Mô hình phát triển nông nghiệp đô thị - Kinh nghiệm tại một số đô thị Việt Nam

Thứ sáu, 03/07/2020 10:40
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Việt Nam là quốc gia đang phát triển nên quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ ở các vùng đô thị lớn và khu vực nông thôn ven đô. Trên thực tế, các thành phố trực thuộc Trung ương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, các đô thị loại I trong giai đoạn 2010-2020 có xu hướng mở rộng không gian từ trung tâm lõi đô thị ra ngoại vi. Quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ ở vùng ven đô đang đặt ra vấn đề cấp bách là phải xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện đất đai, thị trường… Việc ứng dụng, phát triển thành công mô hình nông nghiệp ven đô không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân về lương thực, thực phẩm tươi sống và an toàn, mà còn đáp ứng yêu cầu cảnh quan đô thị, tăng thêm không gian xanh.

Bài viết giới thiệu một số kinh nghiệm phát triển mô hình nông nghiệp ven đô điển hình trên cả nước như: Mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hiện đại kết hợp thương mại dịch vụ và du lịch nông thôn ở làng Minh Khai, Nam Từ Liêm, hay mô hình trồng rau sạch ở quận Long Biên, Hà Nội; mô hình trồng rau an toàn ở TP.HCM; các mô hình đô thị nông nghiệp ở Bình Dương, Đà Nẵng, Đà Lạt…Đó là những mô hình đã và đang phát triển, là những bài học tốt cho các đô thị khác của Việt Nam trong quá trình phát triển mô hình kinh tế cho khu vực vùng ven bền vững.

Lời nói đầu

Theo dự báo quốc gia, tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đến năm 2035 đạt 50-55% (năm 2017 là 35,03%). Việt Nam là quốc gia đang phát triển nên quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ ở các vùng đô thị lớn và khu vực nông thôn ven đô. Trên thực tế, các thành phố trực thuộc Trung ương như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng các đô thị loại I trong giai đoạn 2010-2020 có xu hướng mở rộng không gian từ trung tâm lõi đô thị ra ngoại vi. Khu vực ven các thành phố lớn thường là đầu mối gắn kết hoạt động sản xuất, thương mại giữa hai thị trường đô thị - nông thôn, cung cấp nguyên liệu, lao động cho đô thị cũng như các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội vùng, là cầu nối liên kết đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh khác trong vùng đô thị lớn.

Hiện nay, khu vực ngoại thành các đô thị lớn Việt Nam đang thiếu các định hướng và công cụ quản lý cho giai đoạn quá độ chuyển đổi từ nông thôn lên đô thị. Đô thị hóa vùng nông thôn ven đô có nhiều biến động về nhân khẩu, đất đai dẫn đến cấu trúc nông thôn truyền thống bị phá vỡ đột ngột, hạ tầng quá tải gây nên những vấn nạn về môi trường; nhà ở, hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật chưa kịp đáp ứng nhu cầu; đất đai xây dựng dàn trải thiếu kiểm soát, mất đất nông nghiệp, an ninh trật tự xã hội mất ổn định là những hệ lụy đang diễn ra tại các khu vực ven đô các thành phố lớn.

1. Kinh nghiệm thành phố Hà Nội, kinh nghiệm về nông nghiệp đô thị

a) Vai trò nông nghiệp đô thị đối với thành phố Hà Nội

- Nông nghiệp đô thị góp phần cung ứng nguồn lương thực, thực phẩm tươi sống tại chỗ cho các đô thị;

- Nông nghiệp đô thị tạo việc làm và thu nhập cho một bộ phận dân cư sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp nay bị mất đất do đô thị hóa như ở Long Biên, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Tây Hồ…

- Nông nghiệp đô thị dễ tiếp cận các dịch vụ đô thị, mở ra cơ hội mới cho phát triển chiều sâu theo hướng nông nghiệp công nghệ cao.

- Nông nghiệp đô thị góp phần tạo cảnh quan, giảm ô nhiễm môi trường và cải thiện sức khỏe cộng đồng.

Với việc mở rộng diện tích thành phố năm 2008, Hà Nội đã và đang ưu tiên phát triển nông nghiệp cả ở nội thị và ngoại thị. Đối với nội thị, nông nghiệp tồn tại trong đô thị và vùng ven ở nước ta đã có từ xa xưa, chỉ riêng Hà Nội đã có húng Láng, rau Tây Tựu, hoa Ngọc Hà, đào Nhật Tân, cá rô Đầm Sét, tôm cá Hồ Tây, rau muống trong ao hồ, kênh mương…Có một xu thế đang diễn ra rất mạnh hiện nay là nhiều gia đình ở Hà Nội cũng bắt đầu trồng rau để phục vụ bữa ăn gia đình.

Để có rau sạch, nhiều hộ đã trồng rau vào chậu cảnh, hộp xốp, thậm chí cải tạo cả tầng thượng thành một vườn rau, tận dụng mọi góc ngõ để các chậu rau, một số hộ bắt đầu trồng rau theo phương pháp thủy canh trên ban công và sân thượng. Các loại rau được trồng đa phần đều dễ chăm sóc như rau muống, rau lang, cải cúc kèm với rau ăn sống như xà lách, rau diếp, rau má, tía tô, mùi tàu…

b) Kinh nghiệm tại phường Minh Khai, Q.Bắc Từ Liêm

Hà Nội với vai trò là thủ đô của cả nước, hiện đang là thành phố có tốc độ đô thị hóa cao nhất. Nhiều vùng ven đô, ngoại thành cũ nay được nằm trong quy hoạch của các khu vực đô thị, các trung tâm kinh tế, chính trị mới của thủ đô trong tương lai gần. Đô thị hóa đã mang lại nhiều yếu tố tích cực cho sự phát triển của khu vực này như hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật được đầu tư nâng cấp, khả năng tiếp cận của người dân với các tiện ích xã hội như văn hóa, y tế, giáo dục được nâng cao, thu nhập của người dân được cải thiện đáng kể… Tuy nhiên, đô thị hóa với tốc độ cao và mang tính tự phát cũng đã mang lại những ảnh hưởng tiêu cực đối  với khu vực ven đô, ngoại thành cũ của thành phố. Quá trình đô thị hóa diễn ra đã dẫn đến sự phá vỡ cấu trúc làng xã đã được xây dựng từ lâu đời, làm mai một các yếu tố truyền thống. Đô thị hóa cũng là nguyên nhân cho sự suy thoái và thất truyền của những làng nghề và nghề truyền thống cùng những sản phẩm đặc trưng, hay việc biến mất, thoái hóa của nhiều giống cây trồng đặc sản quý…

Trước đây không lâu, làng nghề ven đô chủ yếu vẫn là trồng lúa, bên cạnh đó còn sản xuất rau màu, hoa quả để cung cấp cho nội thành. Ngay cả những làng nghề khi chưa phát triển tập trung thành phường phố như ở những phố cổ thì hình ảnh làng quê cũng không khác là bao so với làng quê ở các tỉnh. Nhưng sau hơn 10 năm đô thị hóa, nhiều làng ngoại thành của Hà Nội đã bị đô thị hóa hoàn toàn, chỉ còn lại dấu tích của những đình chùa xưa như làng Nghĩa Đô.

Làng Minh Khai trước đây là một xã thuộc huyện Từ Liêm cũ, là khu vực có tốc độ phát triển cao nhất của thành phố Hà Nội. Từ lâu địa danh này đã nổi tiếng với hai loại trái cây đặc sản là cam Canh và bưởi Diễn. Theo định hướng Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg, Minh Khai là một làng nằm trong hành lang sông Nhuệ.

Tuy nhiên, ngày 27/12/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 132/NQ-CP theo đó huyện Từ Liêm được tách thành quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm, xã Minh Khai theo đó trở thành phường Minh Khai, Quận Bắc Từ Liêm. Như vậy, có thể thấy trong tương lai tại đây sẽ là nơi diễn ra sự tranh chấp một cách rất mạnh mẽ giữa nông thôn và đô thị.

Minh Khai có các đặc điểm về hiện trạng sử dụng đất, kinh tế xã hội,lao động như sau: Với những đặc trưng nêu trên việc đưa Minh Khai trở thành một”Làng đô thị” theo định hướng phát triển nông nghiệp đô thị đặc thù với hai loại trái cây đặc sản  là rất thuận lợi. Tuy nhiên, từ lâu, nông nghiệp là mô hình kinh tế cho giá trị sản xuất thấp nhất trong các mô hình sản xuất. Chính vì vậy, để tạo động lực phát triển, chúng ta cần phải có giải pháp nâng cao giá trị cho nông nghiệp mà ở đây việc kết hợp giữa phát triển nông nghiệp với du lịch nông thôn là một giải pháp phù hợp.

Mô hình chung đề xuất như sau:

Phát triển kinh tế Minh Khai bằng mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hiện đại kết hợp thương mại dịch vụ và du lịch nông thôn, cụ thể: Tập trung phát triển hai loại cây ăn quả đặc sản cam Canh và bưởi Diễn theo hướng công nghiệp hiện đại kết hợp phát triển du lịch nông thôn và các dịch vụ kèm theo như: Nghỉ dưỡng cuối tuần, ẩm thực…Trong đó phát triển cân đối hài hòa, giữa hai mô hình trồng trọt theo dạng cá thể và tập trung.

- Ngoài việc phát triển hai loại cây trồng đặc sản trên, cần tổ chức xen canh một số loại cây trồng đang cho hiệu quả kinh tế cao như hoa, rau sạch để nhằm tạo ra sự phong phú, đa dạng về hệ sinh thái nông nghiệp.

- Phát triển mô hình du lịch nông nghiệp: Du lịch nông thôn kết hợp hưởng thụ sản vật địa phương. Trong đó, nghiên cứu việc liên kết với các trung tâm văn hóa, du lịch khác nhằm tạo thành hệ thống tuyến du lịch phong phú, đa dạng.

- Đưa ra sản phẩm du lịch được chế biến từ những đặc sản của địa phương.

- Đối với công tác quy hoạch xây dựng cần thực hiện những giải pháp sau:

+ Khoanh vùng cải tạo, quản lý đối với khu vực làng xóm hiện trạng nhằm hạn chế gia tăng mật độ cư trú ở khu vực này đồng thời bố trí quỹ đất ở mới đáp ứng cho sự phát triển, gia tăng dân số

+ Khoanh vùng chức năng cho đất sản xuất nông nghiệp với các loại hình chức năng sử dụng đất khác nhằm đảm bảo quỹ đất cho sản xuất nông nghiệp.

+ Bố trí các hạng mục công trình hạ tầng xã hội đầy đủ theo tiêu chuẩn đô thị

+ Tổ chức thêm không gian trưng bày, giới thiệu các sản vật địa phương.

+ Quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

c) Mô hình trồng rau sạch quận Long Biên

Quận Long Biên là một trong những quận đứng đầu của thành phố Hà Nội thành công trong việc lựa chọn mô hình trồng rau sạch cung cấp cho thị trường tiêu dùng của thành phố.

Những vấn đề mà Hợp tác xã (HTX) đã làm được:

- Lựa chọn vấn đề cốt lõi để can thiệp

+ Xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế hợp tác kiểu mới của nông dân để giải quyết vấn đề sản xuất kinh doanh theo chuỗi, nền tảng để thích ứng với kinh tế thị trường về hội nhập.

+ Nâng cao năng lực kỹ thuật và quản lý kinh doanh cho nông dân thu nhập thấp thông qua các nhóm/tổ hợp tác, hợp tác xã.

+ Nâng cao năng lực tiếp cận thị trường bao gồm quảng bá sản phẩm và đa dạng hóa các kênh phân phối tới người tiêu dùng nhằm tăng thêm giá trị thặng dư cho người sản xuất và an toàn cho người tiêu dùng.

- Đào tạo cho cán bộ nòng cốt của HTX

- Tuyên truyền trong cộng đồng về HTX 2012

Qua ví dụ thực tế của thành phố Hà Nội cho thấy những vấn đề gặp phải như sau:

- Vấn đề cơ bản về quyền sở hữu đất đai hiện tại là rào cản lớn nhất không thu hút được nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất thực phẩm hữu cơ công nghệ cao.

- Thiếu chính sách và biện pháp cụ thể cho việc hỗ trợ hình thành và phát triển mô hình kinh tế hợp tác (HTX đã lúng túng càng thêm thiếu động lực)

- Chất lượng nguồn nhân lực thiếu và yếu cả về cán bộ quản lý và người lao động

- Thiếu cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm về khu vực kinh tế tập thể vừa có chuyên môn vừa có đầy đủ thẩm quyền giải quyết các vấn đề của HTX.

2. Mô hình trồng rau an toàn TP.HCM

Trong bối cảnh trồng lúa sản xuất không hiệu quả do giá trị kinh tế thấp và thường xuyên bị thiên tai dịch bệnh hoành hành, các hộ dần chuyển sang sản xuất rau an toàn do vốn đầu tư ít và thời gian sản xuất ngắn nên hiệu quả cao. Tuy nhiên, do sản xuất cá thể nên gặp nhiều khó khăn khi tiêu thụ sản phẩm, lúc rau có giá cao thì thương lái kiếm mua, thị trường xuống giá thì thương lái không mua đành đổ cho cá ăn. Trước tình hình đó, nhiều hộ nông dân đã liên kết lại với nhau, từ đó nhiều HTX và tổ hợp tác ra đời. Các hình thức liên kết này đã mang lại hiệu quả cao từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ.

Một trong những mô hình điển hình có thể nhắc đến trên địa bàn thành phố là HTX Phước An. Được thành lập vào năm 2006 tại huyện Bình Chánh, tiêu chí hoạt động của HTX là nói không với cách làm ăn dối trá, gây hại cho sức khỏe cộng đồng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, Chi Cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Tư vấn hỗ trợ nông nghiệp, Trạm Khuyến nông Bình Chánh… đã quan tâm hỗ trợ, cử các chuyên viên tập huấn cho bà con nông dân sản xuất rau an toàn, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, có kiểm tra giám sát chặt chẽ, hướng dẫn cụ thể cho nông dân để đảm bảo cây rau không còn tồn đọng bất kỳ chất gì gây nguy hại sức khỏe người tiêu dùng. Đồng thời, kiểm tra nguồn nước phải sạch đảm bảo không có vi khuẩn gây bệnh; nếu còn tồn đọng các chất nguy hại thì HTX tuyệt đối không nhập lô hàng đó để xuất ra thị trường.

Ngoài ra, HTX thường xuyên được chính quyền hỗ trợ nguồn vốn khoảng 20% triệu đồng/hộ với lãi suất 0,6%/tháng mà không cần thế chấp. Khoảng một thời gian ngắn, các hộ nông dân đã dần dần hình thành nên thói quen sản xuất rau an toàn. Họ luôn ghi nhật ký kiểm tra đồng ruộng và bám sát theo cây rau, cũng từ đó mà gây được lòng tin đối với khách hàng. Các siêu thị lớn của TP.HCM như CoopMart, Metro, Vinatex Mart… cũng ngày càng đặt hàng nhiều hơn.

Tính đến năm 2011, HTX đã hoạt động được 4 năm, số xã viên từ 7 tăng lên 15 người; vốn ban đầu từ 11,5 triệu đồng lên 146,5 triệu đồng. Từng bước HTX sẽ củng cố và mở rộng hợp tác với các đối tác lớn hơn để đưa cây rau an toàn đến cộng đồng. HTX thường xuyên được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mời tham gia các báo cáo mô hình nông nghiệp đô thị tại nhiều địa phương.

3. Nông nghiệp đô thị (NNĐT) ở Bình Dương

Bình Dương là một trong những tỉnh có tốc độ đô thị hóa cao nhất nước. Chính vì thế, nông nghiệp đô thị sớm được tỉnh quan tâm, giá trị sản xuất nông nghiệp vẫn liên tục tăng cao. Có thể lấy thành phố Thủ Dầu Một làm ví dụ điển hình cho những bước phát triển mạnh mẽ của nông nghiệp đô thị.

Do quá trình đô thị hóa, diện tích đất nông nghiệp của thành phố chỉ còn khoảng 2.655ha, chiếm 22% diện tích đất tự nhiên và chỉ còn 4.118 lao động phục vụ cho nông nghiệp.

Tuy nhiên, giá trị nông lâm-thủy sản của thành phố đạt 50,6 tỷ đồng, giá trị sản lượng bình quân trên 1ha canh tác/năm đạt đến 69,4 triệu đồng. Đây là nỗ lực chuyển dịch từ cây có giá trị kinh tế thấp chuyển sang cây có giá trị kinh tế cao phù hợp với sản xuất nông nghiệp đô thị như trồng rau mầu, hoa lan, cây cảnh, vườn cây ăn quả… Các hộ dân chăn nuôi nhỏ lẻ cũng đã chuyển sang chăn nuôi tập trung với mô hình lớn hơn ở hộ gia đình và trang trại (phát triển theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp).

4. Nông nghiệp đô thị ở Đà Nẵng

Đà Nẵng là một trong những địa phương có những mô hình nông nghiệp đô thị khá độc đáo. Mấy năm gần đây, nhất là khi chỉ thị của UBND TP Đà Nẵng về cấm nuôi gia súc, gia cầm ở khu vực nội thị có hiệu lực, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng – vật nuôi diễn ra khá sôi động.

Thành quả đáng kể nhất là nghề làm sinh vật cảnh,  trồng rau mầm, nấm ăn phát triển nhanh, tạo ra sản phẩm có giá trị. CŨng từ đây, hàng trăm nông dân tiếp cận với nghề trồng hoa, cây cảnh và có cơ hội làm giàu. Trung tâm khuyến ngư-nông-lâm Đà Nẵng cùng Phòng Kinh tế quận Hải Châu đã mở hàng chục lớp tập huấn kỹ thuật cho nông dân. Nhờ vậy, mô hình trồng hoa cây cảnh ở Đà Nẵng phát triển rất nhanh. Hiện quận, huyện nào cũng có Hội Sinh vật cảnh và khu trưng bày sản phẩm. Có hộ trồng tới 10.000 chậu cúc/vụ, hơn 5.000 gốc mai cảnh, thu nhập 300-400 tỷ đồng/năm. Ngoài nghề trồng hoa, cây cảnh, việc sản xuất rau xanh phục vụ cho thành phố cũng được ưu tiên phát triển và mang lại hiệu quả cao.

5. Nông nghiệp đô thị ở tại Đà Lạt (Lâm Đồng)

Không chỉ mang lại lợi ích xã hội, nông nghiệp đô thị còn mang lại lợi ích kinh tế khá lớn. Ở vị trí cửa ngõ thành phố Đà Lạt, xã Hiệp An có lợi thế về giao thông, thủy lợi, đất đai phì nhiêu… Thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp công nghệ cao, từ năm 2004, xã Hiệp An được tỉnh đầu tư xây dựng các mô hình thí điểm trồng rau, hoa trong nhà kính, nhà lưới.

Hàng trăm hecta đất trồng lúa của xã trước đây đã được chuyển sang trồng rau, hoa. Có  những hộ chuyên trồng các loại hoa cao cấp như lay ơn, đồng tiền, địa lan… thu nhập mỗi năm vài trăm triệu đồng. Trước đây, người nông dân chủ yếu trồng rau để bán cho thị trường nội địa, nhưng nay đã có rau thương phẩm chất lượng cao phục vụ xuất khẩu.

Trên đây là một số mô hình đã và đang phát triển, là những bài học tốt cho các đô thị khác của Việt Nam trong quá trình hình thành phát triển mô hình kinh tế cho khu vực vùng ven bền vững.

Kiến nghị cho các đô thị khác

- Thành phố nên rà soát, bổ sung, sửa đổi để có bộ chính sách hỗ trợ cả về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật canh tác, ứng dụng công nghệ cao, chính sách tài chính để khuyến khích kinh tế HTX phát triển, coi đó là khoản đầu tư hạ tầng cho thành phố, vừa bảo đảm an sinh xã hội, vừa an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng, môi trường sinh thái.

- Có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp hoặc liên kết với các HTX, nhóm hợp tác để tổ chức sản xuất cung ứng sản phẩm nông nghiệp xanh đô thị tại chỗ, thay vì du nhập bên ngoài không kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng…

- Thành phố có chính sách bình đẳng để khuyến khích HTX, tổ chức và hộ nông dân tham gia thị trường bằng nhiều hình thức khác nhau. Tạo ra những cụm bán hàng cho các nhà sản xuất này, giúp họ tạo dựng danh tiếng, thương hiệu, không những không ảnh hưởng tới cảnh quan môi trường mà trái lại còn tạo ra nét riêng, độc đáo, tô thêm vẻ đẹp phồn hoa cho từng vùng đô thị.

- Thành phố nên tổ chức một cơ quan chuyên trách có đủ thẩm quyền, đáp ứng cả về chuyên môn quản lý và kỹ thuật, tài chính…để trực tiếp quản lý và hỗ trợ cho mô hình HTX kiểu mới phát triển.

 

Nguồn: Tạp chí Quy hoạch Xây dựng, Số 103+104/2020

 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)