Biến rác thải thành... tiền

Thứ sáu, 04/04/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Công ty cổ phần công nghệ Môi trường xanh Seraphin vừa nghiên cứu, ứng dụng thành công công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Áp dụng công nghệ mới này, nỗi bức xúc rác thải ở các đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Ðà Nẵng... sẽ sớm được giải quyết.

Quả bóng nhựa sản xuất từ hạt nhựa

Khi rác trở thành "vấn nạn"

Hiện mỗi ngày trên địa bàn thành phố Hà Nội thải ra hơn 2.000 tấn rác thải. Khối lượng rác thải khổng lồ này đều được chở lên bãi rác Nam Sơn Sóc Sơn để chôn lấp. Từ nhiều năm nay, bãi rác này đã vận hành hết công suất và  đứng trước nguy cơ quá tải. Tình hình sẽ trở nên căng thẳng hơn khi địa giới Hà Nội được mở rộng, đồng nghĩa với khối lượng rác thải hằng ngày cần xử lý sẽ tăng lên.

Các chuyên gia môi trường cảnh báo: Nếu không khẩn trương xây dựng các nhà máy xử lý rác thải thì chẳng bao lâu nữa sẽ phải xây dựng một bãi rác thay thế bãi rác Nam Sơn. Việc tất cả lượng rác thải khổng lồ của thành phố đều chuyển về một điểm không những gây khó khăn cho vận chuyển mà còn  có nguy cơ làm phát tán vi khuẩn, dịch bệnh, chất độc hại.

Theo báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng, xử lý chất thải ở các đô thị đang là vấn đề rất bức xúc. Hiện tất cả các địa phương đều sử dụng biện pháp chôn lấp chất thải với số lượng trung bình là một bãi chôn lấp/một đô thị, trong đó có tới 90% không bảo đảm vệ sinh, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao bởi mùi và nước rỉ rác.

Công nghệ chôn lấp tuy giá thành rẻ nhưng tốn diện tích đất trong khi quỹ đất hiện nay rất hạn chế, không có khả năng thu hồi, tái chế, sử dụng lại nguồn tài nguyên rác và còn phải xử lý nước rỉ rác để bảo vệ môi trường. Ngoài chôn lấp, một số địa phương đã và đang xây dựng các nhà máy xử lý rác thải trong đó có Hà Nội nhưng phần lớn sử dụng công nghệ chưa phù hợp với đặc điểm không được phân loại tại nguồn ở Việt Nam nên mới chỉ xử lý được chất hữu cơ, tỷ lệ rác thải phải chôn lấp còn lớn và suất đầu tư cao.

Tại Hà Nội, thời gian qua thành phố triển khai thí điểm mô hình xử lý rác thải bằng công nghệ Tây Ban Nha ở khu vực Cầu Diễn nhưng đến nay chưa thể triển khai rộng rãi.

Công nghệ Seraphin được phép nhân rộng


Khánh thành nhà máy xử lý rác
Đông Vinh, Nghệ An.

Cũng trong khoảng thời gian này, Công ty cổ phần công nghệ Môi trường xanh Seraphin tiến hành nghiên cứu, ứng dụng công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt Seraphin tại hai nhà máy ở thành phố Vinh Nghệ An và Sơn Tây Hà Tây.

Kết quả cho thấy, công nghệ Seraphin có tính khả thi cao trong việc xử lý rác thải ở các thành phố lớn. Ưu điểm nổi trội của Seraphin là công nghệ được nghiên cứu trong nước, giá thành rẻ hơn rất nhiều so với công nghệ của nước ngoài;  bên cạnh đó còn có thể xử lý triệt để chất thải rắn đô thị, hạn chế đến mức thấp nhất việc chôn lấp và bảo đảm  vệ sinh môi trường. Seraphin là sự kết hợp hiệu quả của các phương pháp xử lý sinh học và nhiệt bao gồm các quá trình phân loại, tái chế nhựa, ủ composot, đốt và hóa rắn... với mục tiêu tạo ra sản phẩm tái chế hữu ích và phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Bắt đầu triển khai từ năm 2003, đến giai đoạn 2006 - 2007, Công ty cổ phần công nghệ Môi trường xanh Seraphin đã liên tục triển khai ứng dụng nhiều hợp phần công nghệ và sản phẩm tại nhà máy xử lý chất thải Sơn Tây công suất xử lý 200 tấn rác thải/ngày, vốn đầu tư 70 tỷ đồng. Bằng công nghệ này, nhà máy xử lý chất thải rắn Sơn Tây đã tái chế thành công nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao từ rác thải như hạt nhựa và các sản phẩm nhựa tái chế 1.800 tấn/năm; phân bón hữu cơ sinh học và khoáng 18.000 tấn/năm; nhiên liệu rắn RDE 7.200 tấn/năm; gạch block không nung 10.800 tấn/năm. 


Seraphin cũng chính là một trong hai công nghệ xử lý rác thải rắn nghiên cứu trong nước đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo Bộ Xây dựng, Tài Nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ khảo sát, đánh giá, cấp giấy chứng nhận công nghệ xử lý chất thải phù hợp với điều kiện Việt Nam nếu đáp ứng yêu cầu.

Từ những kết quả thực tiễn tại nhà máy xử lý chất thải Sơn Tây, ngày 14-3 vừa qua, Bộ Xây dựng đã có Quyết định  số 373/QÐ-BXD cấp Giấy chứng nhận Công nghệ xử lý chất thải rắn phù hợp cho Công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt Seraphin của Công ty cổ phần công nghệ Môi trường xanh Seraphin. Theo Quyết định này, công nghệ Seraphin được phép chuyển giao và áp dụng rộng rãi trên toàn quốc.

Như vậy, chứng nhận khoa học này đã "mở đường" cho Công ty cổ phần công nghệ Môi trường xanh Seraphin chuyển giao công nghệ xử lý chất thải rắn tại các đô thị. Ông Ðỗ Ðức Thắng, Tổng giám đốc công ty cho biết: "Từ năm 2007 đến nay đã có rất nhiều đoàn từ các địa phương đến tham quan nhà máy xử lý chất thải Sơn Tây, qua đó bày tỏ được chuyển giao công nghệ. Chúng tôi sẵn sàng chuyển giao công nghệ cũng như trực tiếp đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại các địa phương".


Theo ND 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)