Xây dựng Nông thôn mới: Khó nhất là môi trường

Thứ hai, 23/05/2016 14:37
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Theo Ban chỉ đạo Chương trình Nông thôn mới, tiêu chí môi trường vẫn đang là “bài toán khó” trong công tác xây dựng Nông thôn mới tại các địa phương. Bởi vậy, tính đến nay, cả nước mới có 26% các xã điểm Nông thôn mới đạt tiêu chí về môi trường. Hà Nội là một trong những địa phương đang gặp phải khó khăn này. 

Phó Bí Thư Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng thị sát xây dựng nông thôn mới tại Huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Canh cánh tiêu chí môi trường

Xã Bình Minh, huyện Thanh Oai có nghề giết mổ gia cầm, đây là nghề giúp hàng trăm hộ dân vươn lên làm giàu. Mấy năm gần đây, do nhu cầu về thịt gia cầm của người tiêu dùng Thủ đô tăng cao nên nghề giết mổ gia cầm của Bình Minh ngày càng phát triển.

Nhiều hộ mở rộng quy mô giết mổ lên tới hàng tạ gia cầm các loại với thu nhập trung bình từ 1,5 - 2 triệu đồng/ngày. Điều đặc biệt là ở Bình Minh, người dân không chăn nuôi gia cầm. Hay nói cách khác là tất cả số lượng gia cầm nguyên liệu tại xã đều được nhập về từ các trại chăn nuôi gà, vịt ở các nơi khác, chủ yếu là từ Chương Mỹ và Quốc Oai.

Hiện nay, trung bình mỗi ngày Bình Minh cung cấp cho thị trường 30 tấn thịt gia cầm các loại, dịp cao điểm lên tới xấp xỉ 40 tấn. Ngoài giết mổ, một số hộ còn chuyên thu mua lông gia cầm về sấy khô bán cho các nhà máy sản xuất lông vũ. Ông Bùi Minh Oánh - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết, không chỉ giúp người dân làm giàu, nghề giết mổ gia cầm còn góp phần quan trọng để xã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Song, mặt trái của nghề là môi trường sống bị ảnh hưởng bởi tình trạng ô nhiễm. Hàng ngày, một lượng rất lớn nước thải, phế phẩm sau giết mổ được các hộ xả trực tiếp ra cống rãnh chung không qua xử lý. Vì vậy, bất cứ ai khi vào khu dân cư hành nghề giết mổ gia cầm đều cảm nhận rõ mùi tanh của chất thải, nước thải từ các rãnh thoát nước lộ thiên và kênh, mương ven làng...

Cũng như xã Bình Minh, xã Tân Triều thuộc huyện Thanh Trì cũng “canh cánh” lo tiêu chí môi trường. Chủ tịch UBND xã Tân Triều Nguyễn Duy Tuấn cho biết, mặc dù đã hoàn thành xây dựng NTM nhưng địa phương vẫn rất băn khoăn do môi trường ngày một xuống cấp. “Người dân thôn Triều Khúc có truyền thống thu mua phế liệu đồng nát về tái chế và làm lông gà, lông vịt. Trước đây, 50% lao động làm nghề này, sấy ngay trong làng, nay chỉ còn 13 hộ thu mua lông gà, lông vịt xuất khẩu sang Trung Quốc. Lông gà, lông vịt phơi ngập cánh đồng, mùi hôi bốc lên nồng nặc. Chúng tôi xin tự trừ điểm tiêu chí môi trường” - ông Tuấn phân trần.

Không “ngoa” khi nói tiêu chí môi trường được coi là tiêu chí khó nhất trong hoàn thành mục tiêu về xây dựng Nông thôn mới tại Hà Nội hiện nay.

Thay đổi từ sự chủ động của địa phương

Tiêu chí môi trường nói chung là tiêu chí khó nhất trong nông thôn mới tại Hà Nội, nhưng cái “khó” đó lại muôn màu muôn vẻ với đặc thù từng huyện, từng xã. Mỗi địa phương lại có “lý lịch” hạn chế về môi trường do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhiều ngành nghề gây ô nhiễm khác nhau. Chính vì vậy để khắc phục được bất cập này, không thể có công thức chung cho toàn địa bàn thành phố.

Để đạt được tiêu chí môi trường, mỗi địa phương cần có cách làm riêng để phù hợp với điều kiện sinh hoạt của cư dân trên địa bàn. Ví dụ như để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường ở Bình Minh, địa phương đã quyết tâm xây dựng khu giết mổ gia cầm tập trung quy mô 4,4ha tại khu Đồng Mới của xã. Dự án có tổng kinh phí đầu tư gần 100 tỷ đồng. Mục tiêu của quy hoạch là tập hợp tất cả các hộ làm nghề giết mổ gia cầm về một địa điểm để tiện cho việc kiểm tra, kiểm soát gia cầm, an toàn dịch bệnh.

Tại xã Văn Hoàng, huyện Phú Xuyên, tuy không phải xã điểm xây dựng nông thôn mới của huyện Phú Xuyên nhưng người dân đều ý thức được rằng phải làm làng quê mình ngày một văn minh, sạch đẹp. Ông Đặng Văn Hai, thôn Trung chia sẻ, có được diện mạo khang trang sạch đẹp như ngày hôm nay tất cả là nhờ sự đồng thuận của nhân dân. Đến nay, các cơ sở chế biến lâm sản, làm hương, sản xuất giày da, gia công màn xuất khẩu trên địa bàn xã đều có hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn và cam kết bảo vệ môi trường; 97% số hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh; 100% rác thải được thu gom xử lý hợp vệ sinh; nghĩa trang nhân dân được quy hoạch bảo đảm không gây ô nhiễm...

Điểm lại số xã xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 khu vực ngoại thành thì việc hoàn thành các chỉ tiêu như: 50% dân số của xã được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia; các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; không có hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh - sạch - đẹp; nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch; chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ông Lê Thiết Cương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) thừa nhận tiêu chí số 17 (môi trường) khó thực hiện. Rất ít xã đạt chỉ tiêu cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn theo quy định. Hiện, đã có một số xã triển khai xây dựng nghĩa trang nhưng cũng ít xã nào hoàn thành theo quy hoạch nông thôn mới. Việc sử dụng đất nghĩa trang vẫn phụ thuộc vào phong tục, tập quán địa phương, chủ yếu quan tâm đến chôn cất người qua đời mà chưa quan tâm đến diện tích cây xanh, xử lý nước thải và các công trình phụ trợ... Đợt chấm điểm vừa qua, trong số các xã vừa được công nhận nông thôn mới, chưa địa phương nào đạt trọn vẹn tiêu chí về môi trường.

Để đạt được tiêu chí này, mỗi địa phương không nên “xem nhẹ” mà cần có các phương án huy động nhiều nguồn lực trong xã hội chung tay bảo vệ môi trường. Chỉ có sự chủ động, hỗ trợ của mọi cấp, mọi ngành và toàn xã hội, mới hy vọng có thể đạt được tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới .


Theo chinhphu.vn

 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)