Phát biểu tại Hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Tiến, Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho biết, điều chỉnh định hướng có nhiều điểm mới quan trọng, như phát triển thoát nước bền vững theo lưu vực sông và liên kết vùng, kết hợp giữa giải pháp xử lý nước thải tập trung và phi tập trung, khuyến khích tái sử dụng nước mưa phục vụ các mục đích khác nhau, sử dụng hiệu quả các ao, hồ điều hòa nước mưa góp phần giảm ngập úng, thích ứng với biến đổi khí hậu và phục vụ các hoạt động của đô thị, áp dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện mới môi trường và trách nhiệm trả tiền dịch vụ thoát nước theo quy định của địa phương.
Điều chỉnh định hướng phát triển thoát nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 589/QĐ-TTg ngày 6 tháng 4 năm 2016 và thay thế cho Quyết định số 1930/QĐ-TTg ngày 20 tháng 11 năm 2009. Mục tiêu tổng quát của điều chỉnh định hướng là nhằm từng bước hoàn thiện cơ chế chính sách, phát triển hệ thống thoát nước ổn định và đồng bộ, tăng tỉ lệ đấu nối nước thải từ hộ gia đình và hệ thống thoát nước được vận hành, duy tu bảo dưỡng thường xuyên và theo định kỳ. Điều chỉnh định hướng đưa ra mục tiêu mở rộng phạm vi phục vụ của hệ thống thoát nước đô thị đạt trung bình trên 70% diện tích bao phủ dịch vụ vào năm 2020 và 80% vào năm 2025. Đến năm 2050, xóa bỏ tình trạng ngập úng tại các đô thị và toàn bộ nước thải được xử lý phải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra nguồn tiếp nhận.
Toàn cảnh Hội thảo.
Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 130 đại biểu là Phó Chủ tịch tỉnh, Thành phố, lãnh đạo và các nhà quản lý từ các phòng ban của Ủy ban, các Sở Xây dựng, Trung tâm chống ngập, các Công ty thoát nước và xử lý nước thải, Ban quản lý dự án, Hiệp hội chuyên ngành, các trường, Viện nghiên cứu, lãnh đạo và đại diện các Cục, Vụ liên quan của Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính. Ngoài ra, đại diện từ Chương trình thoát nước và chống ngập úng ứng phó với niến đổi khí hậu, Chương trình quản lý nước thải hợp tác giữa Việt Nam – Đức, Việt Nam – Phần Lan và Việt Nam – Nhật Bản cũng tham dự sự kiện này.
Trong khung khổ Chương trình quản lý nước thải, GIZ hỗ trợ Bộ Xây dựng cải thiện khung pháp lý để phát triển bền vững lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải. Nhóm cố vấn chính sách của GIZ đã cố vấn cho Cục Hạ tầng kỹ thuật trong quá trình dự thảo điều chỉnh định hướng. Tại Hội thảo này, GIZ trình bày ba báo cáo đánh giá bao gồm: xây dựng quy định quản lý hoạt động thoát nước địa phương, hợp đồng quản lý vận hành và giá dịch vụ thoát nước & lộ trình thực hiện. Những báo cáo này không chỉ phản ánh những bài học kinh nghiệm của GIZ và 13 tỉnh tham gia chương trình của GIZ mà còn đưa ra một quy trình thực tế đế xây dựng khung pháp lý địa phương, đồng thời có những khuyến nghị rõ ràng cho Bộ Xây dựng.
Hội thảo cũng là một cơ hội để cùng rà soát, đánh giá việc thực hiện Nghị định 80/2014/NĐ-CP về thoát nước và xử lý nước thải tại các tỉnh, là một diễn đàn để các đại biểu thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện lộ trình giá dịch vụ thoát nước, hợp đồng quản lý vận hành, quy định quản lý hoạt động thoát nước địa phương, mở rộng đấu nối hộ gia đình.
Các đại biểu cũng dành nhiều thời gian để thảo luận về các bước tiếp theo trong tổ chức thực hiện điều chỉnh định hướng trong thời gian tới.
Hữu Trung