Chặng đường nước rút để trở thành huyện nông thôn mới

Thứ hai, 16/05/2016 13:32
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sau hai huyện Đan Phượng và Thanh Trì, Đông Anh là huyện thứ ba của TP Hà Nội đủ điều kiện đề nghị Chính phủ xét công nhận huyện nông thôn mới. Song, để trở thành huyện nông thôn mới (NTM) với 100% số xã, Đông Anh vẫn gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn xây dựng cơ bản, về tiêu chí thủy lợi đòi hỏi những nỗ lực vượt bậc của chính quyền, người dân. 

Người dân Đông Anh (Hà Nội) tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn.

Chủ động xây dựng NTM

Đến nay, sau năm năm triển khai thực hiện xây dựng NTM, thu nhập của người dân toàn huyện Đông Anh đã tăng lên hơn 31 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 1,24%. Kết quả này cho thấy, đây là chủ trương đúng, mang lại hiệu quả thiết thực nên được nhân dân đồng tình ủng hộ, là điều kiện thuận lợi để địa phương phấn đấu hoàn thành các tiêu chí còn lại.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Trần Đình Nam cho biết, phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM và nâng cao đời sống người dân được xác định là ba nhiệm vụ trọng tâm của huyện trong năm 2016. Nổi bật là trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng làm “đòn bẩy” cho các xã trên địa bàn sớm hoàn thành các tiêu chí NTM. Đó là đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ, đưa cơ giới và cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất lúa ở hầu hết các xã trong huyện; tích cực chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi gắn với xây dựng, hỗ trợ các mô hình kinh tế hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế HTX... Cùng với đó, tiếp tục quan tâm, chăm lo đời sống cho người dân. Phát huy vai trò, sức mạnh làm chủ và đóng góp của nhân dân trong xây dựng NTM. Phấn đấu đến cuối năm 2016, hoàn thành mục tiêu có 100% số xã đạt chuẩn xây dựng NTM.

Những năm qua, để chuẩn bị cho xây dựng NTM, huyện Đông Anh đã chỉ đạo các xã trong toàn huyện quyết liệt xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tập trung vào các công trình trọng điểm như điện, đường, trường, trạm... Đồng thời tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế cho giá trị kinh tế cao.

Ông Nguyễn Văn Tam, một nông dân vùng rau an toàn xã Vân Nội đã không giấu được niềm vui khi chỉ cho chúng tôi cánh đồng rau đang vào vụ thu hoạch: Gia đình có bảy sào ruộng dành để trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ kỹ thuật chăm bón khoa học, cho năng suất cao cho nên rau của gia đình luôn được thu mua với giá cao. Trung bình mỗi năm cho thu nhập cả trăm triệu đồng.

Không chỉ Vân Nội trở thành vùng chuyên canh rau an toàn, tại Đông Anh còn có vùng chuối tiêu hồng tại Kim Chung. Vùng trồng đào, quất cảnh Uy Nỗ, Tàm Xá, Tiên Dương, vùng lúa nếp cái hoa vàng ở Thụy Lâm, Dục Tú… đều phát triển theo hướng chuyên canh cho năng suất ổn định, giá trị kinh tế cao. Ngoài phát triển sản xuất, chính quyền huyện còn chú trọng phát triển chăn nuôi. Trên địa bàn huyện hiện có 208 trang trại với tổng đàn trâu, bò bình quân hằng năm đạt khoảng 6.150 con; đàn lợn hơn 65.100 con và khoảng 2,1 triệu gia cầm, thủy cầm. Đây là những xuất phát điểm vững chắc để chính quyền, người dân vững tin xây dựng NTM.

Quyết liệt về đích đúng hẹn

Nhờ triển khai thành công mục tiêu phát triển kinh tế, nhất là sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ đấu giá quyền sử dụng đất, Đông Anh đã tạo ra những chuyển biến tích cực từ trong tư duy đến thực tiễn xây dựng huyện NTM. Sự năng động của chính quyền, gắn với sự chung tay góp sức của các doanh nghiệp, người dân trên toàn huyện đã biến những điều khó khăn tưởng như không thể đối với nhiều địa phương trong xây dựng NTM trở nên dễ dàng, trong đó phải kể đến phong trào hiến đất làm đường, ủng hộ tiền để chính quyền đầu tư xây dựng nhà văn hóa, trường học… Tiêu biểu là gia đình ông Trần Văn Mão hiến 700 m2 đất làm đường giao thông nội đồng, gia đình ông Phạm Mai Lâm, hiến 150 m2 đất và có cả gia đình đã tự nguyện đóng góp 1,5 tỷ đồng… Nguồn lực trong dân chính là động lực để Đông Anh quyết tâm trở thành huyện NTM vào dịp cuối năm 2016.

Không hô hào, làm từng bước, dễ trước, khó sau, chính là phương châm để Đông Anh có được những thành công nhất định trong xây dựng NTM ở quy mô cấp xã và sau là cấp huyện. Song cái khó của Đông Anh chưa hẳn đã hết. Nguồn vốn cho xây dựng cơ bản chậm giải ngân đã khiến cho hai xã còn lại là Dục Tú, Kim Nỗ chưa thể hoàn thiện các tiêu chí còn lại như: môi trường, trường học, cơ sở vật chất nhà văn hóa, giao thông, thủy lợi… Theo kế hoạch, năm 2016, Đông Anh sẽ cán đích huyện NTM. Đây là một thử thách không nhỏ đòi hỏi có sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị xã hội của toàn huyện. Trong đó, việc áp dụng đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp được coi là phải đi trước một bước không chỉ tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân mà còn tạo ra nguồn lực tái đầu tư cho cơ sở hạ tầng xây dựng NTM. Theo lãnh đạo huyện, trước mắt Đông Anh tập trung đầu tư sản xuất lúa hàng hóa tại sáu xã sau dồn điền đổi thửa, tiến tới nhân rộng ra địa bàn toàn huyện vào những năm tiếp theo. Bên cạnh đó là vận động người dân mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn và phát triển mạnh các ngành phi nông nghiệp trước mắt là cho gia đình, sau nữa là cho cộng đồng, làng xã.

Với những việc làm cụ thể, có lộ trình, tin rằng Đông Anh sẽ đạt huyện NTM vào cuối năm 2016.


Theo Nhân dân điện tử
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)