Hà Nội tự hào là lá cờ đầu trong xây dựng nông thôn mới

Thứ sáu, 13/05/2016 13:47
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sau 5 năm thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới của TP. Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, kinh tế nông nghiệp đã có bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa và hiệu quả ngày càng cao; đời sống của nhân dân cũng được nâng lên rõ rệt... 

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải trao bằng khen của Thủ tướng cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong xây dựng NTM.

Nội dung trên được đưa ra tại Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới và triển khai chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng Nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân TP. Hà Nội giai đoạn 2016-2020, sáng 12/5.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, do nhận thức vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của khu vực nông thôn đối với sự phát triển bền vững của Thủ đô, đồng thời cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình 02 nhằm tập trung chỉ đạo huy động nguồn lực, quyết tâm phát triển khu vực nông thôn của Thủ đô.

Dù gặp nhiều khó khăn song TP vẫn luôn ưu tiên, quan tâm chỉ đạo, tập trung nguồn lực cho xây dựng Nông thôn mới. Đội ngũ cán bộ từ TP đến cơ sở đã cố gắng, nỗ lực tập trung cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Vì vậy nhiều việc tưởng chừng rất khó như dồn điền đổi thửa đã đạt kết quả rất cao, xuất hiện nhiều tấm gương hi sinh lợi ích riêng vì dân, vì nước hiến đất, mở đường, đóng góp tiền của. Có nơi kiên trì, bền vững, tổ chức họp đi họp lại hàng trăm lần để người dân được bàn thảo một cách kỹ lưỡng và thống nhất cách làm, nhờ đó những khâu quan trọng và khó nhất trong xây dựng Nông thôn mới đều được nhân dân đồng thuận cao.

Đến nay Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số xã đạt chuẩn Nông thôn mới với 213/401 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, đạt 53,12%; nếu không tính huyện Từ Liêm cũ TP có 201/386 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, đạt 52,07%, vượt 12, 07% so với kế hoạch đề ra.

Trước khi xây dựng Nông thôn mới, bình quân mỗi xã chỉ đạt và cơ bản đạt 7 tiêu chí, đến nay bình quân mỗi xã đạt và cơ bản đạt 16,9 tiêu chí. Đây là kết quả đáng phấn khởi, tạo tiền đề quan trọng để hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới trong giai đoạn tới.

Cùng với các chương trình lớn khác của TP, kết quả thực hiện chương trình trong 5 năm qua đã góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh trật tự, an ninh nông thôn trên địa bàn. Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự hưởng ứng và tham gia tích cực của nhân dân, xây dựng Nông thôn mới đã trở thành phong trào rộng lớn và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Kết quả xây dựng Nông thôn mới đã làm cho khoảng cách chênh lệch phát triển giữa thành thị và nông thôn dần thu hẹp. Bộ mặt nông thôn ở nhiều nơi được đổi mới, văn minh hơn, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp, hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố, thu nhập và điều kiện sống của người dân được cải thiện và nâng cao.

Việc chăm lo tốt cho khu vực nông thôn đã góp phần làm cho an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, nhân dân đã góp phần làm cho an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, nhân dân phấn khởi, đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Thành ủy.

Với quyết tâm thực hiện dồn điền, đổi thửa, nhiều vùng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao được hình thành, bước đầu đạt kết quả tốt. Việc đưa cơ giới vào đồng ruộng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất được tăng cường; hình thành các chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm cung cấp rộng rãi cho thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu. Nhiều mô hình sản xuất hàng hóa nông nghiệp đem lại giá trị kinh tế cao, một số nơi đạt 1-2 tỷ đồng/ha.

Việc củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các lớp hợp tác xã được quan tâm, nhiều hợp tác xã, tổ đội sản xuất, hình thức hợp tác mới được hình thành, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội khu vực nông thôn, nhất là hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh không ngừng được đầu tư xây dựng, nâng cấp và hoàn thiện. Hệ thống đê điều, kênh mương thủy lợi,giao thông nội đồng phục vụ sản xuất đuọc ưu tiên đầu tư nâng cấp, bảo đảm an toàn trong phòng chống lũ và tiêu úng, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất nông nghiệp và dân sinh, đến nay cơ bản không còn dột nát. Tỷ lệ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%.

Thiết chế văn hóa ở nhiều nơi được quan tâm đầu tư. Đời sống vật chất và tinh thần của nông dân từng bước được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn ngày một tăng, năm 2011 là 14 triệu đồng/người/năm, đến năm 2015 đạt 33 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 4 lần so với năm 2011.

Mặc dù đạt nhiều kết quả nhưng chương trình xây dựng Nông thôn mới của Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế, sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu ở quy mô nhỏ lẻ, mức độ ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế nên năng suất, chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp. Bên cạnh đó nguồn lực xây dựng cho Nông thôn mới vẫn chưa thu hút được nhiều nguồn lực xã hội. Hệ thống hạ tầng kinh tế kỹ thuật nông thôn đầu tư còn chưa đồng đều giữa các địa phương và thiếu đồng bộ. Vấn đề lao động, việc làm, thu nhập và đời sống của nông dân ở một số vùng thuần nông, xa trung tâm, nhất là các xã vùng dân tộc miền núi còn nhiều khó khăn.

Vì vậy, theo Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải, trong giai đoạn 2016-2020, Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, phấn đấu tăng trưởng sản xuất nông nghiệp bình quân từ 3,5-4%/năm trở lên... Đồng thời tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí ở các xã đã đạt chuẩn Nông thôn mới, nhất là các tiêu chí về y tế, giáo dục, văn hóa, môi trường và thu nhập.

Đến năm 2020, thu nhập của nông dân khu vực nông thôn Thủ đô đạt 49 triệu đồng/người/năm trở lên; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 95%; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn dưới 1,5%...

Để đạt được mục tiêu, Bí thư Hoàng Trung Hải cho rằng, trong phát triển nông nghiệp ngoài phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa cần tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các chính sách của Trung ương và Thành phố đối với sản xuất nông nghiệp. Tăng cường đào tạo cán bộ chuyên sâu về kỹ thuật cũng như nâng cao năng lực quản lý nhà nước về nông nghiệp.

Đồng thời rà soát, đánh giá, phân loại củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX nông nghiệp; tổ chức liên kết, hợp tác sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, tăng cường xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm nông nghiệp.

Trong xây dựng Nông thôn mới cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng Nông thôn mới. Trong đó, lưu ý xây dựng hệ thống chính trị cơ sở nông thôn trong sạch, vững mạnh; rà soát, bổ sung qui hoạch, đề án xây dựng xã Nông thôn mới; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, đặc biệt tập trung huy động các nguồn lực của Nhà nước và xã hội đầu tư thực hiện Chương trình giai đoạn 2016-2020.

Hỗ trợ, hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, liên kết đầu tư, mở rộng phát triển sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và thu nhập. Mở rộng sản xuất trong các khu, cụm, điểm công nghiệp, làng nghề nông thôn. Song song hỗ trợ phát triển hệ thống dịch vụ nông thôn; thực hiện đầy đủ các chính sách về an sinh xã hội đối với các gia đình chính sách, các hộ nghèo, cận nghèo khu vực nông thôn và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nông dân.


Theo Chinhphu.vn
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)