Vùng ven đô là khu vực nằm giữa đô thị và nông thôn. Đây là đô thị mang cả đặc tính của đô thị và nông thôn. Như đã biết, đô thị và nông thôn có mối tương hỗ rất quan trọng không thể tách rời còn vùng ven đô chính là vùng đệm quan trọng kết nối và rút ngắn khoảng cách giữa đô thị và nông thôn với nhau.
Ngày nay, dưới tác động của đô thị hóa mạnh mẽ từ các trung tâm đô thị, các khu vực vùng ven đô cũng bị ảnh hưởng không kém và đang có những thay đổi về mọi mặt.
Theo kết quả cuộc tổng điều tra dân số năm 2019 của Tổng Cục thống kê, Việt Nam có tốc độ đô thị hóa nhanh chóng. “Toàn quốc có 12 tỉnh, thành phố có tỷ suất di cư thuần dương, nghĩa là người nhập cư nhiều hơn người di cư. Đa số người di cư phải sống trong các căn nhà thuê mượn…các khu vực phát triển khu công nghiệp thu hút người di cư nhiều nhất và cũng là có nơi tỷ lệ thuê mướn nhà cao nhất…” (tổng điều tra dân số và Nhà ở năm 2019). Việc di cư từ nông thôn lên thành thị đã tạo nên những thay đổi đang kể cho khu vực vùng ven. Khu vực này đòi hỏi phải vừa đáp ứng được nhu cầu tái định cư của người dân không chỉ từ ngoại thành mà còn trong nội thành. Hiện nay, dưới tác động của đô thị hóa, khu vực này đang có xu hướng phát triển theo phương đứng với mậtđộ dân số cao và trở thành nơi phát triển mở rộng của đô thị trong tương lai. Bên cạnh đó, việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan và văn hóa đặc trưng của khu vực vùng ven cũng là một vấn đề cấp thiết được đặt ra đặc biệt là đối với các nhà quản lý và quy hoạch đô thị.
Khu vực ven đô đóng vai trò rất quan trọng đối với đô thị. Theo nghiên cứu của giáo sư Michael Buxton thuộc trường Xã hội học và đô thị toàn cầu – Đại học RMIT Úc cho biết, vùng ven là khu vực duy trì cơ sở về tài nguyên thiên nhiên, cung cấp nhân lực, lương thực thực phẩm chủ yếu cho thành phố và giá trị này sẽ còn tăng lên dưới tác động của biến đổi khí hậu, sự gia tăng chi phí năng lượng và việc thay đổi mô hình tiêu thụ thực phẩm trong tương lai. Đứng trước thách thức đó, khu vực vùng ven cần phải có những thay đổi cụ thể để vừa giữ vững được vai trò truyền thống của mình vừa đáp ứng với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng như ngày nay.
Bài viết hy vọng sẽ đem lại cái nhìn mới về những triển vọng và thách thức mà khu vực này phải đối mặt trong tương lai, cũng như mong muốn có được sự quan tâm đúng mực cần có của chính quyền và các chuyên gia quy hoạch về vấn đề phát triển khu vực ven đô tại Việt Nam.
Bối cảnh đô thị hóa vùng ven đô và những cảnh báo của LHQ
Theo báo cáo về Triển vọng đô thị hóa thế giới năm 2018 của Liên Hợp Quốc, đến năm 2030 thế giới sẽ có 55% dân số sống ở khu vực thành thị, và tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng lên 68% vào năm 2050. Dwjddosn trên cho thấy đô thị hóa kết hợp với sự tăng trưởng chung của dân số thế giới có thể tăng thêm 2,5 tỷ người nữa vào các đô thị vào năm 2050. Trong đó, gần 90% mức tăng dân số tập trung ở khu vực châu Á và châu Phi. Cho đến nay, mặc dù chưa có sự đồng thuận về mặt địnhnghĩa (học thuật) của vùng ven đô, nhưng ngày càng nhận thấy rằng các đặc điểm nông thôn và thành thị có xu hướng cùng tồn tại trong các thành phố và có sự giao thoa lẫn nhau. Nguyên nhân một phần vì các khu vực này đều có xu hứng mở rộng, phát triển theo phương ngang và chúng được coi là phần mở rộng của các khu đô thị chính. Ngoài ra, do sự phân tán dân số và bố trí việc làm trải ra các khu vực mới phát triển của đô thị, nên hiện tượng đô thị hóa vùng ven đang ngày càng trở nên phổ viến và là một thách thức mới trong bối cảnh đô thị châu Á mới. Các thành phố lớn của Châu Á luôn có nhu cầu lớn về đất đai và tài nguyên thiên nhiên, nơi mà sự tăng trưởng dân số cơ học và phát triển đô thị đang dẫn tới quá trình mở rộng khu ngoại ô. Tinh trung bình, dân số các đô thị châu Á tăng hơn 45 triệu người mỗi năm, dẫn đến việc chuyển đổi 10km2 đất nông nghiệp sang sử dụng cho đô thị. Chẳng hạn, trường hợp TP.HCM của Việt Nam, số liệu thống kê mới nhất năm 2019 cho thấy dân số của TP.HCM tăng thêm 1 triệu người sau mỗi 5 năm. Có nghĩa, trung bình mỗi năm TP.HCM có thêm 200.000 cư dân mới, tương đương một đô thị nhỏ (UBND TP.HCM, 2019). Các khu vực mở rộng và chuyển đổi chức năng sử dụng nêu trên nằm trong vùng ven đô, là khu vực chuyển tiếp cho các hoạt động đô thị và nông thôn, có thể được kết nối với nhau hay không sẽ hoàn toàn do các hoạt động của con người gây ra và có tính quyết định về sau này.
Các khu vực ven đô thị nằm ngoài phạm vi pháp lý của các thành phố và thậm chí nằm ngoài phạm vi quyền lực pháp lý của các chính quyền địa phương vùng ven. Do đó, việc điều hành và quản lý các khu vực ven đô thường bị các nhà quản lý quận huyện và thành thị bỏ qua, hay đơn giản là không kiểm soát được. Do đó, cần thiết phải xem xét và phân định rõ ràng quyền điều hành quản lý khu vực vùng ven này thuộc về chính quyền khu vực quận huyện ngoại thành hay chính quyền đô thị. Để từ đó, có cách ứng xử các vấn đề phát triển đô thị và cách tiếp cận đối với các khu vực ven đô một cách phù hợp và hiệu quả.
Tương lai Thành thị - Nông thôn tại châu Á
Những thách thức của quá trình đô thị hóa đang diễn ra đang trở thành vấn đề được các nhà hoạch định chính sách quan tâm. Theo một cuộc khảo sát do Liên Hợp Quốc thực hiện, phần lớn các nhà hoạch định chính sách chống lại quá trình đô thị hóa và thích kiềm chế thủy triều đô thị vì nó mang đến quá đông người tập trung, tội phạm, bạo lực đường phố và truyền bệnh nhanh chóng.
Nền kinh tế của vùng ven đô đóng góp đáng kể vào việc xóa đói giảm nghèo, đóng một vai trò quan trọng để đảm bảo mối liên kết giữa nông thôn và thành thị, cung cấp tài nguyên thiên nhiên cho thành phố trung tâm, nơi diễn ra nhiều hoạt động kinh tế và cũng là đất để mở rộng. Quá trình đô thị hóa, mở rộng và sự đa dạng trong việc tiếp cận các nguồn tài nguyên đã tạo ra sự chênh lệch lớn trong bối cảnh vùng ven đô. Sự phát triển bền vững bền vững của các khu vực đô thị ven đô đang bị đe dọa vì hiện tại họ đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về suy thoái môi trường, bao gồm chuyển đổi đất đai, tạo việc làm và cung cấp dịch vụ xã hội và tính dễ bị tổn thương của các cộng đồng ven đô. Ngoài ra, năng lực điều hành còn chưa kịp cập nhật mô hình mới này của chính quyền các địa phương cũng có thể góp phần làm cho vấn đề khó khăn hơn. Vì vậy, việc duy trì các khu vực chuyển đổi có hàm chứa các đặc điểm độc đáo của địa phương để đưa ra chính sách phát triển bền vững là một nhiệm vụ đầy thách thức.
Thực tế, các khu vực chuyển đổi, hay còn gọi là các vùng chuyển đổi, vùng đệm nằm trên con đường lan tỏa của quá trình đô thị hóa ra các vùng xung quanh theo dạng thức xâm lấn, “vết dầu loang”. Đây cũng là khu vực thường được người di cư tới trung tâm đô thị tìm sinh kế. Vì vậy, vùng ven đô cũng là nơi chứng kiến tính chất “quá độ” của các mô hình sống, lối sống của cả nông thôn và đô thị pha trộn lẫn nhau… Những vùng ven đô như vậy thường không ổn định, mà có tính dịch chuyển ra phía ngoài sau một thời kỳ đô thị hóa lan tỏa và “thôn tính” những vùng ven đô cũ.
Do đó, trong tình hình sắp tới, các đô thị châu Á cần tích cực thúc đẩy phổ biến các nghiên cứu và hợp tác đô thị hóa châu Á giữa các trường đại học và tổ chức nghiên cứu châu Á, thậm chí tham vấn cả Chính phủ, để đảm bảo một tương lai bền vững ở thành thị và nông thôn.
Hội thảo ARCP với chủ đề Đô thị hóa vùng ven đô và triển vọng tổ chức ARCP 2021 tại Việt Nam
Hội thảo quốc tế khu vực châu Á về đô thị hoá khu vực ven đô là hội thảo thường niên được tổ chức lần đầu tại Đại học Đồng Tế, Thượng Hải (Trung Quốc) năm 2017, lần thứ 2 tại Đại học Busan, Hàn Quốc năm 2018.
Hội thảo quốc tế khu vực châu Á lần thứ 3 về đô thị hóa ven đô được tổ chức bởi 3 Trường đại học: Trường quy hoạch và kiến trúc, Bhopal (Ấn Độ), Trường Kiến trúc và Quy hoạch đô thị, Đại học Tongji (trung Quốc), và Khoa Kiến trúc, Đại học Quốc gia Pusan (Hàn Quốc). Hội thảo diễn ra từ ngày 17-20/12/2019 tại Trường Quy hoạch và Kiến trúc, Bhopal, Ấn Độ.
Mỗi kỳ hội thảo đã trở thành một không gian học thuật chung cho hơn 150 chuyên gia quốc tế đến từ các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Bangladesh, Philippins, Thái Lan, Việt Nam, Nhật Bản… tới tham dự. Các chuyên gia quốc tế đã tham gia đóng góp các giải pháp về các vấn đề phát triển đô thị khu vực vùng ven khá đa dạng và phong phú trên nhiều góc độ và khía cạnh chuyên môn. Từ các mô hình quy hoạch lý tưởng cho khu vực tới các vấn đề sử dụng đất,mật độ dân số, các vấn đề về môi trường, cơ sở hạ tầng, phân bố giao thông cho đến việc ứng dụng khoa học kỹ thuật mới để phát triển tiềm năng khu vùng ven đô thị.
Mục đích của Hội thảo quốc tế lần thứ 3 vừa qua là thúc đẩy hợp tác và nghiên cứu về đô thị hóa vùng ven khu vực châu Á giữa các trường đại học và tổ chức nghiên cứu trong khu vực, thậm chí tham vấn cả Chính phủ, để đảm bảo một tương lai bền vững ở thành thj và nông thôn. Các cuộc thảo luận trong hội thảo đã tập trung vào những vấn đề sau:
- Các đặc điểm và động lực của quá trình đô thị hóa tác động như thế nào đối với những biến đổi tại khu vực ven đô?
- Liệu các giải pháp, hình thức quản trị hay cơ cấu hành chính có thực sự hiệu quả để hướng tới tương lai phát triển bền vững của nông thôn và thành thị?
- Những khó khăn, thách thức và giải pháp để xây dựng đô thị- vùng ven và nông thôn bền vững tại khu vực châu Á?
- Làm thế nào để đạt được các kết quả mong muốn cho khu vực ven đô?
Về nội dung cụ thể, các nghiên cứu được chia sẻ theo những chủ đề như: Quy hoạch sử dụng đất/sự thay đổi sử dụng đất tại khu vực ven đô; Quản trị đô thị vùng ven đô, phối hợp giữa các cơ quan, sự tham gia của người dân, các chính sách, chương trình hành động và tác động của chúng; Sự thay đổi của khu vực ven đô dưới tác động công nghiệp hóa và các hoạt động kinh tế; Vùng thông minh; Kết nối, di chuyển và tiếp cận tới khu vực ven đô; Sức khỏe, tiện nghi, lãnh đạo và chiến lược; Môi trường; Cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ trong khu vực ven đô…
Sau ba lần tổ chức hội thảo, các ý kiến chuyên gia được trình bày và thảo luận cởi mở. Từ đó, một số các kết luận nhằm phát triển hoặc định hướng phát triển khu vực ven đô được các chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách, đại diện quản lý đô thị tiếp thu một cách nghiêm túc với mong muốn có thể tận dụng giá trị chất xám tại hội thảo vào công cuộc phát triển làm đẹp đất nước.
Tham gia hội thảo ARCP lần thứ 3 tại Ấn Độ có đại diện Trường Đại học Tôn Đức Thắng với tư cách khách mời và có bài diễn thuyết tại phiên hội nghị toàn thể. Đại diện Việt Nam tại hội thảo đã đóng góp vứi bạn bè quốc tế về trường hợp thực tiễn đô thị hóa vùng ven đô và giải pháp tại Việt Nam. Hơn thế nữa, với sự tin tưởng và kỳ vọng của toàn thể hội nghị, Hội thảo quốc tế khu vực châu Á về đô thị hóa lần thứ 4 được chính thức đề nghị tổ chức tại Việt Nam vào năm 2021. Trường đại học Tôn Đức Thắng TP.HCM dự kiến là chủ nhà cho sự kiện này, với kỳ vọng tạo diễn đàn trao đổi quốc tế về Đô thị hóa vùng ven đô khu vực châu Á, cũng như chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam. Hy vọng rằng đây sẽ là dịp tốt cho giới chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam và chính quyền địa phương chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi và định hướng phát triển bền vững cho các đô thị trong cả nước.
Kết luận
Khu vực ven đô là khu vực đóng vai trò rất quan trọng, là vùng đệm có tác dụng điều tiết mối quan hệ giữa đô thị và nông thôn. Dưới tác động của đô thị hóa nhanh chóng như hiện nay, các vấn đề về vùng ven cần được sớm mang ra thảo luận, tìm ra những giải pháp cụ thể để có những định hướng phát triển kịp thời. Đặc biệt đối với trường hợp vùng ven Việt Nam, cần tránh để các hệ quả không hay xảy ra trong đô thị lại tiếp tục lan ra khu vực vùng ven như: Ngập lụt, kẹt xe, ô nhiễm nghiêm trọng, hệ thống hạ tầng không đáp ứng được nhu cầu người dân, thiếu hụt lương thực – thực phẩm… Chính vì vậy, đối với nà quản lý, quy hoạch, cần có chiến lược đi tắt đón đầu để định hướng đô thị cũng như là bàn đạp thúc đẩy sự phát triển của khu vực nông thôn, tiến tới phát triển bền vững đất nước. Bên cạnh đó, việc giám sát và xúc tiến quá trình cũng rất cần thiết để đảm bảo đạt được kết quả như mong đợi. Sự tham gia tích cực từ nhiều thành phần xã hội đóng vai trò rất quan trọng. Ngoài sự đóng góp của người dân và các nhà đầu tư cũng là một lực lượng rất quan trọng. Trong thời gian tới, rất cần có sự cởi mở và chia sẻ thông tin giữa các bên để cùng hướng tới mục tiêu chung là phát triển đất nước phồn vinh giàu đẹp, là nơi đáng sống, đáng tự hào của người dân Việt Nam.