Phát huy sức dân trong xây dựng nông thôn mới ở Long An

Thứ tư, 04/05/2016 13:52
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Qua 5 năm xây dựng nông thôn mới, đến cuối năm 2015, toàn tỉnh Long An có 43 xã đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí về nông thôn mới. Đạt được kết quả trên là do tỉnh đã phát huy được mọi nguồn lực, nhất là phát huy hiệu quả sức dân. 

Người dân xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh tham gia xây cầu nông thôn.

Tại buổi tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) vào cuối năm 2015, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Thanh Nguyên khẳng định, sự thành công bước đầu của chương trình là do các cấp, các ngành đã phát huy hiệu quả sức dân. Trên thực tế, từ năm 2011 đến năm 2015, trong số 15.986 tỷ đồng toàn tỉnh huy động đầu tư cho chương trình xây dựng NTM, cộng đồng dân cư đã đóng góp 6.126 tỷ đồng, chiếm 38,3%.

Thời gian đầu, người dân vẫn còn mang ý nghĩ xây dựng NTM là trông chờ chủ yếu vào sự đầu tư của Nhà nước. Tuy nhiên, từ nhiều kênh tuyên truyền khác nhau, các ngành, các cấp, địa phương đã từng bước làm thay đổi suy nghĩ đó, giúp người dân hiểu rõ hơn ý nghĩa của xây dựng NTM phải do chính họ làm chủ. “Hiểu được vai trò của mình, người dân đã tích cực hơn trong việc tham gia xây dựng NTM, không còn tâm lý trông chờ vào kinh phí đầu tư của Nhà nước” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An Lê Văn Hoàng cho biết. Nhiều phong trào xây dựng NTM đã được phát động rộng khắp ở các đoàn thể, các địa phương với sự tham gia ngày càng đông đảo, tích cực của người dân.

Chọn những địa bàn là các xã nông thôn vùng sâu, vùng xa, cuộc sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Long An đã triển khai mô hình bếp ít khói với mục đích giúp người dân nông thôn có thói quen sử dụng những gian bếp sạch, bảo đảm môi trường, qua đó giữ gìn sức khỏe cho gia đình. Mô hình này đã triển khai ở nhiều xã trong tỉnh và mang lại kết quả khả quan. Trong đó, xã Tân Ninh (huyện Tân Thạnh) có gần 300 hộ tham gia. Chị Huỳnh Thị Lan, ấp Kinh Bích, xã Tân Ninh cho rằng chỉ cần thay đổi nhỏ gian bếp trong nhà mà mọi thứ khác hẳn. Vẫn là bếp củi quen thuộc nhưng chị em nông thôn giờ không còn sống chung với khói mỗi khi nhóm lửa, bếp sạch hơn, mà sức khỏe của gia đình cũng được bảo đảm. Theo đánh giá của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, bếp ít khói là một trong những mô hình mang lại hiệu quả trong xây dựng NTM. Hiện toàn tỉnh có hơn 2.000 hộ thực hiện bếp ít khói.

Khi những phong trào xây dựng NTM đi sâu vào đời sống người dân, nhiều gương điển hình nông dân tiêu biểu đã xuất hiện. Không ít nông dân đã hiến hàng nghìn mét vuông đất, đóng góp nhiều ngày công lao động, cùng nhau xây cầu, làm đường, kéo điện về thắp sáng nông thôn. Điển hình như ông Nguyễn Lương Duyên, xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng đã hiến 5,7 ha đất, trị giá khoảng 1,7 tỷ đồng hay ông Nguyễn Văn Thời, xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng hiến 4,8 ha đất để làm đường nông thôn. Tại vùng hạ, diện tích đất không nhiều như Đồng Tháp Mười nhưng khi người dân đồng thuận, mọi người đều ra sức đóng góp để hoàn thiện diện mạo NTM. Ông Nguyễn Văn Sành, xã Phước Tuy, huyện Cần Đước đã đóng góp 200 triệu đồng và hiến 5.200 m2 đất. Những gương nông dân như ông Duyên, ông Thời, ông Sành đã tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ của chương trình xây dựng NTM.

Xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa (Long An) vừa đạt chuẩn xã NTM trong năm 2015. Có được kết quả trên, một phần lớn là do xã đã phát huy được sức dân để thực hiện chương trình. Từng người dân ở các ấp đều đồng lòng với những đóng góp khác nhau để xã sớm vượt khó trở thành xã NTM của huyện. Người có đất thì hiến đất làm đường, người không có thì hiến công lao động làm cầu, sửa đường, lại có người dành hẳn 2 ha của gia đình để làm nơi an nghỉ cho người nghèo khi qua đời. Mỗi đóng góp ấy đều tạo nên động lực lớn để toàn xã Mỹ Lạc hoàn thành 19 tiêu chí một cách vững vàng.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Long An Phạm Minh Hùng cho biết, trong 5 năm qua, hội viên nông dân đã đóng góp hơn 226 tỷ đồng, hơn 104 nghìn ngày công lao động để xây dựng và sửa chữa hơn 1.000 cây cầu, 2.300 công trình giao thông với chiều dài 3.600 km, 700 công trình kênh mương nội đồng (chiều dài 1.500 km) và gần 400 công trình kéo điện thắp sáng để xây dựng NTM.

Một năm qua đi, nông thôn tỉnh Long An có thêm nhiều niềm vui mới. Những con đường, những ngôi nhà, những cánh đồng bội thu xuất hiện ngày càng nhiều hơn, xóa dần hình ảnh nghèo khó trước đây. Con đường xây dựng NTM còn dài và còn nhiều thử thách, đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền cần có sự đồng thuận cao và phải coi trọng chất lượng hơn hình thức. Và hơn thế nữa, dù trong giai đoạn nào, xây dựng NTM cần phải huy động được sức dân, phải được dân ủng hộ thì dù có khó khăn đến đâu, mục tiêu tốt đẹp của chương trình sẽ sớm được hoàn thành.


Theo Nhân dân điện tử
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)