Giải pháp quy hoạch, kiến trúc sinh thái tại khu du lịch Cát Bà

Thứ sáu, 20/06/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
I. Đặt vấn đề Cách Hải Phòng 50km về phía Đông Bắc, với diện tích hơn 100km2, Đảo Cát Bà là một địa điểm du lịch nổi tiếng được UNESCO công nhận năm 2005 là khu “Dự trữ sinh quyển thế giới”. Để du lịch và kinh tế biển Cát Bà phát triển bền vững, vấn đề xác định một mô hình du lịch sinh thái đặc trưng và phù hợp với điều kiện tự nhiên là một trong những công việc đặc biệt cần thiết.

II. Giải pháp quy hoạch

1. Định hướng quy hoạch chung

Đảo Cát Bà là vùng kinh tế đặc biệt, có tiềm năng kinh tế biển và du lịch rất lớn. Do đó trong quy hoạch vùng, ngoài việc xác định vị trí, quy mô các điểm dân cư chính và hệ thống giao thông cơ bản, cần chú ý định hướng khai thác hợp lý hoạt động nghỉ mát, an dưỡng, du lịch sinh thái biển đảo theo hướng hợp lý và phát triển bền vững, cụ thể như:

- Tận dụng, phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật có sẵn trên bờ đảm bảo hậu cần, dịch vụ du lịch biển.

- Phát triển ra các đảo lân cận trên cơ sở chọn lọc trong vùng có cảnh quan đẹp, có điều kiện để phát triển du lịch.

- Trang thiết bị phương tiện phù hợp, hiện đại phục vụ du lịch đảm bào an toàn không ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường.

- Tổ chức tuyến du lịch thích hợp với nội dung phong phú để thu hút khách du lịch.

2. Quy hoạch hệ thống dịch vụ công cộng.

Du lịch sinh thái dựa vào thiên nhiên nhưng phải mang đậm tính đặc thù thông qua hệ thống các  công trình:

a. Hệ thống công trình ăn nghỉ ở khu trung tâm du lịch.

Khách du lịch theo tuyến, tour từ 4 - 8 giờ bán kính thăm quan khoảng 25km thường ăn nghỉ tại các trung tâm du lịch trên bờ. Vì vậy, hoàn toàn có thể sử dụng các dịch vụ công cộng của trung tâm Đảo Cát Bà.

b. Hệ thống công trình ăn nghỉ trên tuyến du lịch.

Vùng đảo rộng và đa dạng, giao thông chủ yếu bằng tàu thuyền và đi bộ nên trên những tuyến du lịch xa khu trung tâm trên 25km cần có các hệ thống dịch vụ công cộng vừa mang tính đặc thù cho từng tuyến để khách tham quan không cảm thấy đơn điệu, vừa phải hoà nhập với cảnh quan và không ảnh hưởng đến môi trường cảnh quan khu du lịch. Các hệ thống dịch vụ công cộng có thể nghiên cứu dựa trên các hướng sau:

- Hệ thống dịch vụ công cộng có quy mô nhỏ, chức năng tối thiểu, đảm bảo phục vụ nhu cầu cần thiết của du khách.

- Các dịch vụ công cộng hoàn toàn linh động, không cố định, công trình công cộng có thể kết hợp với nơi nghỉ ngơi, quy hoạch trên các đảo hoặc các công trình có kết cấu đơn giản quy hoạch ngay trên mặt biển theo kiểu sống của dân chài. Có thể là loại nhà cố định hoặc di động với nhiều tổ hợp xếp lại với nhau phong phú và đa dạng.

Tất nhiên, khi quy hoạch hệ thống dịch vụ công cộng nói chung, cần căn cứ vào yếu tố cung và cầu của thị trường và đặc biệt phải phù hợp với điều kiện tài nguyên sinh thái biển, sao cho quy hoạch không làm nghèo đi cảnh quan thiên nhiên, giá trị văn hoá truyền thống, mà còn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị tài nguyên, cảnh quan thiên nhiên thông qua các nghiên cứu các vấn đề như:

- Sử dụng tài nguyên thiên nhiên mặt nước, năng lượng mặt trời, gió...

- Quản lý và xử lý chất thải.

- Xây dựng các chính sách cụ thể để quản lý, phát triển du lịch.

3. Quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

a. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên bờ.

Quy hoạch nâng cấp, cải tạo, mở rộng và xây dựng mới đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật phải tận dụng được lợi thế vùng biển đảo và phù hợp với quy hoạch chung, tạo tiền đề phát triển du lịch và các ngành kinh tế khác.

- Hệ thống điện: xác định tính chất, công suất sử dụng điện của mạng điện chung cho từng khu vực. Có kế hoạch sử dụng các nguồn năng lượng sạch như ánh nắng, gió, sóng... để tạo ra nguồn điện năng.

- Hệ thống cấp nước: hiện nay việc cấp nước ở đảo Cát Bà chủ yếu dựa vào 3 nguồn nước chính nước máy từ trạm xử lý trên đảo, tàu chuyển vào từ đất liền, nguồn nước mưa dự trữ. Khi du lịch phát triển các nguồn nước này không đủ đáp ứng nhu cầu. Do đó cần khai thác các nguồn nước ngầm trong các vách núi.

- Hệ thống thoát nước và xử lý chất thải: thường được bố trí ở cuối hướng gió, xa nguồn nước và cách ly với khu vực nghỉ ngơi tắm biển và các tuyến du lịch. Đối với khu lưu trú trên đảo, nên có hình thức tập trung rác ở từng nhóm nhà hoặc theo khu vực.

Hệ thống thoát nước bẩn nên được thiết kế đi ngầm toàn bộ và thoát cùng mạng lưới thoát nước chung của đảo.

- Giao thông và thông tin liên lạc: sử dụng và nâng cấp hệ thống giao thông, thông tin sẵn có.

b. Hạ tầng kỹ thuật trên rừng – biển.

- Phương tiện giao thông: Có nhiều lợi thế của điều kiện địa hình, nên du lịch sinh thái rừng – biển rất có lợi thế về vận tải đường biển và đường bộ với các phương tiện hiện đại và đa dạng nhưng không phá vỡ giá trị cảnh quan, môi trường.

Từ trung tâm đón tiếp có các phương tiện vận tải nhỏ kết hợp là nơi ăn nghỉ đến các điểm du lịch sinh thái.

- Cấp thoát nước: Có thể sử dụng nước ngầm, nước mưa. Thoát nước được xử lý cục bộ.

- Xử lý chất thải rắn: chất thải được thu gom và xử lý.

- Cấp điện: có thể khai thác năng lượng mặt trời, gió, năng lượng sóng...

III. Giải pháp thiết kế kiến trúc

Các công trình kiến trúc có mối quan hệ hữu cơ với nhau tạo nên tổng thể. Và khi tổng thể được thiết kế hài hoà trong phong cách kiến trúc và trong sự kết hợp với cảnh quan thiên nhiên, như trường hợp Cát Bà theo hướng sinh thái. Sơ đồ 1

 

' border=0 src='/image/images?img_id=com.vportal.portlet.vcms.model.VcmsArticle.14430.1614' />

Để áp dụng các khái niệm sinh thái, cảnh quan môi trường nêu trên, hướng giải quyết được thể hiện qua sơ đồ sau:

Trong quá trình nghiên cứu thiết kế kiến trúc công trình cần lưu ý các yếu tố:

- Điều kiện tự nhiên, khí hậu, địa hình phức tạp đa dạng, bằng phẳng ít, phần dốc nhiều đường bộ quanh co...

- Yếu tố dân cư, xã hội văn hoá truyền thống, mang nhiều nét riêng biệt, thể hiện lối sống tự cung tự cấp.

- Yếu tố kỹ thuật vật chất chọn nguyên kiệu, giải pháp thi công phù hợp với vùng biển đảo, khai thác triệt để vật liệu có sẵn tại địa phương như: cỏ tranh, tre, giằng giằng...

Trong du lịch sinh thái, các yếu tố nắng, biển, núi, cát, san hô, rừng ngập mặn cùng với các tính chất nhiệt đới và không khí Cát Bà là yếu tố hấp dẫn chính của khu vực cần được khai thác đồng bộ; cụ thể: công trình hài hoà với thiên nhiên, các dịch vụ hỗ trợ cho cảnh quan thiên nhiên.

1. Bố cục công trình

- Đối với hình thức ăn nghỉ ngoài khu vực tham quan thì các đảo đất, quần đảo ở trong vùng đệm khu bảo tồn di sản là rất quan trọng, ở đây hình thành các trung tâm nghỉ dưỡng của khu du lịch ngoài vịnh, cùng với các dịch vụ quy mô vừa và nhỏ. Trung tâm này chủ yếu dùng để tổ hợp nhà nghỉ thấp tầng phù hợp với địa hình sao cho hài hoà với cảnh quan chung. Các trung tâm này có thể xây dựng tại một vài đảo đất ở vùng đệm khu vực du lịch.

- Đối với hình thức ăn nghỉ tại khu vực tham quan không chỉ sử dụng dịch vụ ăn nghỉ, vui chơi giải trí tại trung tâm trên đảo: công trình được thiết kế theo đơn vị môđun giống nhau, bố trí mặt bằng công trình linh hoạt, phù hợp với quy hoạch điểm neo đậu trên biển hoặc trong rừng. Bố cục công trình gồm các đơn vị nghỉ, đơn vị sinh hoạt công cộng ghép lại phục vụ theo nhu cầu của khách du lịch, đáp ứng yêu cầu của từng loại hình vui chơi giải trí, sau đó có thể được di chuyển đến địa điểm khác.

2. Quy mô - hình khối - vật liệu - màu sắc

a. Một số nguyên tắc thiết kế mang tính chất đặc thù

Ngoài những nguyên tắc thiết kế chung, nhà nghỉ du lịch sinh thái Cát Bà cần có một số lưu ý có thể đưa thành nguyên tắc giúp cho quá trình nghiên cứu, thiết kế để tạo ra những công trình mang nét đặc thù của Cát Bà:

- Kiến trúc công trình không thể lấy khối lớn lấn át cảnh quan mà nên dùng loại nhà nhỏ thấp tầng, ẩn mình thấp thoáng trong thiên nhiên. Đồng thời tận dụng triệt để địa hình, hạn chế đào bới, san nền phá vỡ cảnh quan thiên nhiên.

- Để khai thác mặt nước có thể sử dụng loại nhà phao, bè, nhà thuyền cố định hay di động tạo ra làng du lịch theo kiểu làng chài. Đối với loại nhà phao, bè, thuyền phải nghiên cứu theo một số kích thước thong nhất để có thể lắp ghép theo nhiều quy mô khác nhau, hình dạng khác nhau đáp ứng được yêu cầu của du khách.

- Khi nghiên cứu nhà nghỉ thấp tầng phần mái công trình cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để chúng đóng góp 1 phần chức năng sinh thái cho ngôi nhà do vậy có thể dùng mái dốc, với độ dốc hợp lý và khai thác vật liệu của địa phương để phù hợp với cảnh quan chung.

b. Quy mô và dây chuyền chức năng nhà nghỉ

Nhà nghỉ du lịch sinh thái Cát Bà có quy mô nhà nhỏ, được tổ hợp thành những đơn vị nhỏ, phù hợp với yêu cầu của khách, hoà nhập với cảnh quan thiên nhiên. Các phòng chức năng được bố trí linh hoạt, cơ động phù hợp với hình thức du lịch sinh thái. Do vậy nhà nghỉ nên thiết kế phần cứng, cố định là phòng ngủ, còn các phòng chức năng như sinh hoạt công cộng, bếp, vệ sinh, phòng ăn... có thể thay đổi tuỳ theo từng công trình sao cho phù hợp với dây chuyền sử dụng tổng thể của toàn khu.

Với nhà nghỉ sinh thái diện tích phòng ngủ rất linh hoạt, nhà nghỉ cố định trên sườn đồi có thể là 12m2 - 18m2, nhà nghỉ di động có thể thấp hơn, chỉ cần 6m2 - 8m2 hoặc nhỏ hơn. Với du khách đi thăm quan thắng cảnh là chính diện tích phòng ngủ và các phòng chức năng khác cần rất nhỏ mà sinh hoạt chủ yếu ở ngoài trời. Nhà nghỉ cần có bếp nhỏ để du khách có thể tự phục vụ, làm những món ăn đơn giản mang sắc thái riêng của Đảo Cát Bà.

Đảo Cát Bà với thuận lợi về cảnh quan, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú với hệ sinh thái đảo và rừng nhiệt đới, hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái san hô... Đây là những tiềm năng vô cùng thuận lợi để phát triển Đảo Cát Bà trở thành một khu du lịch sinh thái trọng điểm của vùng biển Đông Bắc xứng đáng trở thành khu "Dự trữ sinh quyển thế giới".

Nguồn: TC Xây dựng, số 5-2008

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)