Phấn đấu 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới trở lên vào năm 2020

Thứ năm, 05/05/2016 15:36
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Dù gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) nhưng nhờ quyết tâm cao và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhân dân địa phương, sau 5 năm bộ mặt nông thôn của Thủ đô đã có nhiều thay đổi và là niềm tự hào khi dẫn đầu cả nước trong chương trình thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. 

Trong suốt 5 năm (2011-2015), sản xuất nông nghiệp của Hà Nội gặp nhiều khó khăn khi thời tiết, khí hậu biến đổi thất thường; diện tích đất nông nghiệp ngày càng giảm; trong chăn nuôi dịch bệnh luôn dình dập tái bùng phát; hệ thống công trình thủy lợi xuống cấp, đê điều bị sạt lở ảnh hưởng đến an toàn công trình và đời sống nhân dân… Nhưng được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các Bộ, ngành Trung ương cũng như Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố trong việc thực hiện nhiệm vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn nên sản xuất nông nghiệp, nông thôn của Thành phố trong 5 năm qua đã đạt được kết quả tích cực. Bộ mặt nông thôn trên địa bàn thành phố đã có nhiều thay đổi ấn tượng, chất lượng cuộc sống đã được nâng lên rõ rệt, người dân vui mừng, phấn khởi vì những lợi ích thiết thực mà chương trình xây dựng Nông thôn mới mang lại.

Tính đến năm 2015, số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 201/386 xã, đạt 52,07% tổng số xã toàn Thành phố đạt vượt kế hoạch mục tiêu đề ra; 102 xã đạt và cơ bản đạt từ 15-18 tiêu chí; 83 xã đạt và cơ bản đạt từ 10-14 tiêu chí. Ngoài huyện Đan Phượng đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, thành phố Hà Nội còn có 5 huyện gồm: Thanh Trì, Hoài Đức, Đông Anh, Phúc Thọ và huyện Gia Lâm đủ điều kiện về tỷ lệ phần trăm số xã theo quy định để trình Trung ương xét, công nhận huyệt đạt chuẩn nông thôn mới.

Trong những năm qua, các huyện, thị xã và các xã đã tích cực triển khai thực hiện nhựa hóa, bê tông hoá,... bảo đảm đạt chuẩn tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê tông hoá đạt 100%. Để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, Ban Chỉ đạo Thành phố đã chỉ đạo các huyện, thị xã tập trung xây dựng các công trình thủy lợi, kiên cố hóa kênh mương nội đồng. Đến nay, đã có 256/386 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí về thủy lợi.

Bên cạnh đó, Hà Nội đã tập trung cải tạo, nâng cấp và xây mới 225 trường mầm non, mẫu giáo; 152 trường tiểu học… hiện có 158 xã đạt tiêu chí về Trường học. Thành phố cũng tập trung nâng cấp, cải tạo, xây mới được 19 nhà văn hóa, khu thể thao xã đạt chuẩn; 437 nhà văn hóa, khu thể thao thôn, tuy nhiên đến nay mới có 58 xã đạt tiêu chí về Cơ sở vật chất văn hóa.

Ngoài ra, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn cũng tăng lên đáng kể, từ 14 triệu đồng/người/năm (năm 2011) lên 33 triệu đồng/người/năm (năm 2015), vượt 8 triệu đồng so với mục tiêu. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 11,25% (năm 2011) xuống còn dưới 1,5% (năm 2015); tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%...

Đến nay, toàn Thành phố đã thực hiện dồn điền, đổi thửa được 76.891,67/76.281,57 ha (đạt 100,8%) do có 8 huyện có diện tích dồn điền, đổi thửa vượt 2.485,43 ha so với kế hoạch Thành phố giao. Từ hiệu quả công tác dồn điền, đổi thửa toàn bộ diện tích đất nông nghiệp đều được quy hoạch lại và đào đắp giao thông, thủy lợi nội đồng theo tiêu chuẩn, tiêu chí nông thôn mới. Cơ giới hóa đã và đang được các xã, HTX và cá nhân đầu tư ở một số khâu chính. Mỗi hộ gia đình trước dồn điền, đổi thửa có 7-15 ô, thửa, thậm chí 27-39 ô, thửa như ở Sóc Sơn, Chương Mỹ... đến nay chủ yếu chỉ còn 1-2 ô, thửa, rất thuận lợi cho người dân trong tổ chức sản xuất, giảm đỡ ngày công, tiết kiệm chi phí vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu nên hầu hết người dân nông thôn của Hà Nội rất phấn khởi tin tưởng hơn vào chủ chương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Thành phố.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, mặc dù gặp nhiều khó khăn song Thành phố vẫn luôn ưu tiên, quan tâm chỉ đạo, tập trung nguồn lực cho xây dựng NTM. Đội ngũ cán bộ từ Thành phố đến cơ sở đã nỗ lực tập trung cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, vì thế, nhiều việc tưởng chừng rất khó như dồn điền, đổi thửa, thì đã đạt kết quả rất cao đồng thời xuất hiện nhiều tấm gương hy sinh lợi ích riêng vì dân, vì nước hiến đất, mở đường, đóng góp tiền của. Bên cạnh đó, có nhiều địa phương cán bộ cùng người dân kiên trì, bền bỉ, tổ chức họp đi họp lại hàng trăm lần để người dân được bàn thảo một cách kỹ lưỡng và thống nhất cách làm. Những khâu quan trọng và khó nhất trong xây dựng NTM đều được nhân dân đồng thuận cao, đồng thời thể hiện tính công khai, minh bạch và tính chất người dân là chủ thể của chương trình xây dựng NTM.

Với những kết quả trên, Thành phố Hà Nội tự hào là địa phương dẫn đầu cả nước về kết quả phong trào xây dựng NTM, với 213/401 xã đạt chuẩn (đạt 53,12%), nếu không tính huyện Từ Liêm có 201/386 xã đạt chuẩn NTM (đạt 52,07%) vượt kế hoạch đề ra đến năm 2015 là 12,07%. Trước khi xây dựng NTM, bình quân mỗi xã chỉ đạt và cơ bản đạt 7 tiêu chí, đến nay bình quân mỗi xã đạt và cơ bản đạt 16,9 tiêu chí. Đây là kết quả đáng phấn khởi, tạo tiền đề quan trọng để hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM trong giai đoạn tới. Năm 2015 thành phố Hà Nội là một trong 13 tỉnh, thành phố được Thủ tướng Chính phủ tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất vì có nhiều thành tích trong thực hiện phong trào xây dựng NTM, nhân dân và cán bộ của 56 xã và 17 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Thành phố dẫn đầu phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011-2015, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Dựa trên những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, chính quyền thành phố đã đề ra các kế hoạch để xây dựng NTM nhanh, mạnh và bền vững hơn nữa. Trong đó xác định mục tiêu giai 2016-2020 sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí ở các xã đã đạt chuẩn NTM, nhất là các tiêu chí về y tế, giáo dục, văn hóa, môi trường và thu nhập. Phấn đấu đến năm 2020 thành phố có 80% số xã đạt chuẩn NTM trở lên, 100% số huyện, thị xã đạt NTM.


Theo chinhphu.vn
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)