Hướng dẫn điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng

Thứ ba, 01/04/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Từ giữa những năm 2007 giá cả thị trường nước ta có nhiều biến động, đặc biệt là giá một số loại vật liệu xây dựng  như thép, gạch xây, cát, đá... làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình.

Những gói thầu đang triển khai lựa chọn nhà thầu thì bị vỡ thầu do giá bỏ thầu của nhà thầu cao hơn giá gói thầu của chủ đầu tư. Những gói thầu đang triển khai thực hiện hợp đồng thì các nhà thầu thi công cầm chừng để nghe ngóng sự biến động của giá cả thị trường, đến cuối năm thì giá vật liệu xây dựng đã tăng khoảng 20 - 30% so với đầu năm, làm cho cả nhà thầu và chủ đầu tư không còn khả năng gánh chịu.

Đối với những gói thầu thực hiện theo giá điều chỉnh thì có thể phải dừng thực hiện để chờ bổ sung vốn. Đối với những gói thầu thực hiện theo hình thức giá hợp đồng theo giá hợp đồng trọn gói hoặc giá hợp đồng theo đơn giá cố định đã có nhiều nhà thầu ngừng thi công và đề nghị chủ đầu tư xin bù giá hợp đồng, nếu không sẽ bỏ và chịu phạt hợp đồng còn hơn tiếp tục thực hiện thì sẽ bị lỗ nặng hơn.

Trong bối cảnh đó, nhiều nhà thầu, chủ đầu tư, cấp trên của chủ đầu tư, một số Bộ, UBND Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương gửi văn bản đến các bộ liên quan và Thủ tướng Chính phủ, đề nghị cho phép điều chỉnh giá đối với hợp đồng trọn gói và hợp đồng theo đơn giá cố định do giá vật liệu xây dựng tăng ngoài khả năng kiểm soát của chủ đầu tư và nhà thầu.

Trước sức ép của cơn "Bão giá" và chỉ tiêu về tốc độ tăng giá tiêu dùng năm 2007 mà Quốc hội thông qua đòi hỏi các nhà quản lý phải tính toán, so sánh giữa cái được và mất của phương án: Yêu cầu các bên liên quan thực hiện đúng hợp đồng hoặc cho phép điều chỉnh giá hợp đồng của hình thức giá hợp đồng trọn gói và hợp đồng theo đơn giá cố định?

Nếu yêu cầu các bên liên quan thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết không cho phép điều chỉnh giá hợp đồng của hình thức giá hợp đồng trọn gói và hợp đồng theo đơn giá cố định tức là thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước thì các nhà thầu sẽ bị phạt hợp đồng và có thể sẽ có nhà thầu bị phá sản. Như vậy các công việc của dự án sẽ bị dừng lại để chủ đầu tư làm thủ tục chấm dứt hợp đồng, điều chỉnh giá gói thầu, lựa chọn nhà thầu mới sẽ phải điều chỉnh theo mặt bằng giá mới.

Nếu cho phép điều chỉnh giá hợp đồng của hình thức giá hợp đồng trọn gói và hợp đồng theo đơn giá cố định thì đồng nghĩa với việc không thực hiện đúng các quy định đã ban hành. Tuy nhiên thực hiện theo phương án này thì các công việc của dự án vẫn tiếp tục triển khai, không bị dừng, nhà thầu không bị phá sản và kết quả cuối cùng là sẽ góp phần tích cực cho việc tăng trưởng kinh tế đất nước.

Chúng ta có thể hiểu rõ rằng nguyên nhân của việc giá vật liệu xây dựng nói riêng, giá cả nói chung ở nước ta có biến động lớn trong thời gian qua có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Loại trừ các nguyên nhân khác thì còn hai nguyên nhân lớn là: Thứ nhất là do nền kinh tế nước ta đã hội nhập toàn diện vào nền kinh tế thế giới mà giá cả của nhiều mặt hàng chưa sản xuất được trong nước thì trong thời gian qua giá của chúng trên thế giới cũng có biến động lớn, thứ hai là do chúng ta đồng loạt khởi công xây dựng nhiều công trình lớn làm cho quan hệ cung cầu thay đổi đột ngột.

Trên cơ sở kiến nghị của UBND của một số tỉnh, thành, các chủ đầu tư của các dự án sử dụng vốn nhà nước, các nhà thầu và ý kiến của các cơ quan chuyên môn, ngày 29/1/2008 tại văn bản số 164/TTg-CN Thủ tướng Chính phủ đã cho phép điều chỉnh giá hợp đồng, hình thức hợp đồng đối với gói thầu xây lắp lỡ áp dụng hình thức giá hợp đồng trọn gói, giá hợp đồng theo đơn giá cố định do giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu xây dựng tăng giá đột biến trong thời gian qua ngoài khả năng kiểm soát được của chủ đầu tư và nhà thầu.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 22/2/2008 Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 05/2008/TT-BXD, hướng dẫn điều chỉnh giá nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu xây dựng sau đây gọi là giá vật liệu xây dựng và hợp đồng xây dựng do biến động giá ngoài khả năng kiểm soát của chủ đầu tư và nhà thầu với những nội dung chủ yếu như sau:

1. Về phạm vi và nguyên tắc điều chỉnh

Việc điều chỉnh giá VLXD được áp dụng đối với các gói thầu đã và đang triển khai thực hiện theo hình thức giá hợp đồng trọn gói, hình thức giá hợp đồng theo đơn giá cố định.

Điều chỉnh hình thức giá hợp đồng đối với các hợp đồng đã lỡ thực hiện hình thức giá hợp đồng trọn gói, giá hợp đồng theo đơn giá cố định thành giá hợp đồng theo giá điều chỉnh.

Điều chỉnh giá VLXD được tính cho khối lượng thi công xây lắp từ năm 2007 chịu ảnh hưởng của biến động giá VLXD làm tăng chi phí xây dựng công trình ngoài khả năng kiểm soát của chủ đầu tư và nhà thầu sau đây gọi là khối lượng xây lắp bị ảnh hưởng tăng giá.

Khối lượng xây lắp bị ảnh hưởng tăng giá, mức điều chỉnh giá do chủ đầu tư, nhà thầu xác định và tự chịu trách nhiệm.

Điều chỉnh hình thức giá hợp đồng trọn gói, giá hợp đồng theo đơn giá cố định sang hình thức giá hợp đồng theo giá điều chỉnh, cần xác định rõ các nội dung điều chỉnh như: Phạm vi điều chỉnh, phương pháp điều chỉnh, căn cứ điều chỉnh, thời điểm điều chỉnh... và chỉ được tính từ thời điểm có biến động giá do chủ đầu tư và nhà thầu xác định phù hợp với tiến độ thực hiện.

Việc điều chỉnh giá VLXD dẫn đến vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt và ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của dự án sử dụng vốn nhà nước thì chủ đầu tư báo cáo người quyết định đầu tư xem xét quyết định.

Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình thực hiện theo Nghị định  số 99/2007/NĐ-CP ngày 13/6/2007 của Chính phủ về Quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình thì việc điều chỉnh chi phí đầu tư xây dựng công trình thực hiện theo qui định tại Nghị định số 99/2007/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định.

2. Về phương pháp điều chỉnh giá vật liệu xây dựng, dự toán, gói thầu, tổng mức đầu tư

Điều chỉnh giá VLXD được xác định cho từng hợp đồng thi công xây dựng công trình, từng gói thầu và cho cả dự án. Phần chi phí bổ sung do điều chỉnh giá VLXD được xác định bằng dự toán chi phí xây dựng bổ sung và là căn cứ để điều chỉnh giá hợp đồng, giá gói thầu, điều chỉnh dự toán công trình và điều chỉnh tổng mức đầu tư.

Căn cứ vào nội dung của từng hợp đồng cụ thể, dự toán chi phí xây dựng bổ sung có thể xác định bằng hệ số điều chỉnh chi phí vật liệu hoặc bằng cách tính bù trừ chi phí vật liệu trực tiếp.

Nội dung của dự toán chi phí xây dựng bổ sung bao gồm các khoản mục chi phí vật liệu trực tiếp, chi phí trực tiếp khác, chi phí chung, thu nhập chịu thuế tính trước và thuế giá trị gia tăng. Mức tỷ lệ trực tiếp khác, chi phí chung, thu nhập chịu thuế tính trước là mức của hợp đồng, gói thầu, dự toán.

Đối với các gói thầu đã chỉ định thầu và tự thực hiện dự án, đã có kết quả lựa chọn nhà thầu, nhưng chưa ký hợp đồng xây dựng hoặc hợp đồng đang thực hiện theo giá hợp đồng trọn gói, giá hợp đồng theo đơn giá cố định thì chủ đầu tư xác định dự toán chi phí xây dựng bổ sung để làm căn cứ điều chỉnh dự toán xây dựng công trình.

Đối với các gói thầu, hạng mục công trình, công trình chưa lựa chọn nhà thầu thì chủ đầu tư tiến hành điều chỉnh dự toán theo các qui định hiện hành.

Dự toán xây dựng công trình điều chỉnh được xác định bằng cách cộng dự toán xây dựng công trình đã phê duyệt với các dự toán chi phí xây dựng bổ sung.

Chủ đầu tư điều chỉnh giá gói thầu bằng cách cộng giá trúng thầu đã được phê duyệt với dự toán chi phí xây dựng bổ sung.

Đối với dự án sử dụng vốn nhà nước, trường hợp giá gói thầu sau khi điều chỉnh không vượt giá gói thầu đã được phê duyệt thì chủ đầu tư quyết định phê duyệt. Trường hợp giá gói thầu sau khi điều chỉnh vượt giá gói thầu đã được phê duyệt nhưng không vượt tổng mức đầu tư thì chủ đầu tư quyết định phê duyệt và gửi kết quả để báo cáo người quyết định đầu tư. Trường hợp giá gói thầu sau khi điều chỉnh làm vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt thì chủ đầu tư báo cáo người quyết định đầu tư xem xét quyết định. Khi điều chỉnh giá vật liệu xây dựng làm vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt và ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư dự án thì chủ đầu tư báo cáo người quyết định đầu tư xem xét quyết định. Trường hợp dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư thì Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Chủ tịch Tập đoàn kinh tế, Chủ tịch HĐQT TCty nhà nước quyết định.

3. Về điều chỉnh hợp đồng được thực hiện theo nguyên tắc

Đối với những hợp đồng đã ký kết, thì căn cứ vào dự toán chi phí xây dựng bổ sung và nội dung hợp đồng đã ký kết, chủ đầu tư và nhà thầu ký bổ sung giá hợp đồng làm cơ sở thanh toán hợp đồng.

Đối với những gói thầu đã có kết quả lựa chọn, nhưng chưa ký hợp đồng, chủ đầu tư căn cứ vào dự toán chi phí xây dựng bổ sung và nội dung hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu để đàm phán và ký kết hợp đồng.

Đối với trường hợp điều chỉnh hình thức giá hợp đồng từ hình thức giá hợp đồng trọn gói, giá hợp đồng theo đơn giá cố định sang hình thức giá hợp đồng theo giá điều chỉnh thì chủ đầu tư báo cáo người quyết định đầu tư về nội dung điều chỉnh như: Phạm vi điều chỉnh, phương pháp điều chỉnh, căn cứ điều chỉnh, thời điểm điều chỉnh... cho phép trước khi thực hiện. Nội dung hợp đồng xây dựng theo quy định tại Thông tư số 06/2007/TT-BXD ngày 25/7/2007 của Bộ Xây dựng hướng dẫn hợp đồng trong hoạt động xây dựng. Đối với những dự án sử dụng vốn nhà nước do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch đấu thầu thì Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND cấp tỉnh, Chủ tịch Tập đoàn kinh tế, chủ tịch HĐQT TCty nhà nước quyết định.

Đối với các hợp đồng xây dựng đã được thanh toán xong trong năm 2007 thì không điều chỉnh giá vật liệu xây dựng theo hướng dẫn của Thông tư này.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ cho phép và thông tư hướng dẫn điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng được ban hành thì các nhà thầu, chủ đầu tư vô cùng phấn khởi cho rằng Thủ tướng Chính phủ đã xử lý tình huống rất phù hợp với tình trạng bất khả kháng trong cơn "bão giá". Tuy nhiên, về nội dung của thông tư thì có người cho rằng đã hướng dẫn khá đầy đủ và rõ ràng, có người lại lúng túng không biết xác định  dự toán chi phí xây dựng bổ sung như thế nào, có chủ đầu tư lại lo không biết kết quả tính toán của mình có được sự chấp thuận của các cơ quan thanh tra, kiểm toán sau này hay không?

Vấn đề lúng túng của nhiều chủ đầu tư và nhà thầu là khó xác định chi phí vật liệu trực tiếp trong dự toán chi phí xây dựng bổ sung. Theo hướng dẫn của thông tư thì chúng ta có thể xác định chi phí này theo nhiều cách, phương pháp thông thường là xác định cho từng giai đoạn nghiệm thu hoặc khối lượng lượng vật liệu tăng giá xác định cho toàn bộ hợp đồng còn giá vật liệu xác định theo phương pháp gia quyền.

Sự lo lắng của các chủ đầu tư không phải là không có lý do, bởi vì theo nội dung trong thông tư thì trách nhiệm của các chủ đầu tư là rất lớn, trước đây chủ đầu tư không được quyền cũng như không phải chịu trách nhiệm như thế này.

Nhưng tôi tin tưởng rằng khi chúng ta cùng chung tay, góp sức để thực hiện tốt phương án xử lý tình huống về điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép thi chúng ta sẽ vượt qua những khó khăn, thách thức của cơn "bão giá".



 

Nguồn: TC Xây dựng, số 3-2008

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)