Ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa đến môi trường không khí ở Thành phố Hà Nội

Thứ tư, 02/04/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Quá trình đô thị hóa ĐTH nói chung, ở các thành phố lớn nói riêng đã và đang làm nảy sinh nhiều vấn đề cần được các cấp, ngành quan tâm để tháo gỡ, trong đó có tình trạng ô nhiễm môi trường không khí. Bài viết phân tích thực trạng môi trường không khí tại Hà Nội và đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần hạn chế ô nhiễm.

ĐTH và những biến động

Cùng với quá trình công nghiệp hóa, ĐTH là một khía cạnh quan trọng trong sự vận động đi lên của xã hội. ĐTH được hiểu là quá trình biến đổi và phân bố các lực lượng sản xuất trong nền kinh tế quốc dân, bố trí dân cư, hình thành, phát triển các hình thức và điều kiện sống theo kiểu đô thị. Trong thời gian qua, ĐTH trên địa bàn Hà Nội đã diễn ra với tốc độ cao, trên bình diện rộng, gây ra những biến động lớn trên địa bàn, trong đó có 2 biến động nổi bật ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường không khí:

Biến động về dân số

Nét nổi bật trong quá trình ĐTH ở Hà Nội là quá trình tập trung dân cư đô thị. Năm 2007, quy mô dân số của Hà Nội là 3.398,9 nghìn người, tăng 1,12 lần so với năm 2001, trong đó, dân số thành thị gia tăng nhanh xấp xỉ 1,3 lần so với năm 2001, nhưng dân số nông thôn lại có xu hướng giảm. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là sự gia tăng cơ học từ nông thôn ra thành thị. Trung bình mỗi ngày có hàng nghìn người từ các địa phương về Hà Nội để tìm kiếm việc làm, sinh sống và thụ hưởng các dịch vụ đô thị. Quy mô dân số mở rộng đã làm cho mật độ dân số tăng nhanh và mất cân đối. Năm 2007, mật độ dân số toàn thành phố là 3.490 người/km2, trong đó mật độ cao nhất là ở các quận nội thành.

Biến động về kinh tế

Cùng với sự phát triển kinh tế của cả nước, trong giai đoạn 2001-2007, Hà Nội cũng đạt mức tăng trưởng cao với mức tăng bình quân 11,5%/năm. Các ngành kinh tế đều tăng khá, trong đó giá trị sản phẩm công nghiệp bình quân tăng 12,7%/năm, dịch vụ tăng 10,5%/năm và nông nghiệp tăng 2,7%/năm. Cơ cấu ngành kinh tế có chuyển biến tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Tỷ trọng ngành công nghiệp tăng từ 38,5% năm 2001 lên 41,5% năm 2007, trong khi tỷ lệ này ở nhóm ngành nông nghiệp giảm từ 3,8% xuống còn 2,7%.  Các ngành công nghiệp chế biến và công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu như: Cơ khí, điện tử, may mặc, giày dép… đang được đầu tư phát triển. Tuy nhiên, các sản phẩm trên đều tiêu thụ nhiều nguyên liệu, quá trình sản xuất gây ô nhiễm nên đã có những tác động tiêu cực tới môi trường không khí ở Hà Nội.

Ảnh hưởng của quá trình ĐTH đến môi trường không khí

Các nguồn thải gây ô nhiễm không khí 

Một là, hoạt động sản xuất công nghiệp: Với tốc độ tăng trưởng bình quân 12,7%/năm, hoạt động sản xuất công nghiệp được coi là một trong những nguồn chính gây ô nhiễm môi trường không khí ở Hà Nội. Kết quả điều tra 400 cơ sở công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố cho thấy: Gần 200 cơ sở có tiềm năng thải các chất thải gây ô nhiễm không khí, trong đó chủ yếu là các cơ sở công nghiệp cũ được xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ XX với công nghệ lạc hậu và hầu như chưa có thiết bị xử lý khí thải độc hại. Trước đây, các cơ sở này nằm ở ngoại thành hay ven nội, thì nay đã nằm ngay trong nội thành, giữa các khu dân cư đông đúc do quá trình mở rộng ranh giới đô thị. Những cơ sở mới được xây dựng tập trung ở các khu công nghiệp, nhưng chưa xử lý triệt để các khí thải độc hại nên vẫn gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Các khí thải độc hại phát sinh từ những cơ sở này chủ yếu do quá trình chuyển hóa năng lượng đốt than, xăng và dầu các loại. Theo Sở Tài nguyên, Môi trường và Nhà đất Hà Nội, hàng năm các cơ sở công nghiệp ở Hà Nội tiêu thụ khoảng 240.000 tấn than, 250.000 tấn xăng, dầu và thải vào bầu không khí hơn 80.000 tấn bụi khói, 10.000 tấn khí SO2, 19.000 tấn khí NOx, 46.000 tấn khí CO, gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng môi trường không khí một số khu vực của thành phố. Trong đó, các cơ sở sản xuất thuộc ngành hoá chất, dệt và chế biến thực phẩm gây ô nhiễm lớn nhất.

Hai là, các hoạt động giao thông vận tải: Trong thời gian qua, số lượng các phương tiện giao thông ở Hà Nội tăng nhanh. Năm 2001, thành phố có gần 1 triệu xe máy và hơn 100.000 ô tô. Cuối năm 2007, con số này đã tăng gấp đôi, với khoảng 1,9 triệu xe máy và 200.000 ô tô. Tốc độ phát triển của các phương tiện giao thông giai đoạn 2001-2007 là 12%/năm đối với xe ô tô, 15%/năm đối với xe máy. Nguyên nhân của sự gia tăng này là do phát triển kinh tế và mở rộng quy mô dân số, làm tăng nhu cầu đi lại. Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, ô nhiễm không khí ở đô thị do giao thông gây ra chiếm tỷ lệ khoảng 70%. Lưu lượng xe lớn và chất lượng nhiên liệu sử dụng chưa tốt hàm lượng benzen khoảng 5% so với 1% ở các nước trong khu vực; hàm lượng lưu huỳnh trong diezen chiếm từ 0,5-1% so với 0,05% ở các nước trong khu vực là những nguyên nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm.

Ba là, các hoạt động xây dựng đô thị và sinh hoạt cộng đồng: Quá trình ĐTH đang diễn ra mạnh với các hoạt động xây dựng mới, sửa chữa và cải tạo nhà ở; mở rộng và nâng cấp hệ thống giao thông. Theo số liệu thống kê, trên địa bàn Hà Nội luôn có trên 1.000 công trình xây dựng lớn nhỏ được thi công; mỗi tháng có khoảng 10.000 m2 đường bị đào bới để thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật. Các hoạt động xây dựng này thường xuyên phát tán bụi vào môi trường, khiến cho tình trạng ô nhiễm không khí thêm trầm trọng. Bên cạnh đó, hoạt động sinh hoạt của nhân dân cũng ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường không khí đun nấu bằng than, dầu, đặc biệt là than tổ ong, ước tính góp vào khoảng 10% chất thải gây ô nhiễm môi trường không khí ở Hà Nội.

Hiện trạng môi trường không khí

Ô nhiễm bụi: Giống như nhiều đô thị khác trong cả nước, Hà Nội bị ô nhiễm bụi tới mức báo động. Tại khu vực nội thành, chất lượng môi trường không khí có biểu hiện suy thoái. Số liệu quan trắc qua các năm ghi nhận: Nồng độ bụi tăng rõ rệt và đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Đặc biệt, tại các nút giao thông, nồng độ bụi cao hơn tiêu chuẩn cho phép 2-2,5 lần, điển hình là Ngã tư Kim Liên đường Giải Phóng, nồng độ bụi cao hơn 2-3 lần so với tiêu chuẩn cho phép 0,2 mg/m3.

Kết quả quan trắc môi trường không khí tại các khu, cụm công nghiệp cũng cho thấy:  Nồng độ bụi lơ lửng tại hầu hết các khu vực đều có xu hướng gia tăng liên tục, vượt quá chỉ tiêu cho phép 2,5-4,5 lần. Trong đó, gia tăng đặc biệt mạnh là các khu vực: Từ Liêm, Văn Điển, Pháp Vân và Mai Động. ô nhiễm không khí ở Hà Nội chủ yếu là do bụi từ đường bộ, bụi thứ cấp của các phương tiện vận tải tham gia giao thông và của hoạt động xây dựng.

Ô nhiễm khí độc hại SO2, CO, NO2: Theo số liệu của Sở Tài nguyên, Môi trường và Nhà đất Hà Nội, nồng độ khí SO2, NO2, CO trong các khu dân cư đô thị ở nội và ngoại thành đều nhỏ hơn tiêu chuẩn, tức là chưa có hiện tượng ô nhiễm khí độc hại. Tuy nhiên, ở một số nút giao thông lớn trong thành phố như Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng, Ngã tư Kim Liên… nồng độ CO đang có xu hướng tăng và ở mức xấp xỉ giới hạn cho phép. Nguyên nhân của tình trạng này là do lưu lượng xe tham gia giao thông quá lớn, chất lượng xe lưu hành không đảm bảo 59% số xe máy lưu hành tại Hà Nội không đạt tiêu chuẩn về khí thải và hiện tượng tắc nghẽn xảy ra thường xuyên tại các nút giao thông.  Khi xảy ra ách tắc, vận tốc của các phương tiện giao thông dừng ở mức 5 km/h, thậm chí bằng 0. Trong tình trạng này, xe máy và ô tô con sẽ thải ra một lượng khí CO nhiều gấp 5 lần; xe buýt, xe tải nhiều gấp 3,6 lần so với khi chạy  ở tốc độ 30 km/h.

Ô nhiễm tiếng ồn: Trong thời gian gần đây, tiếng ồn giao thông ở Hà Nội có xu hướng tăng do sự phát triển mạnh mẽ các phương tiện vận tải. Mặc dù thành phố đã có một số biện pháp bố trí phân luồng giao thông, cải tạo và nâng cấp một số tuyến đường, cấm hoạt động các loại xe lam, xe công nông là những phương tiện gây tiếng ồn lớn nhưng tiếng ồn giao thông vẫn chưa có xu hướng giảm.

Giải pháp nhằm hạn chế ô nhiễm

Đối với sản xuất công nghiệp

Cần quy hoạch các khu, cụm công nghiệp gắn liền với quy hoạch phát triển của thành phố. Đối với các khu công nghiệp được quy hoạch trong thời gian tới, cần quy định bắt buộc các cơ sở sản xuất phải đầu tư xây dựng hệ thống xử lý khí thải. Đối với các cơ sở cũ, cần sớm có chính sách hỗ trợ về vốn, thuế, mặt bằng sản xuất để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác di dời các cơ sở này ra khỏi thành phố.

Đẩy mạnh xây dựng và ban hành áp dụng phí bảo vệ môi trường đối với khí thải - một công cụ kinh tế buộc các đối tượng gây ô nhiễm phải giảm thiểu các nguồn thải ra môi trường.

Xây dựng cơ chế khuyến khích, thúc đẩy các cơ sở sản xuất áp dụng hệ thống tiêu chuẩn quốc tế về môi trường ISO 14000.

Tăng cường nâng cao nhận thức cho cộng đồng về tầm quan trọng của chất lượng môi trường không khí đối với sức khoẻ và chất lượng sống; công khai các thông tin, số liệu liên quan đến tình hình ô nhiễm không khí và các nguồn gây ô nhiễm không khí trên các phương tiện truyền thông để nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường không khí.

Đối với hoạt động giao thông vận tải

Ưu tiên phát triển giao thông công cộng, đặc biệt là các phương tiện giao thông công cộng hiện đại, không gây ô nhiễm. Cần xem việc phát triển phương tiện vận chuyển công cộng  là giải pháp trọng tâm để giảm nguy cơ tắc nghẽn và ô nhiễm giao thông đô thị. 

Hoàn thiện và phát triển mạng lưới đường bộ, đảm bảo giao thông an toàn, thuận tiện, không ách tắc và ít gây ô nhiễm môi trường.

Thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật liên quan đến phát thải của các phương tiện giao thông, như: Hàng năm, các phương tiện vận tải phải được kiểm tra về tiêu chuẩn phát thải trước khi được phép lưu hành theo kế hoạch của Cục Đăng kiểm Việt Nam, chậm nhất đến năm 2010, xe máy tại các thành phố lớn sẽ phải kiểm tra khí thải định kỳ; cấm lưu hành đối với những phương tiện giao thông quá cũ; triển khai có hiệu quả giai đoạn cuối trong lộ trình loại bỏ các loại xe quá niên hạn theo Nghị định 23/2004/NĐ-CP.

Nâng cao chất lượng nhiên liệu dùng cho các phương tiện giao thông. Cụ thể là cần áp dụng tiêu chuẩn xăng, dầu như các thành phố lớn ở châu á.

Tăng diện tích cây xanh ở nội và ngoại thành để giảm thiểu ô nhiễm bụi và tiếng ồn trong thành phố.

Đối với sinh hoạt cộng đồng

Tích cực thực hiện các biện pháp tuyên truyền, khuyến khích cộng đồng sử dụng các nhiên liệu sạch trong sinh hoạt thay cho sử dụng dầu, than, củi… Đồng thời, nâng cấp chất lượng đường giao thông đô thị tại các khu dân cư, thành lập các đội vệ sinh đường phố…


Tạp chí hđkh tháng 3-2008 

                        

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)