Họp Ban soạn thảo dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi

Thứ sáu, 26/07/2013 15:13
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 26/7, tại trụ sở Bộ Xây dựng, Ban soạn thảo dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi đã tiến hành cuộc họp lấy ý kiến lần hai về dự thảo. Tham gia cuộc họp có đại diện các Bộ, ngành liên quan, Sở Xây dựng các địa phương, đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản. Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam chủ trì cuộc họp.

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam chủ trì cuộc họp

Thay mặt Ban soạn thảo, ông Nguyễn Mạnh Khởi – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản – đã báo cáo tình hình triển khai áp dụng Luật Nhà ở từ khi được ban hành đến nay. Luật Nhà ở năm 2005 (bao gồm 9 chương với 153 điều) và các văn bản được ban hành tiếp sau đó đã tạo thành một hành lang pháp lý khá hoàn chỉnh, điều chỉnh hầu hết các vấn đề liên quan đến lĩnh vực nhà ở từ phát triển nhà ở, sở hữu nhà ở, quản lý, sử dụng nhà ở, giao dịch về nhà ở, quản lý nhà nước về nhà ở và việc xử lý vi phạm các vấn đề về nhà ở. Có nhiều vấn đề lần đầu tiên được đưa vào Luật Nhà ở để làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện như cơ chế phát triển nhà ở thương mại để bán, cho thuê, cơ chế phát triển và quản lý nhà ở xã hội, việc quản lý sử dụng nhà chung cư, cơ chế phát triển và quản lý nhà ở công vụ, hoạt động kinh doanh nhà ở của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các giao dịch về nhà ở, vấn đề sở hữu nhà ở của các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam… Luật Nhà ở năm 2005 là cơ sở pháp lý để thực hiện chủ trương hỗ trợ, tạo điều kiện để các đối tượng xã hội, các hộ nghèo có khó khăn về nhà ở có điều kiện cải thiện chỗ ở cho bản thân và gia đình. Trên cơ sở của Luật Nhà ở, việc quản lý, sử dụng nhà ở đã từng bước khắc phục được những hạn chế, yếu kém so với trước đây khi chưa có Luật Nhà ở, đặc biệt là việc quản lý, sử dụng nhà ở chung cư, quản lý việc thực hiện các giao dịch về nhà ở, trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho người dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì cũng đã xuất hiện những tồn tại, bất cập cần phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế như sở hữu, quản lý nhà chung cư “mini”, nhà ở thuộc sở hữu nhà nước ở nước ngoài hay trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố phải tương xứng với quyền hạn được phân cấp trong quy hoạch, xây dựng, quản lý nhà ở…
 

Toàn cảnh cuộc họp

Nhằm thực hiện Nghị quyết số 20/2011/QH13 ngày 26/11/2011của Quốc hội về Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội, ngày 20/02/2013 Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 181/QĐ-BXD về việc thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập Luật Nhà ở sửa đổi. Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) lần này bao gồm 12 chương, 184 điều. So với Luật Nhà ở hiện hành, Luật Nhà ở sửa đổi bổ sung các quy định về phát triển nhà ở tái định cư, sửa đổi nhiều điểm trong phát triển nhà ở xã hội, đề xuất thành lập ngân hàng tiết kiệm nhà ở…

Cuộc họp đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của đại diện các Bộ, ngành liên quan về định nghĩa nhà ở (theo loại hình nhà ở, theo chủ sở hữu, theo hình thức giao dịch), thời hạn sử dụng nhà chung cư, mô hình hợp tác xã nhà ở, vấn đề môi trường trong quản lý và sử dụng nhà ở, chế độ, chính sách ưu đãi mua, thuê mua nhà ở dành cho các đối tượng nghèo, cận nghèo, các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang…

Kết thúc cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam đề nghị Ban soạn thảo và Tổ biên tập Luật Nhà ở sửa đổi tiếp thu các ý kiến của các đại biểu nhằm hoàn thiện dự thảo để tổ chức Hội thảo lấy ý kiến toàn quốc vào ngày 23/8/2013 và trình Chính phủ vào tháng 12 tới.
 

Thu Huyền
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)