Với việc được Trung ương chọn làm điểm xây dựng tỉnh đạt chuẩn Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Hà Tĩnh xem đây là “cơ hội vàng” để tiếp đà bứt phá trong xây dựng Nông thôn mới, hướng tới lợi ích thiết thực, lâu dài của người dân và sự phát triển toàn diện, có chiều sâu bền vững.
Với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, sự chung tay của người dân,
huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã xây dựng nên nhiều miền quê đáng sống (Nguồn ảnh: baohatinh.vn)
Trước khi thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Hà Tĩnh có điểm xuất phát thấp, bình quân mỗi xã đạt 3,5 tiêu chí, không có xã đạt trên 10 tiêu chí. Đồng thời, 80% số xã dưới 5 tiêu chí, 20 xã không đạt tiêu chí nào, tỷ lệ hộ nghèo 23,91%, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn 8,46 triệu đồng/người.
Những năm qua, được sự quan tâm của Trung ương, cùng với sự nỗ lực, phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền các cấp và nhân dân, Hà Tĩnh đã đạt được nhiều kết quả khá cao trong thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Xây dựng Nông thôn mới đã làm cho nông thôn Hà Tĩnh có sự phát triển mang tính đột phá, kết quả đạt được nhìn chung đồng đều trên tất cả các lĩnh vực, vùng miền và tính bền vững cao.
Đến nay Hà Tĩnh đã có 201/229 xã đạt chuẩn Nông thôn mới (sau sáp nhập xã còn 155/182 xã đạt chuẩn Nông thôn mới), 8 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao. Dự kiến, cuối năm 2020 chỉ còn dưới 10 xã chưa đạt chuẩn. Đồng thời, đã có 4 huyện, thị, thành phố đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới; 4 huyện có 100% xã đạt chuẩn Nông thôn mới, trong đó có 2 huyện đã đề xuất Trung ương công nhận trong 6 tháng đầu năm 2020 (huyện Đức Thọ và Thạch Hà).
Nông thôn Hà Tĩnh có sự thay đổi lớn và diễn ra từng ngày. Các xã sau khi đạt chuẩn Nông thôn mới ở các vùng miền liên tục nâng chuẩn, nhất là xây dựng các khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Từ đây, đã trở thành một phong trào sâu rộng trong toàn tỉnh.
Bên cạnh đó, một số địa phương đã định hướng và phát triển nâng tầm, không chỉ dừng lại ở Khu dân cư Nông thôn mới kiểu mẫu mà hướng đến xây dựng khu dân cư Nông thôn mới kiểu mẫu thông minh gắn với kiến trúc cảnh quan nông thôn. Quan tâm đến văn hóa (các thôn yêu cầu có câu lạc bộ văn nghệ, thể thao), quan tâm đến bảo vệ và cải thiện môi trường và gần đây đã đưa hệ thống công trình xử lý nước thải tại hộ gia đình. Đồng thời, đồng bộ hóa quản lý và kỹ thuật trong thu gom, phân loại, xử lý rác thải; sử dụng, ứng dụng công nghệ số ở trong quản lý, giám sát thực hiện Chương trình Nông thôn mới và OCOP (Chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm”).
Thời gian tới, Hà Tĩnh hướng đến xây dựng Nông thôn mới bền vững, dựa trên 3 nền tảng trọng tâm, gồm: phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa người Hà Tĩnh; đổi mới và hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng môi trường. Đi cùng với đó là phát huy cao sức mạnh cộng đồng, phát huy giá trị văn hóa, ý chí, khát vọng và sức mạnh con người Hà Tĩnh.
Trên cơ sở đó, Hà Tĩnh đề ra mục tiêu, giai đoạn 2021-2025, 100% số huyện trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới. Đối với các huyện đã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 cần đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về huyện Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Cùng với đó, 100% số thị xã, thành phố trên địa bàn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới. Đối với các thị xã, thành phố đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, phải đáp ứng đầy đủ mức hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; có ít nhất 10% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025.
Hiện nay, Hà Tĩnh đang tập trung cao xây dựng Đề án tỉnh đạt chuẩn Nông thôn mới. Với việc được Trung ương chọn làm điểm xây dựng tỉnh đạt chuẩn Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Hà Tĩnh xem đây là “cơ hội vàng” để tiếp đà bứt phá trong xây dựng Nông thôn mới, hướng tới lợi ích thiết thực lâu dài của người dân và sự phát triển toàn diện, có chiều sâu bền vững./.