Khu vực ven đô thành phố lớn ở Việt nam là các khu vực thuộc huyện/ xã nằm xung quanh đô thị lõi trung tâm thành phố lớn, có quy mô và mật độ dân cư tương đương tiêu chuẩn đô thị. Là khu vực giao thoa của nông thôn và thành thị, các khu vực ven đô có vai trò là nơi cung cấp nguyên vật liệu, nhu yếu phẩm cho đô thị; là khu vực dự trữ phát triển đô thị; là vùng sinh thái điều hòa môi trường và thoát nước cho đô thị; có nhiều đầu mối hạ tầng kinh tế - kỹ thuật cấp quốc gia và vùng. Khu vực ven đô thành phố lớn có nhiều nét đặc trưng đô thị như mật độ cao, quy mô cụm dân cư lớn, có nhiều hoạt động đầu tư và sản xuất phi nông nghiệp, là khu vực có nhiều biến động, nhiều cơ hội để phát triển kinh tế, phát triển đô thị. Tuy nhiên, hiện nay, do một số bất cập trong các tiêu chí nhận diện, quản lý khu vực này đang phải đối diện với nguy cơ thiếu hạ tầng kỹ thuật và xã hội, ô nhiễm môi trường, không gian cảnh quan tự nhiên bị xâm lấn.
Mặc dù có nhiều đặc điểm đô thị, khu vực ven đô đang được quản lý theo hệ thống pháp luật quy định cho nông thôn. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với Bộ 19 tiêu chí nông thôn mới đặt ra hệ thống khung chỉ tiêu để các địa phương phấn đấu thực hiện nhằm từng bước xây dựng và phát triển nông thôn toàn diện về kinh tế, xã hội, môi trường. Tuy nhiên, Bộ tiêu chí chưa phù hợp với đặc trưng phát triển mang nhiều tính đô thị của khu vực ven đô. Vì vậy, cần phải điều chỉnh Bộ tiêu chí để phufhowpj với yêu cầu mới trong quản lý đô thị, đảm bảo tầm nhìn phát triển, tránh đầu tư lãng phí và phòng ngừa các rủi ro về ô nhiễm môi trường và dịch bệnh.
1. Cơ sở điều chỉnh tiêu chí nông thôn mới vùng ven đô thành phố lớn
a) Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020:
Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 là cơ sở để đánh giá công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn vừa qua. Bộ tiêu chí được chia thành 5 nhóm gồm 19 tiêu chí, chia thành 49 tiêu chí nhỏ thành phần.
Mỗi tiêu chí được quy định phù hợp cho mức độ phát triển khác nhau của 7 vùng trên cả nước. Trong số 49 tiêu chí thành phần, có 13 tiêu chí mang tính linh hoạt, do UBND cấp tỉnh quy định cụ thể để phù hợp với điều kiện thực tế và nhu cầu phát triển của địa phương. Trong 36 tiêu chí còn lại, 10 tiêu chí có sự phân biệt giữa các vùng miền, trong đó Vùng Đồng bằng Sông Hồng và Vùng Đông Nam bộ đều cao hơn các vùng khác, đây là 2 vùng có đô thị đặc biệt trực thuộc Trung ương, có nhiều khu vực nông thôn mật độ cao mang đặc trưng đô thị. Như vậy, Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 xây dựng hệ thống khung cho việc định hướng phát triển nông thôn cả nước. Tại mỗi vùng cụ thể, các chỉ tiêu đã được thay đổi hoặc cho phép điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với trình độ phát triển KT-XH, với điều kiện tự nhiên, môi trường và tập quán văn hóa của địa phương.
b) Bộ tiêu chí xã hội đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao thành phố Hà Nội giai đoạn 2018-2020
Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao thành phố Hà Nội giai đoạn 2018-2020 được xây dựng dựa trên khung của Bộ tiêu chí Hà Nội được phân thành 6 nhóm, có 1 nhóm riêng cho cảnh quan – môi trường, được tách ra từ nhóm văn hóa – xã hội – môi trường và phát triển thành 75 tiêu chí chi tiết. Các tiêu chí bổ sung và thay đổi theo hướng: (1) Thêm các yêu cầu về quy chế quản lý, sử dụng bảo đảm sử dụng hiệu quả và bền vững các công trình; (2) Bổ sung các tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội nhằm tiếp cận với các tiêu chuẩn đô thị, đặc biệt là hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật đảm bảo đầu tư có tầm nhìn dài hạn tránh lãng phí; (3) Bổ sung các hoạt động thương mại mang tính đô thị; (4) Với các hoạt động sản xuất nông nghiệp đang tổn tại, nâng cao tiêu chí về vệ sinh môi trường và bổ sung các tiêu chí về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; (5) Về cảnh quan và môi trường; ô nhiễm môi trường là vấn đề lớn nhất hiện nay tại các vùng ven đô, bộ tiêu chí đã bổ sung nhiều nội dung để hướng tới bảo vệ môi trường; (6) Bổ sung tiêu chí về hành chính công nhằm quản lý, vận hành khu vực nông thôn nhưng có nhiều hoạt động, nhiều vấn đề phức tạp tương tự đô thị.
c) Nghị quyết về phân loại đô thị số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của ủy ban Thường vụ Quốc hội
Khu vực nông thôn ven đô có các yếu tố đô thị xét cả về mặt pháp lý và thực tiễn. Tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 có 8 chỉ tiêu dành cho khu vực ngoại thị cần so sánh để lồng ghép trong hệ thống tiêu chí nông thôn mới ven đô; có 12 tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị áp dụng đối với khu vực dự kiến thành lập phường và 24 tiêu chuẩn về trình độ phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị áp dụng đối với khu vực dự kiến thành lập quận có thể nghiên cứu để lồng ghép một số tiêu chí (đặc biệt là các tiêu chuẩn liên quan đến công trình hạ tầng và bảo vệ môi trường) vào Bộ tiêu chí nông thôn mới ven đô để đảm bảo các tiêu chuẩn phù hợp và thúc đẩy quá trình phát triển của khu vực theo hướng đô thị hóa.
- Đối với khu vực dự kiến thành lập phường (liên quan đến đối tượng nghiên cứu xã nông thôn mới): Có 6 tiêu chuẩn liên quan đến đất/ công trình dịch vụ công cộng (các tiêu chuẩn này nếu chưa thực hiện được cũng nên chuẩn bị đất đai dự trữ cho phát triển trong tương lai); 4 chỉ tiêu liên quan đến cấp nước sạch và vệ sinh môi trường (các tiêu chuẩn này đều hết sức cần thiết để bảo vệ môi trường và tạo điều kiện sống tốt, vì vậy, cần lồng ghép vào tiêu chí nông thôn mới ven đô để thực hiện ngay)
- Đối với khu vực dự kiến thành lập quận (liên quan đến đối tượng huyện nông thôn mới): Các tiêu chuẩn liên quan đến hạ tầng xã hội cần từng bước phát triển nông thôn theo tiêu chuẩn đô thị và dự trữ đất đai cần thiết trong tương lai; Tiêu chuẩn về hạ tầng kỹ thuật đô thị như tiêu chuẩn về đất giao thông cần chuẩn bị đất đai để đầu tư dần từng bước, với tiêu chuẩn cấp nước sạch cần được thực hiện ngay; Nhóm các tiêu chuẩn về môi trường như xử lý nước thải, thu gom chất thải rắn, hỏa táng, cây xanh công cộng nên được đưa vào quy định để thực hiện ngay đối với khu vực ven đô.
Rà soát các tiêu chí, tiêu chuẩn liên quan đến phát triển khu vực ven đô cho thấy xây dựng Tiêu chí nông thôn mới cho khu vực ven đô cần được xem xét các khía cạnh sau: ven đô là khu vực có quy mô và mật độ dân cư cao như đô thị, nên sẽ phải đối mặt với các vấn đề của đô thị; thường nằm trong vùng ngoại thành, ngoại thị của đô thị lớn nên cần đáp ứng các tiêu chí đối với khu vực ngoại thành/ngoại thị; là khu vực có nhiều triển vọng thành phường/quận trong tương lai, nên cần xem xét các tiêu chí “cứng” để đầu tư sớm đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị, tránh hậu quả không còn cơ hội mở rộng,phát triển khi khu vực trở thành đô thị.
2. Nguyên tắc xây dựng tiêu chí phát triển bền vững vùng ven đô
a) Kinh tế
Khu vực ven đô có kinh tế phát triển cao hơn mức trung bình của nông thôn với đặc thù tỷ lệ lao động phi nông nghiệp cao. Ngay cả những hoạt động nông nghiệp cũng chứa đựng các yếu tố phi nông nghiệp như đem lại giá trị du lịch, cảnh quan, dịch vụ và hạ tầng. Do vậy, các chỉ tiêu về kinh tế của khu vực ven đô cần phản ánh được và đồng thời là định hướng để phát triển khu vực ven đô theo hướng đô thị hóa, bao gồm các chỉ tiêu về thu nhập, hộ nghèo, lao động có việc làm và phương thức sản xuất.
b) Xã hội
Tiêu chí xã hội hướng tới đảm bảo môi trường có điều kiện sống tốt bằng cách gia tăng cung cấp các dịch vụ như y tế, giáo dục, nhà ở. Tăng cường các không gian công cộng,kết nối hài hòa các khu vực phát triển mới với các làng xóm hiện hữu.
c) Môi trường
Do khu vực ven đô có nhiều biến động, các hoạt động xây dựng phát triển mới là nguy cơ phá vỡ hệ sinh thái tự nhiên nên cần kiểm soát bảo vệ hệ sinh thái, khung thiên nhiên của vùng và giảm tác hại đến môi trường, bảo vệ nguồn nước.
Khu vực ven đô với đặc thù mật độ cao, các hoạt động dân sinh xen lẫn các hoạt động sản xuất cả phi nông nghiệp (công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp,làng nghề) và nông nghiệp (chăn nuôi, trồng trọt), đều có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, cần đặc biệt nâng cao các tiêu chí về bảo vệ môi trường.
d) Hạ tầng
Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng quan trọng như giao thông, thoát nước, nghĩa trang bằng giải pháp dự trữ đất đai và từng bước đầu tư xây dựng tiệm cận với tiêu chuẩn đô thị.
3. Đề xuất Bộ tiêu chí nông thôn mới khu vực ven đô
Trên cơ sở kế thừa Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, tham khảo Bộ tiêu chí nông thôn mới của các thành phố lớn, đánh giá các yêu cầu mang tính đặc thù của khu vực, Bộ tiêu chí nông thôn mới khu vực ven đô được đề xuất với các chỉ tiêu về kinh tế, văn hóa, xã hội đạtmức cao của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; bổ sung các chỉ tiêu dựa trên Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13, ngày 25/5/2016 tập trung vào nâng cao chất lượng và quy mô hệ thống hạ tầng kỹ thuật, không gian công cộng, bảo vệ không gian tự nhiên và môi trường, nhằm định hướng phát triển khu vực theo tiêu chuẩn đô thị cụ thể như sau:
A. Bộ tiêu chí xã nông thôn mới ven đô:
Kết cấu thành 6 phần gồm Quy hoạch; Hạ tầng kinh tế - xã hội; Phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống nông dân; Giáo dục – y tế - văn hóa; Cảnh quan – môi trường; Hệ thống chính trị - quốc phòng, an ninh – hành chính công. Những tiêu chí sửa đổi/bổ sung so với Quyết định 1980/QĐ-TTg (xem bảng 1)
TT
|
Tên tiêu chí
|
Nội dung tiêu chí
|
Chỉ tiêu 1980/QĐ-TTg
|
Chỉ tiêu sửa đổi
|
(1) QUY HOẠCH
|
1
|
Quy hoạch
|
1.2.Ban hành và thực hiện Quy chế quản lý quy hoạch; Quy chế quản lý, sử dụng, kế hoạch duy tu, bảo trì, nâng cấp bảo đảm sử dụng hiệu quả các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đã được đầu tư.
|
|
Đạt
|
|
|
1.3. Hoàn thành việc cắm mốc chỉ giới các công trình hạ tầng theo quy hoạch được duyệt
|
|
Đạt
|
(2) HẠ TẦNG KINH TẾ - XÃ HỘI
|
2
|
Giao thông
|
2.1. Đường trục xã, liên xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện được nhựa hóa hoặc bê tông hóa theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm, lộ giới đường tiệm cận tiêu chuẩn đô thị.
|
|
100%
|
2.2. Đường trục thôn, xóm, bản và đường liên thôn, xóm, bản được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm, lộ giới đường tiệm cận tiêu chuẩn đô thị.
|
|
100%
|
2.3. Đối với các tuyến đấu nối với hệ thống đường tỉnh, đường quốc lộ phải được bố trí đầy đủ báo hiệu giao thông, nếu có nguy cơ mất an toàn phải bố trí gồ giảm tốc đảm bảo an toàn giao thông theo quy chuẩn.
|
|
100%
|
2.4. Các tuyến đường: Trục xã, liên xã, đường trục thôn, xóm…trong khu vực dân cư phải được trồng cây xanh đảm bảo cảnh quan môi trường.
|
|
≥50%
|
2.6. Hệ thống rãnh thoát nước trục xã, liên xã, đường trục thôn, liên thôn, đường ngõ, xóm trong khu vực dân cư được đậy nắp đảm bảo chịu lực, đảm bảo an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.
|
|
100%
|
5
|
Trường học
|
5.2. Đất công trình giáo dục mầm non và THCS ≥2,7m2/người
|
|
Đạt
|
6
|
Cơ sở vật chất văn hóa
|
6.2. Các thôn, tổ dân phố, cụm dân cư có điểm vui chơi, giải trí và thể thao cho trẻ em và người cao tuổi theo quy định
|
UBND tỉnh
|
100%
|
6.3. Tỷ lệ thôn, cụm dân cư có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt văn hóa phục vụ cộng đồng
|
UBND tỉnh
|
100%
|
6.4. Xã có sân luyện tập thể thao tiêu chuẩn 0,5m2/người, kích thước >=3000m3/sân
|
|
Đạt
|
7
|
Hạ tầng thương mại nông thôn
|
7.1. Có chợ hoạt động phù hợp với nhu cầu của nhân dân, phù hợp với quy hoạch của thành phố.
|
UBND tỉnh
|
Đạt
|
7.2. Có mô hình siêu thị mini hoặc cửa hàng kinh doanh tổng hợp đạt chuẩn theo quy định
|
|
Đạt
|
7.3. Có kế hoạch nâng cấp, cải tạo chợ hàng năm của các đơn vị quản lý, kinh doanh, khai thác chợ trên địa bàn đảm bảo sử dụng hiệu quả các chợ nông thôn đã được đầu tư
|
|
Đạt
|
8
|
Thông tin và truyền thông
|
8.1. Xã có điểm phục vụ bưu chính
|
UBND tỉnh
|
Đạt
|
8.2.Xã có ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành
|
UBND tỉnh
|
Đạt
|
9
|
Nhà ở dân cư
|
9.2. Tỷ lệ hộ có nhà ở đạt chuẩn theo quy định
|
90%
|
≥95%
|
(3) PHÁT TRIỂN KINH TẾ NÔNG THÔN, NÂNG CAO ĐỜI SỐNG NÔNG DÂN
|
11
|
Hộ nghèo
|
Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều
|
≤1%
|
≤1%
|
13
|
Tổ chức sản xuất
|
13.3. Thực hiện cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp đối với cây trồng chủ lực của địa phương
|
|
Đạt
|
13.4. Xã có mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến sản phẩm an toàn, sạch, hoặc mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ
|
|
Đạt
|
(4)GIÁO DỤC – Y TẾ - VĂN HÓA
|
14
|
Giáo dục và đào tạo
|
14.2. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, trung cấp)
|
≥90%
|
≥95%
|
14.3. Tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo
|
≥45%
|
≥65%
|
15
|
Y tế
|
15.1. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế
|
≥85%
|
≥90%
|
15.2. Ty rleej trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao theo tuổi)
|
≤14%
|
≤13,5%
|
15.4. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi
|
|
≥95%
|
15.5. Quy mô trạm y tế là ≥500m2/trạm và phục vụ 5000 người/trạm
|
|
Đạt
|
(5) CẢNH QUAN MÔI TRƯỜNG
|
17
|
Môi trường và an toàn thực phẩm
|
17.1. Tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch theo quy định
|
≥98% (≥65% nước sạch)
|
≥98% (≥80% nước sạch)
|
17.2. Tỷ lệ cơ sở sản xuất – kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường
|
100%
|
100%
|
17.4. Mai táng phù hợp với quy định vè theo quy hoạch. Tỷ lệ người chết được hỏa táng ≥25%
|
UBND tỉnh
|
Đạt
|
17.5. Chất thải rắn trên địa bàn và nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất – kinh doanh được thu gom, xử lý theo quy định
|
Đạt
|
Đạt
|
17.6. Tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch
|
≥90%
|
≥95%
|
17.7. Tỷ lệ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường
|
≥80%
|
≥85%
|
17.9. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý theo quy định
|
|
≥85%
|
(6) HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ - QUỐC PHÒNG, AN NINH - HÀNH CHÍNH CÔNG
|
19
|
Quốc phòng, An ninh – Hành chính công
|
19.3. Thực hiện tốt các quy định của pháp luật về dân chủ sở hữu. Có các mô hình tự quản, liên kết bảo vệ an ninh trật tự hoạt động thường xuyên, hiệu quả
|
|
Đạt
|
19.5. Cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính
|
|
Đạt
|
(Bảng 1: Những tiêu chí sửa đổi/bổ sung so với Quyết định 1980/QĐ-TTg)
B.Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới ven đô:
Những tiêu chí sửa đổi/bổ sung so với Quyết định 558/QĐ-TTg (xem bảng 2)
TT
|
Tên tiêu chí
|
Nội dung tiêu chí
|
Chỉ tiêu theo 558/QĐ-TTg
|
Chỉ tiêu sửa đổi
|
1
|
Quy hoạch
|
Có quy hoạch xây dựng trên địa bàn huyện được phê duyệt Quy hoạch tích hợp các quy hoạch ngành trên địa bàn huyện
|
Đạt
|
Đạt
|
2
|
Giao thông
|
2.3. Mật độ đường giao thông khu vực xây dựng tập trung ≥10 (km/km2)
|
|
Đạt
|
5
|
Công trình công cộng
|
5.4. Đất xây dựng các công trình dịch vụ công cộng ≥4m2/người
|
|
Đạt
|
7
|
Môi trường
|
7.3. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom
|
|
≥80%
|
7.4. Tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng
|
|
≥20%
|
7.5.Có quy hoạch đất cây xanh công cộng trên địa bàn huyện
|
|
≥5m2/người
|
7.6.Tỷ lệ dân được cấp nước sạch hợp vệ sinh
|
|
≥95%
|
7.7. Tỷ lệ nước thải được xử lý đạt chuẩn kỹ thuật
|
|
≥40%
|
(Bảng 2: Những tiêu chí sửa đổi/bổ sung so với Quyết định 558/TTg)
4. Kết luận
Trên cơ sở đánh giá về đặc thù khu vực nông thôn ven đô, các phân tích đánh giá về những điểm không phù hợp của Bộ tiêu chí nông thôn mới cấp huyện (Quyết định 558/QĐ-TTg) và Bộ tiêu chí nông thôn mới cấp xã (Quyết định 1980/QĐ-TTg) nghiên cứu Bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao Hà Nội và các tỉnh khác, rà soát các chỉ tiêu phân loại đô thị tại Quyết định 1210/UBTVQH 16 cho khu vực ngoại thành, bài viết đã đề xuất sửa đổi Bộ tiêu chí nông thôn mới hiện hành, phù hợp với khu vực ven đô thành phố lớn nhằm quản lý phát triển khu vực ven đô hiệu quả và bền vững.
Bộ tiêu chí xã/huyện nông thôn mới ven đô sửa đổi sẽ là công cụ quan trọng để quản lý lập và thực hiện quy hoạch khu vực ven đô. Với bộ tiêu chí sửa đổi, khu vực ven đô sẽ được nhận diện đúng các cơ hội và thách thức trước mắt cũng như lâu dài và đặt ra các yêu cầu cần thực hiện, trong đó ưu tiên các nội dung bảo vệ môi trường (thu gom rác thải, xử lý nước thải), tăng tiện nghi đô thị (không gian công cộng, hạ tầng kỹ thuật, cây xanh, cấp nước) và bảo vệ không gian thoát nước tự nhiên.