Quy hoạch xây dựng & phát triển các hành lang kinh tế ở Việt Nam

Thứ sáu, 13/06/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
I. Khái quát về hành lang kinh tế 1. Hành lang kinh tế – khái niệm cơ bản Cho đến nay khái niệm hành lang kinh tế đã dần dần được sáng tỏ đặc biệt từ sau Hội nghị lần thứ 8 các Bộ trưởng GMS tổ chức tại Manila 10/1998. Tuy nhiên, qua nhiều nghiên cứu trên nhiều khía cạnh khác nhau, khái niệm về hành lang kinh tế được thể hiện dưới đây mang tính tổng hợp; dễ hiểu và dễ được chấp thuận đó là: Hành lang kinh tế là một khu vực, một vùng lãnh thổ nối liền các vùng lãnh thổ của một hoặc nhiều quốc gia với mục đích liên kết, hỗ trợ lẫn nhau để khai thác có hiệu quả lợi thế so sánh của các khu vực địa – kinh tế nằm trên cùng một dải theo trục giao thông thuận lợi nhất cho việc lưu thông hàng hoá và liên kết kinh tế giữa các vùng bên trong hành lang cũng như các vùng kế cận.

2. Mục tiêu chính của sự ra đời các hành lang kinh tế

Sự ra đời của các hành lang kinh tế sẽ đem lại lợi ích thiết thực và lâu dài cho các quốc gia thành viên. Đây là cơ hội cho các nước tiếp cận tốt hơn các nguồn tài nguyên khoáng sản, thuỷ, hải sản và năng lượng phục vụ các ngành sản xuất và chế biến, tăng cường quan hệ hợp tác thúc đẩy giao lưu thương mại, du lịch, dịch vụ và phát triển các hoạt động kinh tế thông qua việc sử dụng hiệu quả không gian kinh tế và hình thành khu vực kinh tế xuyên quốc gia. 

Thu hút đầu tư từ các nguồn địa phương, khu vực và thế giới. Giảm chi phí lưu thông hành khách và hàng hoá, tạo điều kiện cho việc lưu thông hàng hoá và hành khách thuận lợi, hiệu quả.

Hỗ trợ phát triển các khu vực dọc biên giới, các đô thị, các vùng nông thôn, công nghiệp,  góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và xoá đói, giảm nghèo cho các khu vực dọc theo hành lang kinh tế.  

3. Các thành phần cơ bản - Nền tảng của sự hình thành và phát triển hành lang kinh tế

- Giao thông vận tải bao gồm các tuyến đường bộ, đường sắt, cảng hành không và cảng biển mà trong đó đường bộ đóng vai trò quan trọng nhất, đó là hòn đá tảng của phát triển hành lang kinh tế. Giao thông được đầu tư và phát triển góp phần đảm bảo tiếp cận thị trường và các dịch vụ xã hội, liên kết giữa các vùng thuận tiện và thuận lợi, giảm các chi phí vận chuyển… 

- Các dịch vụ công cộng cơ bản như cấp điện, bưu chính viễn thông, cấp nước cùng với sự kết nối, liên kết thành một hệ thống.

- Nâng cấp cải tạo các đô thị cũ, hình thành và phát triển các đô thị mới, điểm dân cư mới.

- Sự hình thành và phát triển các khu, cụm công nghiệp và các trung tâm thương mại, khu kinh tế, các khu du lịch, nghỉ ngơi, khai thác và phát triển các loại hình du lịch đa dạng.

- Thúc đẩy việc nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách áp dụng thống nhất về:

+ Đơn giản hoá thủ tục hải quan cũng như minh bạch hoá các thủ tục này

+ Xây dựng một hệ thống thanh toán thuận tiện giữa các ngân hàng hàng thương mại.

+ Đơn giản hoá trong các thủ tục cấp visa, cải thiện cơ sở hạ tầng..

+ Tạo điều kiện và môi trường thuận lợi khuyến khích khu vực tư nhân tham gia tích cực vào quá trình hợp tác kinh tế quốc tế.

+ Bảo vệ môi trường và khuyến khích sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên chung.

4. Những thuận lợi cơ bản và các thách thức đối với sự hình thành và phát triển hành lang kinh tế

Thuận lợi:

- Bối cảnh khu vực và quốc tế có nhiều thuận lợi để các nước trong khu vực tiến hành xây dựng hành lang kinh tế.

- Quan hệ hợp tác kinh tế giữa các nước ngày càng tăng cường. Phát triển, hợp tác kinh tế, thương mại vùng trên hành lang là chiến lược quan trọng, phù hợp với lợi ích hiện tại cũng như lâu dài của các nước.

- Hệ thống kết cấu hạ tầng đặc biệt là giao thông đường bộ, đường sắt, cảng biển, cảng hàng không… các khu kinh tế cửa khẩu, các khu kinh tế gắn với cảng nước sâu.. hệ thống thông tin liên lạc, cấp điện ..về cơ bản đã hình thành. 

- Tiềm năng phát triển của các khu vực tương đối dồi dào có thể bổ sung và hỗ trợ nhau.

Những hạn chế cơ bản:

- Trình độ phát triển kinh tế, xã hội của mỗi địa phương, mỗi nước khác nhau; hàng hoá và các dịch vụ trao đổi mang tính cạnh tranh cao dễ nảy sinh những bất đồng về lợi ích….

- Hầu hết các địa phương trên các hành lang kinh tế đều có kinh tế chưa phát triển; mật độ dân cư thưa thớt, trình độ dân trí, khoa học công nghệ thấp; tỷ lệ đói nghèo còn cao; địa hình chia cắt khó khăn ….

- Hầu hết cơ sở hạ tầng còn yếu, đường hàng không, đường sắt, thông tin liên lạc….. còn hạn chế. Thu hút đầu tư đặc biệt đầu tư nước ngoài thấp, việc huy động vốn xây dựng kết cấu hạ tầng rất khó khăn nhất là vốn cho xây dựng mạng lưới giao thông mà trong đó đường bộ đóng vai trò quan trọng nhất đó là hòn đá tảng của phát triển hành lang kinh tế. 

II. Quy hoạch xây dựng và phát triển các hành lang kinh tế ở Việt Nam

1. Những lợi thế và thách thức 

a Lợi thế:

Việt Nam ở vị trí địa – kinh tế và địa chính trị thuận lợi. Việt Nam nằm ở ven biển Đông có chiều dài bờ biển hơn 3200km từ Móng Cái đến Hà Tiên. Việt Nam có lợi thế trong việc phát triển các ngành kinh tế liên quan đến biển và hơn nữa đó là một tiềm năng mở trong việc giao kinh tế, văn hoá, mở rộng quan hệ với các nước trong khu vực và thế giới. Việt Nam là cửa ngõ quan trọng hướng ra biển của các tỉnh miền nam Trung Quốc, của các nước Thái Lan, Lào và Campuchia ra biển Đông.  

Kết nối bởi các trục ngang và trục dọc quan trọng nhằm phát huy có hiệu quả việc hình thành các cửa khẩu trên bộ với hệ thống cảng nước sâu hướng biển là một hệ thống đường bộ liên kết quan trọng đã, đang được cải tạo nâng cấp QL1; QL2; QL18; QL6; QL7;QL8;QL9; QL40; QL10; QL19;QL26;QL27; QL22; …..

Hệ thống đô thị bao gồm các đô thị cửa ngõ biên giới gắn với khu kinh tế cửa khẩu, đô thị trong từng khu vực và đô thị ven biển gắn với các khu kinh tế hay đô thị du lịch đang được xây dựng và phát triển.

Hệ thống các khu du lịch cộng đồng, khu du lịch dành cho người nước ngoài, cho người có thu nhập cao hoặc khu du lịch mang tính tổng hợp đặc biệt du lịch sinh thái biển là lợi thế lớn của Việt Nam trên các hành lang kinh tế đang được quan tâm đầu tư xây dựng để thu hút du khách từ phía Nam Trung Quốc, đông bắc Thái Lan, vùng trung du và hạ Lào hoặc những nơi từng xa rất xa biển đều có thể về biển với các bãi biển nổi tiếng như: Cửa Lò, Lăng Cô, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu.. trong khoảng thời gian ngắn.

Xây dựng và phát triển các hành lang kinh tế là một trong những cơ sở, tiền đề quan trọng góp phần phát triển kinh tế Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hoá và hiện đại hoá.

b Những  thách thức:

- Sự phát triển không đều giữa các vùng cả về kinh tế lẫn xã hội. Sự chênh lệch ngày càng gia tăng giữa giàu, nghèo và giữa đô thị với nông thôn. Tỷ lệ đói nghèo còn cao ở các tỉnh miền núi, trung du. Sự phát triển kinh tế tuy đã đạt được những tiến bộ đáng kể nhưng vẫn mất cân đối, thiếu vốn đầu tư.

- Các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu đã hình thành nhưng mô hình phát triển giống nhau, chưa rõ tính đặc thù hay chưa tạo được lợi thế cạnh tranh riêng biệt, thu hút đầu tư thấp, tốc độ xây dựng cơ sở hạ tầng chậm – vì vậy các khu này thực sự chưa tạo động lực hay “một cú hích” phát triển cho khu vực và cho vùng.

- Các khu du lịch phần lớn dựa trên đặc thù điều kiện tự nhiên chưa có quy hoạch thống nhất nên sản phẩm du lịch còn giống nhau và chưa có sự phối hợp liên kết chặt chẽ giữa các khu du lịch ..

- Hệ thống đô thị đã hình thành và đang được cải tạo, nâng cấp nhưng tốc độ đô thị hoá nhanh, hạ tầng kỹ thuật xuống cấp và quá tải.

- Hạ tầng kỹ thuật khung đặc biệt hệ thống giao thông còn nhiều hạn chế: Đường bộ tuy đã được cải tạo nâng cấp và có nhiều tuyến xây dựng mới nhưng vẫn không đáp ứng được yêu cầu và thường xuyên bị ắch tắc khi có bão lũ, thiên tai. Sự kết nối trong mạng lưới đường giao thông, giữa các đô thị lớn với các đô thị trung bình, giữa các khu công nghiệp, khu kinh tế chưa đồng bộ và hoàn chỉnh. Đường sắt lạc hậu , tốc độ tàu chạy thấp, chi phí thời gian đi lại cao, năng lực vận tải thấp.

Tóm lại thách thức và khó khăn lớn nhất vẫn là cơ sở hạ tầng, cơ sở hạ tầng yếu kém đang làm trì trệ sự phát triển kinh tế và nếu hạ tầng không được đầu tư xứng đáng đó sẽ chính là rào cản lớn nhất cho sự phát triển kinh tế Việt Nam nói chung và ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển các hành lang kinh tế mà Việt Nam là điểm đến, điểm liên kết, một mắt xích quan trọng.

2. Quy hoạch xây dựng các hành lang kinh tế    Việt Nam

Quy hoạch xây dựng các hành lang kinh tế đó là việc tổ chức không gian đô thị, điểm dân cư, các khu công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch trên tuyến hành lang, kết nối mạng lưới hạ tầng kỹ thuật hợp lý và thuận tiện trong đó mạng lưới giao thông đóng vai trò quan trọng … Vì vậy khi tổ chức lập quy hoạch xây dựng cần lưu ý một số điểm sau:

Thứ nhất: Cần làm rõ chức năng và mục tiêu phát triển chủ yếu của tuyến hành lang. Từ thực tế cho thấy mỗi hành lang kinh tế đều được hình thành dựa trên cơ sở một tuyến trục giao thông huyết mạch cũng như và sự phân bố dọc hai bên tuyến là những đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, cơ sở kinh tế, kỹ thuật khác và các lợi thế riêng của khu vực…

Thứ hai: Xác định các vùng, khu vực, các điểm dân cư tập trung và các khu chức năng quan trọng chịu tác động trực tiếp hay ảnh hưởng của tuyến hành lang. Trong đó làm rõ: 1 Số lượng, vị trí, quy mô, cơ sở kinh tế kỹ thuật…của các đô thị, điểm dân cư, các vùng có ý nghĩa lịch sử, văn hoá, danh thắng,  các khu du lịch…., 2 Vai trò và mối quan hệ trong liên kết, các điều kiện tiếp cận ..   

Thứ ba: Trên cơ sở lợi thế và thách thức của từng khu vực hành lang cần xác định quan điểm phát triển của các thành phần cơ bản của hành lang kinh tế – có nghĩa là ưu tiên phát triển tập trung vào loại hình nào, quy mô ra sao. Ví dụ miền Trung có lợi thế hệ thống cảng biển nước sâu Đà Nẵng, Chân Mây, Dung Quất… và du lịch sinh thái biển trong đó Đà Nẵng, nơi được đánh giá là điểm trung chuyển hàng hoá hết sức quan trọng trên tuyến hành lang Đông Tây  – Vậy ưu tiên về giao thông trước tiên phải là đầu tư xây dựng, nâng cấp cảng biển cùng với hệ thống đường bộ nối đến cảng….

Thứ tư: Định hướng phát triển không gian toàn tuyến hành lang kinh tế trong đó làm rõ sự phân bố đô thị và các điểm dân cư tập trung, sắp xếp lại các khu công nghiệp tập trung, các khu kinh tế chuyên ngành cao trên cơ sở thế mạnh của mỗi địa phương, lựa chọn mô hình phát triển du lịch hợp lý phù hợp mỗi vùng …

Thứ năm: Định hướng phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật mà trong đó tập trung  ưu tiên vào hệ thống giao thông đường bộ với các quy mô theo thoả thuận về các tiêu chuẩn kỹ thuật.

Thứ sáu: Xây dựng chương trình hợp tác đầu tư xây dựng trong đó làm rõ các dự án kêu gọi đầu tư hoặc liên kết đầu tư giữa các nước có tuyến hành lang đi qua hoặc tài trợ của các tổ chức quốc tế.

Kết luận:  Các hành lang kinh tế đã và đang hình thành trên thực tế nhưng cho đến nay việc “sắp xếp không gian” hay “quy hoạch xây dựng” cho các tuyến hành lang này vẫn chưa được thực hiện. Đã đến lúc không thể để mỗi địa phương làm theo cách riêng của mình mà cần phải có sự chỉ đạo và quản lý xây dựng thống nhất vì vậy việc quy hoạch xây dựng các tuyến hành lang kinh tế cần phải sớm được triển khai.

 

Nguồn: TC Xây dựng, số 5-2008

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)