Ngày 19/5/2020, tại Bộ Xây dựng, Hội đồng tư vấn đánh giá đã họp nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ KHCN “Nghiên cứu, đánh giá, đề xuất mô hình quản lý phát triển đô thị phù hợp với điều kiện Việt Nam, do Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam thực hiện. TS. Trần Quốc Thái - Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) – Phó Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, chủ trì cuộc họp.
Toàn cảnh họp Hội đồng nghiệm thu.
Thay mặt nhóm nghiên cứu, chủ nhiệm đề tài, GS.TS.KTS. Đỗ Hậu – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho biết, đề tài có mục tiêu đề xuất mô hình quản lý phát triển đô thị (PTĐT) phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nhằm kiến tạo môi trường sống đô thị có chất lượng, sử dụng hiệu quả tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần làm tăng khả năng cạnh tranh của các đô thị, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế các vùng và cả nước. Bên cạnh đó, góp phần hỗ trợ cho các đô thị trong quá trình triển khai thực hiện Luật quản lý PTĐT và tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về quản lý PTĐT.
Theo báo cáo, hệ thống đô thị Việt Nam đang phát triển nhanh về số lượng và có đóng góp giá trị lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhưng đồng thời cũng bộc lộ nhiều những hạn chế, bất cập mà nếu không được khắc phục và kiểm soát tốt sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy và hậu quả lâu dài về nhiều mặt. Theo đó, chất lượng đô thị còn thấp, đặc biệt hệ thống kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa đồng bộ, chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, dân số. Cùng với đó, nguồn lực cho phát triển tại các đô thị còn thiếu và quản lý phát triển đô thị còn chưa theo kịp thực tiễn, chưa đáp ứng xu thế PTĐT. Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu đánh giá và đề xuất mô hình quản lý PTĐT phù hợp với điều kiện Việt Nam là yêu cầu cấp thiết đặt ra.
Báo cáo kết quả nghiên cứu của đề tài bao dày 360 trang, bao gồm 4 chương. Chương 1: Đánh giá công tác quy hoạch và công tác quản lý PTĐT; Chương 2: Đánh giá thực tế và hiệu quả áp dụng của khung pháp lý, chính sách và văn bản quy phạm pháp luật về PTĐT hiện hành; Chương 3: Cơ sở khoa học cho việc đề xuất mô hình quản lý PTĐT phù hợp với điều kiện Việt Nam; Chương 4: Mô hình và giải pháp quản lý PTĐT phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Tại Hội đồng, các chuyên gia và hai ủy viên phản biện là PGS.TS.KTS Hoàng Vĩnh Hưng – Trưởng phòng nghiên cứu PTĐT, Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) và ThS. Đỗ Viết Chiến – Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đánh giá đây là đề tài có khối lượng công việc rất lớn và đã được nhóm tác giả nghiên cứu nghiêm túc, công phu với chất lượng chuyên môn sâu và hàm lượng khoa học cao. Nhóm nghiên cứu đã nêu bật tính cấp thiết của đề tài với thực trạng của công tác quy hoạch và quản lý PTĐT trên cơ sở nhìn nhận lại quy trình quản lý PTĐT từ khâu: lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch (QH) đến việc tổ chức thực hiện QH và quản lý PTĐT theo QH được duyệt. Đặc biệt, đề tài cũng đi sâu phân tích vai trò quản lý nhà nước của các cơ quan Trung ương và địa phương trong PTĐT hiện nay, trong đó có nhận xét một số dự án thí điểm về mô hình chính quyền đô thị đã và đang được triển khai tại các đô thị lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh cũng như các dự án đang được đề xuất mới. Với những nhận định và lập luận về cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn về công tác quản lý PTĐTdựa trên những bài học kinh nghiệm của Việt Nam và của một số nước trên thế giới cũng như đề cập đến bối cảnh và định hướng phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đề tài đã đề xuất mô hình chính quyền đô thị gắn kết với mô hình quản lý PTĐT phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu,TS.Trần Quốc Thái tổng hợp ý kiến của các thành viên Hội đồng, thống nhất đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài với nội dung phong phú, chuyên sâu, thể hiện được tính thực tiễn ứng dụng trong công tác quản lý PTĐT.
Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu, đạt loại Xuất sắc.