩn ngành TCXD 149 - 1986: Bảo vệ kết cấu xây dựng khỏi bị ăn mòn; Bộ Thủy Lợi ban hành Tiêu chuẩn ngành 14TCN78-88: Các dấu hiệu và tiêu chuẩn đánh giá ăn mòn của môi trường nước đối với bê tông và bê tông cốt thép - Các biện pháp chống ăn mòn. Đến đầu thập niên thứ nhất của Thế kỷ này, nhiều công trình nghiên cứu về bê tông và bê tông cốt thép trong các công trình xây dựng vùng biển đã được triển khai và đạt được nhiều kết quả tốt. Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu trong nước kết hợp với tham khảo các quy chuẩn, tiêu chuẩn của một số nước có nền khoa học công nghệ phát triển cao, Bộ Xây dựng đã công bố Tiêu chuẩn ngành TCXDVN 327:2004 - Kết cấu bê tông và bê tông cốt thép - Yêu cầu bảo vệ chống ăn mòn trong môi trường biển; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố Tiêu chuẩn ngành 14TCN142-2004: Công trình thủy lợi - Kết cấu bê tông, bê tông cốt thép vùng ven biển - Yêu cầu kỹ thuật. Đến 2012, cả 02 Tiêu chuẩn ngành nói trên đã được chuyển đổi thành Tiêu chuẩn quốc gia TCVN9346:2012 và TCVN 9139:2012.

Bảo vệ chống ăn mòn cho kết cấu bê tông, bê tông cốt thép là rất quan trọng để đảm bảo độ bền lâu của công trình. Đối với môi trường biển, các tiêu chuẩn TCVN9346, TCVN 9139 đã có quy định một số yêu cầu tối thiểu về thiết kế, còn kết cấu bê tông, bê tông cốt thép làm việc trong các môi trường xâm thực khác hiện đang vận dụng các tiêu chuẩn TCVN3993-85, TCVN3994 -85 có nhiều hạn chế, lạc hậu do được biên soạn trước đây rất lâu. Vì vậy, việc soát xét TCVN3993-85, TCVN3994 -85 để nâng cao hiệu quả sử dụng và hội nhập trình độ chung của khu vực và thế giới là rất cần thiết.

Trên cơ sở đề cương nhiệm vụ khoa học đã được Bộ Xây dựng phê duyệt, nhóm dự án thuộc Hội Bê tông Việt Nam đã soát xét các tiêu chuẩn TCVN3993-85, TCVN3994 -85, nghiên cứu các quy chuẩn, tiêu chuẩn, tài liệu kỹ thuật trong nước và nước ngoài liên quan đến lĩnh vực độ bền và tuổi thọ của kết cấu bê tông và bê tông cốt thép trong môi trường xâm thực, để biên soạn dự thảo TCVN…2017 "Độ bền và tuổi thọ của kết cấu bê tông, bê tông cốt thép trong môi trường xâm thực - Yêu cầu chung về thiết kế". Các nội dung kỹ thuật của Tiêu chuẩn này chủ yếu dựa trên các tiêu chuẩn châu Âu: BS-EN 206-1:2013 "Bê tông - phần 1: Yêu cầu kỹ thuật, tính năng, sản xuất và kiểm tra sự phù hợp" và BS-EN 1992-1-1: 2004 "Thiết kế kết cấu bê tông. Phần 1 - Các nguyên tắc chung".

Báo cáo Hội đồng KHKT về kết quả của đề tài nghiên cứu biên soạn tiêu chuẩn TCVN "Mương bê tông cốt sợi thành mỏng đúc sẵn", K.S Nguyễn Đức Lợi - Chủ nhiệm đề tài cho biết, Tiêu chuẩn này thuộc loại tiêu chuẩn về sản phẩm, được biên soạn nhằm mục tiêu thống nhất về kiểu dáng, kích thước cơ bản của sản phẩm, quy định các yêu cầu kỹ thuật và phương pháp kiểm tra đánh giá chất lượng các sản phẩm mước bê tông cốt sợi sản xuất trong toàn quốc.

Dự thảo TCVN "Mương bê tông cốt sợi thành mỏng đúc sẵn" được biên soạn dựa trên việc tham khảo các tài liệu (các tiêu chuẩn cơ sở, tiêu chuẩn quốc gia) liên quan đến sản phẩm mương đúc sẵn bằng bê tông trong nước và nước ngoài, các tài liệu nghiên cứu, báo cáo khoa học, catalog sản phẩm mương thoát nước bê tông cốt sợi của các hãng nước ngoài, kết hợp khảo sát tình hình sản xuất, sử dụng sản phẩm mương bê tông trong nước.

Phạm vi áp dụng của tiêu chuẩn này là áp dụng cho các sản phẩm mương đúc sẵn thành mỏng trên cơ sở bê tông cốt sợi phân tán (sợi polypropylen, sợi thép hoặc hỗn hợp 2 loại sợi trên), được dùng trong các công trình tưới tiêu, nông, lâm, ngư nghiệp và các hệ thống thoát nước.

Thảo luận và đóng góp ý kiến cho cả hai Đề tài này, các chuyên gia phản biện và thành viên Hội đồng nhất trí về sự cần thiết và nội dung cơ bản trong các dự thảo tiêu chuẩn là kết quả của các Đề tài, đồng thời cũng chỉ ra một số khiếm khuyết trong dự thảo các tiêu chuẩn cũng như trong bản thuyết minh để các tác giả chỉnh sửa.

Theo ý kiến các chuyên gia phản biện của Đề tài "Độ bền và tuổi thọ của kết cấu bê tông, bê tông cốt thép trong môi trường xâm thực - Yêu cầu chung về thiết kế", việc soát xét và gộp các TCVN 3393-85 và TCVN 3394-85 là cần thiết, tuy nhiên, phạm vi áp dụng của Dự thảo tiêu chuẩn cần nêu rõ đây là môi trường xâm thực do các yếu tố tự nhiên, cần sửa đổi các thuật ngữ như cấp cấu tạo, độ bền… Mặt khác cũng cần xem xét sự phù hợp và tương thích với hệ thống tiêu chuẩn hiện hành của Việt Nam dựa trên hệ tiêu chuẩn của Nga, trong khi Dự thảo tiêu chuẩn được ban hành dựa theo tiêu chuẩn châu Âu BS-EN.

Về Dự thảo tiêu chuẩn "Mương bê tông cốt sợi thành mỏng đúc sẵn", các chuyên gia của Hội đồng cho rằng tiêu chuẩn này là cần thiết để đưa vào phổ biến áp dụng một loại sản phẩm mới là mương bê tông cốt sợi thành mỏng. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đề nghị nhóm tác giả nghiên cứu sửa đổi một số chỉ tiêu để mở rộng chủng loại sản phẩm cũng như các doanh nghiệp tham gia thị trường, chuyển đổi mác bê tông thành cấp độ bền bê tông, mở rộng phạm vi áp dụng cho các loại cốt sợi phân tán khác…

Phát biểu kết luận, TS. Hoàng Quang Nhu nhất trí với ý kiến đóng góp của các chuyên gia và thành viên Hội đồng, đề nghị các nhóm tác giả tiếp thu, hoàn chỉnh sản phẩm để gửi lấy ý kiến các đơn vị liên quan, trước khi trình Bộ để gửi sang Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định và làm thủ tục công bố.

Cả hai Đề tài nêu trên của Hội Bê tông Việt Nam đã được Hội đồng bỏ phiếu thông qua với kết quả xếp loại Khá./.


Minh Tuấn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)